(HBĐT) - Huyện Kim Bôi có độ dốc tự nhiên lớn; hệ thống sông, suối ngắn, hẹp, độ dốc lòng suối cao. Người dân sinh sống chủ yếu ven các sườn đồi, gần sông, suối. Thời tiết, khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt nên trên địa bàn huyện thường xảy ra và chịu ảnh hưởng các hình thái thời tiết cực đoan như: giông, lốc, mưa đá, bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, hạn hán và rét hại.
Người dân xóm Lươn, xã Thượng Tiến (Kim Bôi) gia cố bờ suối, đề phòng sạt lở trong mùa mưa bão sắp tới.
Theo thống kê của UBND huyện Kim Bôi, trong năm 2018, trên địa bàn huyện xuất hiện 2 đợt rét đậm, rét hại làm chết 223 con trâu, bò. Các đợt nắng nóng gây hạn hán cục bộ tại một số địa phương. Ảnh hưởng của bão số 3, số 4 trong tháng 7, 8 với tổng lượng mưa trên dưới 190 mm đã gây thiệt hại về tài sản, cây trồng. Theo đó, có 43 hộ phải di dời do nguy cơ sạt lở đất, 45 hộ di dời do ngập úng. Có 379,2 ha lúa mất trắng, 84,7 ha hư hại một phần; 154 ha cây màu mất trắng và 43 ha hư hại một phần; 6,6 ha cây ăn quả bị ngập; trên 1.200 con gà, vịt và 4.800 kg cá bị cuốn trôi; 13.196 m3 đất, đá bị sạt lở; 17 cột điện đổ, gãy; 1.710 m kênh, mương bị vỡ, cuốn trôi; 24 trạm bơm điện, máy thủy luân bị bồi lấp; cuốn trôi hoàn toàn 43 bai tạm; 14 công trình hư hỏng cần khắc phục. Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2018 trên địa bàn huyện hơn 42 tỷ đồng.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiệt độ trung bình từ tháng 4 - 8/2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 10C. Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm hơn tại các khu vực phía Tây Bắc Bộ. Lượng mưa trong tháng 4, tháng 5 tại phía Tây Bắc Bộ có khả năng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm trong khoảng từ 15 - 30%.
Chịu tác động của hình thái thời tiết này, dự báo năm nay, trên địa bàn huyện Kim Bôi có khả năng xuất hiện các hiện tượng cực đoan của thời tiết như bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán. Ngay trong những ngày đầu tháng 4, trên địa bàn huyện đã xảy ra những trận mưa lớn bất thường, gây lũ đột ngột trên các suối... Dự báo các hiện tượng cực đoan này sẽ diễn biến phức tạp, đề phòng các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn và hiện tượng giông mạnh kèm theo lốc xoáy. Do đó, công tác phòng, chống thiên tai (PCTT) được huyện quan tâm thường xuyên và xây dựng phương án cụ thể nhằm chủ động phòng, tránh, ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra.
Đồng chí Vũ Thị Ngọc, Trưởng phòng NN&PTNT, Chánh văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Kim Bôi cho biết: Ngay từ giữa tháng 3, UBND huyện Kim Bôi đã ban hành Kế hoạch PCTT&TKCN năm 2019; ban hành Phương án ứng phó với mưa lớn, lũ lụt, sạt lở đất, lốc xoáy, hạn hán và bão, áp thấp nhiệt đới; Quyết định kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện cũng như các tiểu ban. Ban chỉ huy xây dựng Kế hoạch trực PCTT&TKCN, thông báo phân công ứng trực tại các vùng và phân công trách nhiệm từng thành viên. Nhiệm vụ huyện đề ra là nâng cao chất lượng thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó, xử lý khi thiên tai xảy ra. Quản lý chặt chẽ hệ thống công trình giao thông, thủy lợi, có kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình PCTT. Triển khai kế hoạch thực hiện Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng năm 2019, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống, ứng phó với thiên tai ở các khu vực xung yếu, đông dân cư...
Bên cạnh đó, huyện huy động nhân dân đóng góp vật tư, vật liệu tại chỗ để sửa chữa ngay các công trình thủy lợi, giao thông, dân sinh, trường học, trạm y tế, hành lang đường dây điện. Các ngành chức năng chuẩn bị vật tư, giống, dự trữ thuốc men, hàng tiêu dùng để kịp thời phục vụ nhân dân. Huyện cũng yêu cầu các xã chuẩn bị sẵn vật liệu để sửa chữa các công trình hư hỏng do thiên tai. Đặc biệt, những công trình đập dâng, hồ chứa nước chuẩn bị sẵn vật tư thiết yếu như đất, đá, cọc tre, sọt, bao tải để khi xảy ra sự cố sẽ khắc phục kịp thời.
Bình Giang
(HBĐT) - Chiều 28/9, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
(HBĐT) - Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, do mưa lớn, mực nước trên sông Bôi tại trạm Hưng Thi (Lạc Thủy) đã đạt đỉnh là 1.380 cm lúc 14 giờ ngày 28/9/2023. Lúc 15 giờ ngày 28/9 là 1.376 cm, cao hơn báo động III là 73 cm.
(HBĐT) - Hồi 15h20' ngày 28/9, các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh Bùi Văn T, sinh ngày 10/11/1982, trú tại xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Trước đó, hồi 15h ngày 27/9, anh T đi ra suối Bưng và bị nước lũ cuốn mất tích. Nhận được thông tin, Công an huyện và Ban Chỉ huy quân sự huyện Cao Phong đã tổ chức lực lượng cùng cán bộ UBND xã Thu Phong, xã Bắc Phong và thị trấn Cao Phong đi dọc suối Bưng tìm kiếm.
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.
(HBĐT) - Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, từ ngày 26 đến 11h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra mưa lớn. Lượng mưa đo được tại các trạm như: Thủy điện Miền Đồi, Thủy điện Định Cư, Thủy điện Suối Mu trên 130 mm. Mưa lớn đã gây thiệt hại khoảng 390 triệu đồng.