(HBĐT) - Hai chiếc cầu tạm tại xóm Be Dưới, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được người dân lắp ghép, buộc chằng chịt, chắp vá bằng những thanh bương, tre bắc qua con suối nhỏ và sông Bưởi dẫn sang khu vực đất sản xuất, các xóm lân cận. Chiều dài mỗi chiếc khoảng 10 m, 30 m, chiều rộng chưa đầy 1 m. Những chiếc cầu tạm đó đã, đang đe dọa cuộc sống người dân xóm Be Dưới, tiềm ẩn mất an toàn khi lưu thông qua cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế và đời sống dân sinh.


Cầu Cưa Ngả, xóm Be Dưới, xã Chí Đạo (Lạc Sơn) được lắp ghép bằng bương, tre, không đảm bảo an toàn khi lưu thông.  

Khảo sát tại xóm Be Dưới vào những ngày trung tuần tháng 10, thời điểm hứng chịu những cơn mưa lớn ảnh hưởng từ cơn bão số 7. Cầu Cưa Ngả và cầu Be cách nhau chỉ khoảng 20 m, là con đường vượt sông ngắn nhất dẫn sang hai khu đất sản xuất nông nghiệp với diện tích khoảng 15 ha. Ngoài ra, người dân còn lưu thông trên hai chiếc cầu tạm này để sang xóm Be Trên, Be Ngoài. Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, nước sông Bưởi dâng cao, chảy xiết, mực nước sâu trung bình trên dưới 10 m. Chính vì vậy, người dân xóm Be Dưới phải thả dây buộc cầu tạm để tránh tình trạng bị nước lũ cuốn trôi. Mọi hoạt động sản xuất của người dân bị ngưng trệ do nước lũ dâng quá cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi di chuyển qua cầu. 

Ông Bùi Văn Tiểm, Trưởng xóm Be Dưới cho biết: "Toàn xóm có 520 nhân khẩu, 106 hộ dân. Từ lâu nay, cầu Cưa Ngả, cầu Be có vị trí quan trọng trong đời sống, sản xuất của người dân. Vì vậy, người dân trong xóm đã đóng góp kinh phí để xây dựng, sửa chữa đáp ứng nhu cầu đi lại. Hàng năm, mùa nước cạn từ tháng 11 đến tháng 5, bà con thường xuyên sử dụng cầu để di chuyển sang khu vực sản xuất. Khi nước lũ dâng cao phải đi vòng lên cầu Be Trên cách đó khoảng 3 km. Ban quản lý xóm thường xuyên kiểm tra, trích kinh phí để gia cố, sữa chữa nâng cấp cầu". 

Từ khi đi vào hoạt động, cầu Cưa Ngả và cầu Be đã tạo điều kiện thuận lợi đi lại. Tuy nhiên, 2 chiếc cầu tạm này được lắp ghép bằng những ống bương, tre, theo thời gian bị dập nát, không đảm bảo an toàn cho lưu thông. Khi nước lũ đổ về, sức nước có thể cuốn trôi cầu. Cụ thể như đợt mưa lũ vào tháng 10/2017 đã làm hư hỏng toàn bộ 2 chiếc cầu. Người dân trong xóm lại xây dựng nguồn quỹ gần 10 triệu đồng để làm cầu mới. Nghiêm trọng hơn, một số hộ dân gánh lúa qua cầu đã bị trượt chân ngã xuống sông, rất may không có thương vong xảy ra. 

Ông Bùi Văn Lích, xóm Be Dưới trăn trở: "Mùa nước lũ dâng cao, gia đình tôi cũng như các hộ dân không thể qua cầu, phải đi vòng gần 3 km lên cầu treo xóm Be Trên. Tuy nhiên, người dân chủ yếu đi bộ, không phải ai cũng có phương tiện thuận lợi, do đó, việc đồng áng gặp rất nhiều bất tiện, khó khăn. Chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí để xây dựng cầu treo kiên cố.
Trước đó, năm 2019, xã Chí Đạo đã được sửa chữa, nâng cấp cầu treo Be Trên (xóm Be Trên) với tổng kinh phí 320 triệu đồng. Chiếc cầu mới sau khi đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, kết nối giao thương. Tuy vậy, địa hình xã Chí Đạo bị chia cắt bởi nhiều sông, suối. Nhiều xóm việc đi lại còn rất khó khăn, phải sử dụng những chiếc cầu tạm, cầu lắp ghép.   

Đồng chí Quách Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã mong muốn Nhà nước sớm khảo sát, hỗ trợ kinh phí xây dựng cầu treo ở xóm Be Dưới, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân di chuyển qua cầu cần cẩn trọng, tránh hậu quả khôn lường. Việc xây dựng cầu treo tại xóm Be Dưới là việc làm cấp thiết, đáp ứng niềm mong mỏi của Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương".

        Đức Anh

Các tin khác


Dông, lốc kèm mưa đá gây thiệt hại nhiều nhà dân ở Thanh Hóa

Chiều tối 17/4, ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát (Thanh Hóa) cho biết, trên địa bàn vừa xảy ra trận dông, lốc kèm mưa đá, gây thiệt hại tài sản, hoa màu của người dân.

Thời tiết ngày 17/4: Nắng nóng trải dài khắp cả nước, có nơi hơn 39 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 17/4, hầu khắp các vùng trên cả nước đều có nắng nóng, có nơi đặc biệt gay gắt. Dự báo, mức nhiệt tiếp tục tăng ở phía Đông Bắc Bộ những ngày tới.

Sẵn sàng cung ứng điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến nên nguy cơ gây quá tải đường dây, đe dọa sự cố làm gián đoạn cung cấp điện. Để cấp điện ổn định, Công ty Điện lực Hòa Bình (PC Hòa Bình) triển khai đồng bộ nhiều giải pháp và đẩy mạnh tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện đến khách hàng.

Động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại Kon Plông, Kon Tum

Theo Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), chiều 15/4, trận động đất có độ lớn 3.9 xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Thời tiết ngày 15/4: Nắng nóng ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 15/4, khu vực Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 38 độ C.

Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục