(HBĐT) - Xu hướng mới "3 năm 2 bằng” 

Vợ chồng chị Ngần Thị Sứ ở xóm Mỏ, xã Chiềng Châu (Mai Châu) đưa con trai là Hà Công Vinh đến trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật nhập học. Vinh tốt nghiệp trường THCS Chiềng Châu với học lực trung bình khá. Qua tìm hiểu trên phương tiện thông tin đại chúng, em biết đến chương trình vừa học THPT vừa học trung cấp nghề đã xin bố mẹ nộp hồ sơ đăng ký ngành học quản lý khách sạn. Trong 2 ngày làm thủ tục nhập học cho sinh viên K22 hệ trung cấp, nhà trường phát 200 phiếu ăn miễn phí cho phụ huynh và học sinh ở xa. Chị Ngần Thị Sứ chia sẻ: Đưa con xuống trường thấy cơ sở vật chất nhà trường khang trang, có ký túc xá cho sinh viên ở xa, thầy, cô giáo nhiệt tình, chúng tôi rất yên tâm cho con theo học tại đây.


Sinh viên K22, trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình làm thủ tục nhập học năm học 2020 - 2021.

Thầy giáo Võ Hoài Giáp, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: Học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS bắt đầu từ những năm 2000, theo chương trình khung của Bộ GD&ĐT, thời gian đào tạo 3 năm, nhưng học sinh chỉ được cấp 1 bằng tốt nghiệp. Việc không cấp bằng THPT đã dẫn đến học sinh theo học giảm dần qua các năm, có nhiều năm không có học sinh học tại trường, chủ yếu là học sinh học tại các Trung tâm GDTX liên kết với nhà trường để vừa học nghề, vừa học THPT. 

Từ năm 2016 đến nay, nhà trường phối hợp với Trung tâm GDTX để học sinh cùng 1 lúc được học và cấp 2 bằng tốt nghiệp, tuy nhiên, thời gian đào tạo trung cấp chỉ 2 năm theo quy định mới của Bộ LĐ-TB&XH. Số lượng học sinh theo học hệ này có chiều hướng gia tăng, vì có sự phân luồng mạnh mẽ của tỉnh cùng sự thay đổi về nhận thức của người học và gia đình (do học đại học xong không xin được việc làm, một số nghề trình độ trung cấp có cơ hội xin việc làm nhiều hơn, dễ hơn). Mặt khác, có học sinh học nghề là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua các trường THCS. Hiện nhà trường đang đào tạo 10 ngành nghề chính, gồm: Quản lý, kinh doanh nhà hàng và dịch vụ ăn uống; quản lý và kinh doanh khách sạn; quản lý và bán hàng siêu thị; tin học ứng dụng; chăn nuôi - thú y; hành chính văn phòng; pháp luật; quản lý nông trại; kế toán doanh nghiệp; trồng trọt. Năm học 2016-2017, nhà trường có 258 học sinh theo học, thì năm học 2020-2021 tăng gần gấp đôi.
Thực tế cho thấy, học sinh theo học hệ này rất có lợi, về mặt kinh tế giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình nông thôn, đặc biệt là hộ nghèo và cận nghèo (vì đối tượng này được hưởng chính sách nội trú). Giảm thời gian đào tạo, cũng là giảm chi phí đào tạo, có cơ hội xin việc làm sớm hơn, sớm có thu nhập cho gia đình. Giảm áp lực cho xã hội và chính quyền địa phương. Về mặt xã hội tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo (số học sinh tốt nghiệp THPT đi học trung cấp và cao đẳng rất ít, sau khi học xong THPT thường đi làm công nhân trong các doanh nghiệp với công việc giản đơn, chân tay). Thu nhập từ nguồn lao động qua đào tạo cao hơn, tăng sự tích lũy trong Nhân dân. Nâng cao trình độ dân trí, trình độ sản xuất, giảm tai, tệ nạn xã hội.

Thực trạng công tác giáo dục hướng nghiệp 

Toàn tỉnh hiện có 1 Trung tâm GDTX tỉnh; 1 Trung tâm Kỹ thuật Tổng hợp, hướng nghiệp - ngoại ngữ và tin học; 10 Trung tâm GDNN-GDTX huyện, 210 Trung tâm Học tập cộng đồng; 1 trường Cao đẳng Sư phạm; 6 trường Cao đẳng Nghề, 2 trường Trung cấp Nghề. Tổng số ngành nghề đã được cấp phép đào tạo 36 ngành nghề, trong đó, trình độ cao đẳng 20 ngành nghề, trình độ trung cấp 16 ngành nghề.    
Nhu cầu, xu hướng nghề nghiệp của học sinh THCS tập trung chủ yếu vào việc tiếp tục học THPT và đi thi đại học, cao đẳng. Năm 2018, có 92,6% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, GDTX, 41% học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học, cao đẳng. Số học sinh sau THCS đi học nghề chiếm 2,8% (chưa tính 11% học sinh vào 10 GDTX học với trung cấp nghề); số học sinh sau THCS ở nhà phụ giúp gia đình, đi làm trang trải cuộc sống hoặc vài năm sau mới đi học nghề chiếm 4,6%. 

Một giờ học của học sinh lớp 12 tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Tân Lạc.

Công tác giáo dục hướng nghiệp cho học sinh THCS được ngành GD&ĐT chỉ đạo triển khai thực hiện ở tất cả các trường phổ thông, thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt lớp… Mạng lưới thực hiện nhiệm vụ phân luồng sau THCS vùng dân tộc thiểu số (các đơn vị, trường học, đội ngũ giáo viên tư vấn, hướng nghiệp…) được triển khai thực hiện tới cơ sở. Quy mô các trường nghề không ngừng được mở rộng, ngành nghề đào tạo đa dạng, thu hút được nhiều người học và từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Công tác liên kết đào tạo vừa học trung cấp nghề vừa học THPT được triển khai thực hiện giữa các trường chuyên nghiệp với các trung tâm GDNN-GDTX, trung tâm GDTX đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh theo học nghề ngay tại địa phương. 

Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề còn thấp, nguyên nhân phần lớn do các em ở tuổi vị thành niên, phụ huynh vẫn muốn cho con em học THPT và đại học. Một số học sinh sau tốt nghiệp THCS kinh tế gia đình khó khăn phải đi lao động, làm thuê phụ giúp gia đình nên bỏ học THPT và không tham gia học nghề. Chương trình, chất lượng đào tạo của một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của đơn vị tuyển dụng lao động. Việc tìm kiếm việc làm sau học nghề của học sinh vẫn khó khăn, một số nghề chưa phát huy hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn khó khăn trong việc xác định nhu cầu học nghề và ngành nghề cần đào tạo, chưa tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Qua khảo sát, 100% trường THCS, trung tâm GDNN-GDTX có cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cơ bản phục vụ công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau THCS; có chương trình giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau THCS cho học sinh. Đội ngũ giáo viên đảm bảo cho công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng sau THCS. Tuy nhiên, một số nhà trường chưa xây dựng đa dạng chương trình, chương trình chưa gắn với hoạt động kinh doanh, sản xuất của địa phương; một số giáo viên chưa có cách thức tổ chức hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.
đồng bộ các giải pháp
Mặc dù đạt được một số kết quả khả quan, nhưng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS còn nhiều bất cập, nhất là cơ chế, chính sách còn nhiều tồn tại, chậm đổi mới. Trong khi đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh, gây khó khăn cho việc lựa chọn ngành nghề của học sinh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp ở trường THCS thiếu, chưa đáp ứng về chất lượng, trong khi tâm lý chạy theo bằng cấp trong xã hội còn nặng nề.

Ðể đáp ứng yêu cầu thực tiễn, cần nâng cao nhận thức cộng đồng về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Đồng chí Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Điều quan trọng nhất cần giúp học sinh hiểu lao động trong lĩnh vực nào cũng cần thiết, được tôn trọng và đãi ngộ xứng đáng nếu có tay nghề cao, làm việc hết mình. Mặt khác, ngành giáo dục cần phối hợp các ngành, đơn vị mở rộng các mô hình vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho học sinh để sau 3 năm, học sinh vừa tốt nghiệp học văn hóa, vừa có một nghề với chuyên môn kỹ thuật phù hợp để vào đời. Có thể thấy, việc hướng nghiệp và phân luồng là hoạt động đa dạng và phức tạp, cần phát huy tính chủ động của đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông; tăng cường xã hội hóa trong hướng nghiệp, phân luồng học sinh.

Mục tiêu đến năm 2025: Toàn tỉnh có 100% trường THCS có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với các trường ở địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 80%; phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.

         Đinh Thắng


Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp

Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH

Để tiếp tục mở rộng và phát triển mô hình vừa dạy văn hóa vừa dạy trung cấp nghề trong các Trung tâm GDNN-GDTX, Trung tâm GDTX, thu hút và tạo điều kiện cho học viên tham gia học tập theo hình thức học 3 năm 2 bằng (bằng THPT và bằng trung cấp nghề). Trong thời gian tới cần tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh, cha mẹ học sinh và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau THCS. Việc tuyên truyền được thực hiện thông qua các hội nghị triển khai nhiệm vụ, tổng kết năm học, cuộc họp phụ huynh học sinh, website ngành và đơn vị trường học… Tăng cường công tác giáo dục, tư vấn hướng nghiệp trong các nhà trường phổ thông thông qua giờ học chính khóa và buổi học chuyên đề… Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của các cơ sở giáo dục đào tạo nghề; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học nghề. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, nâng cao trình độ chuyên môn đối với các cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Đồng thời, tổ chức giới thiệu việc làm nhằm tạo điều kiện cho học sinh tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp nghề.

Tư vấn nghề nghiệp phù hợp với học sinh

Nguyễn Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Bôi

Những năm qua, hệ thống các văn bản về giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng học sinh sau THCS đã được ban hành khá đầy đủ. Nhiều địa phương chủ động, sáng tạo trong thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh. Sự gắn kết các hoạt động giáo dục với thực tiễn đã mở ra một phương thức giáo dục hướng nghiệp mới. Nhiều trường phổ thông chủ động phối hợp Trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn trong công tác giáo dục hướng nghiệp; lồng ghép thực hiện các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông, với các hoạt động tư vấn tuyển sinh các ngành nghề. Không chỉ trong hoạt động giáo dục, thực tiễn những năm qua, việc lựa chọn học nghề của học sinh đã chuyển dần theo hướng phù hợp với phát triển kỹ năng phục vụ nhu cầu lao động của xã hội.

Chính thức hoạt động từ năm 2016, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Kim Bôi đã đẩy mạnh sự tham gia của cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp trong xây dựng chương trình, tài liệu và đánh giá kết quả giáo dục hướng nghiệp, nhằm tăng tính thực tế, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Kết quả, hàng năm, học viên tốt nghiệp đều tìm được việc làm phù hợp. Qua đó, góp phần phân luồng đào tạo nguồn nhân lực phù hợp, có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.

Chương trình phù hợp với năng lực và hoàn cảnh

Bùi Văn Chiến, Xóm Chuông, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc)

Em đã tốt nghiệp trung cấp điện dân dụng. Năm nay là năm tốt nghiệp THPT của em. Đối với học sinh chúng em, mô hình 3 năm 2 bằng này thực sự phù hợp với năng lực, hoàn cảnh gia đình. Chương trình học nghề được miễn phí và chỉ phải đóng học phí chương trình học phổ thông. Đây là một trong những con đường ngắn, phù hợp với năng lực để chúng em có một nghề nghiệp ngay tại địa phương và thu nhập ổn định sau khi học xong. Thay vì mất thêm 3 năm theo học THPT, ngay từ khi học xong lớp 9, học sinh học hệ trung cấp nghề sẽ gia nhập thị trường lao động sớm hơn. Đồng thời, chúng em vẫn có cơ hội học tiếp lên cao đẳng và đại học sau này. Các chương trình học thiết thực, phù hợp lứa tuổi; tăng cường thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn

Trong quá trình học nghề, chúng em có thể tiếp cận các doanh nghiệp trên địa bàn, có cơ hội tìm kiếm việc làm, kiếm được tiền giúp đỡ gia đình khi tham gia các hoạt động cùng doanh nghiệp. 

 




Các tin khác


Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Từ tháng 4 - 9/2024, đề phòng các hình thái thời tiết nguy hiểm

Nhận định về các hình thái thời tiết từ tháng 4-9/2024, Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, từ tháng 4-6/2024, hiện tượng El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính với xác suất 75-80%. Bão và áp thấp nhiệt đới ít có khả năng xuất hiện trên Biển Đông.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục