(HBĐT) - Ngày 7/9, UBND tỉnh ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND về việc chủ động ứng phó với bão Conson và mưa lũ.


Các địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác quản lý, cảnh báo an toàn tại khu vực cầu, ngầm. Ảnh chụp tại xã nhân Mỹ (Tân Lạc).

 

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 11h00 ngày 7/9/2021, bão Conson đang hoạt động trên khu vực miền Trung Philippin. Dự báo trong 24-28 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km, đi vào biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 10h ngày 9/9, vị trí tâm bão ở khoảng 16,5 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 640 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Ngoài ra, theo tin từ Đài Khí tượng Thuỷ văn Hoà Bình, do ảnh hưởng của rìa phía Bắc dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với đới gió Đông Nam mạnh ở rìa Tây áp cao cận nhiệt đới nên từ đêm nay 7/9 đến ngày 9/9, ở khu vực Hòa Bình các huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lạc Sơn, Đà Bắc, Kim Bôi, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lương Sơn và TP Hòa Bình có mưa vừa, mưa to với tổng lượng mưa 50 - 100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt, các nơi khác có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

Thực hiện Công điện số 10/CĐ-TW hồi 15 giờ 00 ngày 7/9/2021 của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN).

Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão Conson và mưa lớn, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Đài PT-TH tỉnh; Báo Hòa Bình; Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình; Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNN tỉnh Hòa Bình; Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình; Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình:

- Thực hiện nghiêm túc các nội dung tại Công điện số 11/CĐ-UBND, ngày 31/8/2021 của UBND tỉnh về chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai; Công văn số 1548/UBND-KTN, ngày 27/8/2021 của UBND tỉnh về chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Công văn số 391/VPTT, ngày 6/9/2021 của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT về sẵn sàng ứng phó với bão Conson và mưa lớn. Cần chú trọng các phương án sơ tán đảm bảo an toàn cho người dân trong trường hợp xảy ra bão mạnh, mưa, lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo phòng, chống dịch, an toàn thiên tai cho các địa điểm sơ tán, khu cách ly trên địa bàn tỉnh.

- Sở NN&PTNT rà soát, đôn đốc các địa phương triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập thủy lợi, nhất là công trình xung yếu, đang thi công sửa chữa; bảo vệ sản xuất nông nghiệp và sẵn sàng vận hành hệ thống tiêu thoát lũ.

- Sở GTVT rà soát, đôn đốc công tác đảm bảo an toàn cho phương tiện và người tham gia giao thông; kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu; phối hợp với các địa phương bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.

- Sở Công Thương rà soát, đôn đốc công tác bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản; đảm bảo an toàn và sẵn sàng khôi phục kịp thời hệ thống điện khi có sự cố.

- Bộ CHQS tỉnh, Công an tỉnh chủ động rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để triển khai thực hiện công tác ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, phù hợp khi có yêu cầu.
-Sở Y tế phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các khu vực sơ tán tập trung, khu cách ly; chỉ đạo đảm bảo an toàn và tạo điều kiện cho lực lượng PCTT thực hiện nhiệm vụ.

- Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

- UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, triển khai thực hiện các nội dung:Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát nhà ở không an toàn, các khu dân cư ven sông, suối, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, khu vực hầm lò, khai thác khoáng sản; sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn. Rà soát, phối hợp với các đơn vị có liên quan bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn và khắc phục nhanh hậu quả của bão, mưa lũ sau bão.

- Đài PT-TH tỉnh, Báo Hòa Bình và các cơ quan truyền thông địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, truyền tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến bão và công tác chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả.

- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình theo dõi sát tình hình, diễn biến của bão và mưa lũ trên địa bàn tỉnh; kịp thời đưa ra các bản tin cảnh báo, dự báo về thiên tai.

- Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh qua Văn phòng thường trực (Điện thoại: 02189.852.309 hoặc 02183.897.650; email: thuyloihb@gmail.com), trước 15h30 hàng ngày và ngay khi có tình huống đột xuất để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT. 


P.V(TH)

Các tin khác


Mưa đá gây thiệt hại ở 2 xã Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút vào khoảng 16 h chiều 24/4 đã gây thiệt hại cho sản xuất và hoa màu ở 2 xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu.

Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục