(HBĐT) - Đối với bà con nhân dân xã vùng cao Vân Sơn (Tân Lạc), nỗi lo âu thường trực mùa mưa bão là tình trạng sạt lở đất, đá, ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, tài sản, thậm chí cả tính mạng của người dân. Nhằm chủ động ngăn ngừa, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, tài sản của Nhân dân, cấp ủy, chính quyền xã đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ; kịp thời ứng phó, xử lý nhanh các tình huống đột xuất, bất ngờ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sinh sống, phát triển KT - XH.
Khu vực sườn đồi dẫn lên xóm Bách, xã Vân Sơn (Tân Lạc) hở hàm ếch, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao trong mùa mưa bão.
Toàn xã hiện có khoảng 500 hộ dân thuộc 10 xóm nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa bão, tập trung chủ yếu tại xóm Bách, Nghẹ, Hày Trên, Bương Bái... Đây là những xóm ở khu vực đồi núi cao, nền đất yếu, không đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Theo thống kê, diện tích tự nhiên của xã là 5.552,49 ha, trong đó, diện tích đất ở chỉ chiếm khoảng 50,91 ha, tương đương với gần 10%. Vì vậy, nhiều hộ dân không có đất ở, sinh sống rải rác tại khu vực chân đồi, ven sườn núi.
Thực địa tại xóm Bách, địa bàn nằm trong vùng nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao. Con đường dẫn lên khu vực trung tâm xóm dốc cao thẳng đứng, nền đất lầy lội rất khó đi. Dọc bên sườn đồi nước lũ chảy khoét sâu dẫn tới tình trạng hở hàm ếch, lộ rõ những cụm rễ bương, tre. Năm 2019, mưa lũ đã khiến khối lượng đất, đá lớn trên đồi cao đổ ập xuống khu vực chân nhà sàn của 4 – 5 hộ dân, 1 hộ phải di dời đến nơi ở mới. Anh Hà Công Hữu, Trưởng xóm Bách trăn trở: "Địa hình cao, hiểm trở, tình trạng sạt lở đất, đá vào mùa mưa năm nào cũng xảy ra. Nhiều khu vực nền đất yếu đã trũng nước, bất cứ lúc nào cũng có thể đổ ập xuống khu vực nhà dân. Chúng tôi rất lo lắng khi sinh sống tại khu vực này. Mong muốn Nhà nước quan tâm, bố trí khu vực đất ở an toàn, để hỗ trợ bà con di chuyển đến nơi ở mới”.
Bên cạnh nỗi lo sạt lở đất, đá vào mùa mưa, do địa hình đa phần là đồi núi cao, một số xóm nằm ở vùng trũng như xóm Tớn Trong, Chiến, Hày Dưới cũng tiềm ẩn nguy cơ ngập úng. Độ sâu tùy vào từng khu vực, trung bình khoảng 2 – 3 m. Đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào tháng 10/2017 đã gây ngập úng cục bộ, đời sống, sinh hoạt của người dân trong vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng hóa không thể lưu thông, vận chuyển đến nơi tiêu thụ.
Xác định những khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống thiên tai mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã đã chủ động phân công cán bộ bám địa bàn, rà soát, kiểm tra khu vực xung yếu báo cáo cấp trên. Tuyên truyền, vận động Nhân dân gia cố nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi. Thường xuyên theo dõi tình hình dự báo thời tiết để chủ động ứng phó. Khi xảy ra thiên tai thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ”. Phân công lực lượng túc trực 24/7 để kịp thời giải quyết các sự cố bất ngờ. Tổ chức ứng cứu, di dời người dân và tài sản đến nơi an toàn. Đảm bảo an toàn, cung cấp đủ lương thực, thực phẩm cho bà con Nhân dân trong thời gian xảy ra mưa lũ kéo dài.
Đồng chí Bùi Văn Đồng, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết: "Sau khi thực hiện sáp nhập 3 xã Lũng Vân, Nam Sơn, Bắc Sơn, địa bàn xã mới trải rộng với đa phần là đồi núi cao. Dân cư sinh sống rải rác, phân bố không đồng đều. Có xóm cách xa khu vực trung tâm xã khoảng 10 km. Các trục đường giao thông liên thôn, xóm chưa được đầu tư, xây dựng. Đó là những khó khăn đối với công tác ứng phó với thiên tai. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, cấp ủy, chính quyền và người dân sẽ nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đồng thời, mong muốn Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí quy hoạch các khu vực tái định cư tập trung, để di dời người dân đến nơi ở mới. Qua đó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân, thúc đẩy phát triển KT - XH địa phương.
(HBĐT) - Trong mùa mưa bão, những sự cố về điện rất dễ xảy ra, gây gián đoạn cung cấp điện và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện. Thời gian qua, Điện lực thành phố Hòa Bình đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, kịp thời khắc phục khi xảy ra sự cố mất điện.
(HBĐT) - Chiều 28/9, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
(HBĐT) - Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, do mưa lớn, mực nước trên sông Bôi tại trạm Hưng Thi (Lạc Thủy) đã đạt đỉnh là 1.380 cm lúc 14 giờ ngày 28/9/2023. Lúc 15 giờ ngày 28/9 là 1.376 cm, cao hơn báo động III là 73 cm.
(HBĐT) - Hồi 15h20' ngày 28/9, các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh Bùi Văn T, sinh ngày 10/11/1982, trú tại xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Trước đó, hồi 15h ngày 27/9, anh T đi ra suối Bưng và bị nước lũ cuốn mất tích. Nhận được thông tin, Công an huyện và Ban Chỉ huy quân sự huyện Cao Phong đã tổ chức lực lượng cùng cán bộ UBND xã Thu Phong, xã Bắc Phong và thị trấn Cao Phong đi dọc suối Bưng tìm kiếm.
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.