(HBĐT) -Đường 433 dài khoảng 90 km, là tuyến đường đặc biệt quan trọng từ TP Hòa Bình đi các xã vùng cao huyện Đà Bắc, thế nhưng từ lâu nay trở thành cung đường nguy hiểm, đem lại cảm giác bất an, nơm nớp lo sợ cho người và phương tiện. Trên đường luôn thường trực nguy cơ đá lở, trượt sạt, lũ ống, lũ quét, ngập úng, sẵn sàng "ăn” người và phương tiện qua lại, nhất là trong những ngày mưa lũ vừa qua.


Khu vực xã Suối Nánh (Đà Bắc) liên tục xảy ra hiện tượng đá rơi xuống đường 433. 

Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Hòa Bình Lê Tuấn Tuyến cho biết: Đường 433 nằm ở địa hình vùng cao, độ dốc lớn, địa chất không ổn định, nền đường và các công trình giao thông yếu chưa đồng bộ, nguy cơ trượt sạt taluy dương và âm rất cao. Đợt mưa lớn trên diện rộng vừa qua, đường 433 xảy ra hàng trăm điểm trượt sạt đất, đá. Đặc biệt xuất hiện rất nhiều điểm sạt với khối lượng lớn, gây ách tắc giao thông nhiều ngày. Nhiều xã dọc tuyến đường bị cô lập phải di chuyển bằng đường thủy trên hồ Hòa Bình. Cùng với đó là hàng chục điểm ngầm bị ngập, có nơi như ngầm Trầm, xã Tân Minh; ngầm Duốc, xã Suối Nánh ngập sâu hơn 1 mét, kéo dài nhiều ngày.
 
Đường 433 qua địa phận xã Suối Nánh dài khoảng 10 km (từ km 75 - km 84), nằm ở địa hình độ dốc lớn, nhiều đá mồ côi, đặc biệt nguy hiểm khi thường xuyên có đá lăn, lũ quét. Bà con đi nương cho biết, ở khu vực này từ trên đỉnh núi có những vết trượt to như cái phích nước, kéo dài nhiều cây số. Nhiều tảng đá đã bị mất chân, sẵn sàng lăn xuống. Hầu như năm nào đoạn đường này cũng có hàng chục tảng đá kích thước to bằng cả chiếc giường nằm rơi xuống chắn ngang đường hoặc rơi xuống đường rồi lăn xuống khe vực. Trong đó tại những vị trí như km 75, 77, 78 là những khu vực đặc biệt nguy hiểm. Năm ngoái, tại ngầm Duốc, xã Suối Nánh (km 78), lũ chảy xiết đã cuốn trôi một xe ngô có 4 người mất tích, dù đã huy động rất đông bà con, lực lượng thuyền bè, phương tiện nhưng vẫn chưa tìm thấy xác. Con suối Nánh giờ đã bị đất, đá san phẳng hoàn toàn. Đây là khu vực khe suối, độ dốc lớn, thường xuyên có lũ ống, lũ quét; đẩy đất, đá đánh tan ngầm, phá hủy hơn 1 km đường vào xóm Duốc. Trong 2 năm nay, ngầm Duốc đã bị phá hủy tới 4 - 5 lần do lũ, đất, đá đánh tan. Đơn vị quản lý đặt tạm cống, lấy đá suối chèn vào để cho người dân và phương tiện đi tạm.
 
Chủ tịch UBND xã Suối Nánh Bùi Văn Phúc cho biết: Cuộc sống không thể không di chuyển. Việc đi lại của bà con rất khó khăn và nguy hiểm, luôn đứng trước nguy cơ đất, đá trượt sạt. Đường 433 qua địa bàn xã có độ dốc lớn, đất, đá rời rạc, bình thường đá lăn xuống rất nguy hiểm, mưa lũ càng nguy hiểm hơn. Hiện nay, phía trên núi còn nhiều khối đá có nguy cơ lăn xuống, đe dọa tính mạng người dân. Không chỉ gây nguy hiểm cho tuyến đường 433, đất, đá trượt sạt đe dọa cuộc sống của mấy chục hộ dân các xóm Cơi 1, Cơi 2, Cơi 3, xã Suối Nánh. Đất, đá có thể vùi lấp và gây nguy hiểm đến khu trụ sở UBND xã, trạm xá, các trường tiểu học, mầm non, THCS và các hộ xung quanh.
 
Chủ tịch UBND xã Toàn Sơn Cao Thái Sơn cho biết: Đoạn đường 433 qua địa bàn xã đang trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp, thường xuyên xảy ra trượt sạt, đá lăn gây nguy hiểm cho người và phương tiện. Nhiều hôm trước đã có tảng đá to như chiếc ô tô trên núi lăn xuống chắn ngang đường, sát UBND xã. Rất may đá lăn vào buổi tối khi anh em công nhân và các phương tiện vừa di chuyển ra khỏi vị trí đá rơi, không thiệt hại về người. Hiện nay, nhà thầu thi công tuyến đường này đã đánh mìn, giải phóng tảng đá chắn ngang đường và rà soát các khu vực nguy cơ đá lăn xung quanh vị trí này.
 
ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đớt liên tiếp trong tháng 7 - 8 vừa qua, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, xuất hiện sạt lở, lũ ống, lũ quét, ách tắc giao thông trên tuyến đường 433. Nguy cơ trượt sạt còn rất nhiều, đặc biệt tại các vị trí km 75 + 450, km 77 + 500 (thuộc khu vực xã Suối Nánh); km 59 + 600, km 46 + 300… Nhiều điểm trượt sạt lớn có khối lượng lên tới hơn 1 vạn m3 /điểm… Đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa rồi, đường 433 sạt lở hàng trăm điểm, nhiều khu vực sạt lở gây ách tắc giao thông, đơn vị quản lý vừa sửa xong được chỗ này, lại tiếp tục sạt điểm mới. Ngày 31/8 vừa qua, đường 433 ách tắc nhiều điểm, nhất là tại khu vực các xã: Tân Minh, Tân Pheo, Giáp Đắt, Mường Chiềng, Suối Nánh… Nhiều đoàn công tác của Sở GD &ĐT, Bảo hiểm xã hội… đi công tác bị tắc ở khu vực xã Tân Minh không về được phải gọi điện cho Sở GTVT mong được giải cứu. Đơn vị huy động 7 máy xúc làm liên tục trong vòng 2 ngày, một đêm mới xúc dọn, san gạt ban đầu để thông toàn tuyến phục vụ bà con đi lại dịp 2/9.
 
Theo Giám đốc Công ty CP Xây dựng giao thông Hòa Bình Lê Tuấn Tuyến: Việc xử lý trượt sạt rất khó khăn vì đường 433 nằm ở vùng cao, địa hình phức tạp, khối lượng đất, đá lớn, rời rạc, đường không có mặt đường làm đường công vụ; kinh phí khó khăn, mưa lũ liên miên, vừa nạo vét ngầm thì lại bị đất, đá san phẳng, xử lý được chỗ này lại sạt trượt chỗ khác… Đơn vị đã huy động 100% nhân lực, phương tiện, máy móc để xử lý ban đầu, bảo đảm thông xe, phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con. Tại các vị trí trượt sạt, ngập úng, các điểm xung yếu, đơn vị đang phối hợp với địa phương triển khai ứng trực, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, điều hành giao thông trên đường 433. Tuy nhiên tình trạng đá lở, đá lăn, trượt sạt đất, đá luôn tiềm ẩn, do vậy người và phương tiện hết sức cảnh giác khi tham gia giao thông trên tuyến đường này.
 
                                                                                                LC

Các tin khác


Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác tài nguyên, kiến tạo cho tương lai bền vững

Thực hiện Chỉ thị số 38, ngày 29/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, tỉnh Hòa Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, gắn với trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân, địa phương, đơn vị... qua đó mang lại chuyển biến nhất định.

Tiêm phòng – “lá chắn” bảo vệ đàn vật nuôi

Tiêm phòng là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho đàn vật nuôi. Khi được tiêm đúng, tiêm đủ các loại vắc xin giúp vật nuôi tạo miễn dịch, chủ động ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Thời tiết ngày 15/3: Bắc Bộ có mưa phùn, trời nồm ẩm

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/3, Bắc Bộ tiếp diễn mưa phùn nồm ẩm, Tây Bắc Bộ trưa chiều giảm mây trời nắng. Miền Đông Nam Bộ nắng nóng.

Thời tiết ngày 14/3: Bắc Bộ có mưa rải rác, trời lạnh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/3, Bắc Bộ có mưa vài nơi, vùng núi xuất hiện mưa rào, trời lạnh về đêm và sáng với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 19 - 22 độ C.

Thời tiết ngày 13/3: Bắc Bộ nhiệt độ tăng, Nam Bộ có nơi nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 13/3, khu vực Bắc Bộ có mưa vài nơi, trong đó tại thủ đô Hà Nội xuất hiện sương mù và sương mù nhẹ rải rác vào sáng sớm, đêm và sáng trời rét.

Cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 45/KH-UBND, ngày 7/3/2024 về cấp nước an toàn (CNAT) và chống thất thoát, thất thu nước sạch giai đoạn 2024-2025 tỉnh Hòa Bình.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục