(HBĐT) - Trong những năm qua, các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin như VNPT Hoà Bình, Viettel Hoà Bình… đã góp sức tích cực vào đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn. Trong đó, Tập đoàn VNPT đã phối hợp thực hiện, tư vấn UBND tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phục vụ cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm đáp ứng hạ tầng kỹ thuật số cho các khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.


VNPT Hòa Bình triển khai Mobile Money trên toàn địa bàn tỉnh với nhiều tiện ích, trong đó giúp khách hàng thanh toán tiền điện, nước... hàng tháng qua ứng dụng.

Dấu mốc đáng ghi nhớ ngày 15/9/2014, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về viễn thông và CNTT giai đoạn 2014 - 2020. Từ đó đến nay, Tập đoàn VNPT, trong đó VNPT Hoà Bình là đơn vị tiên phong đã không ngừng đầu tư chiều sâu về công nghệ, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, CNTT, giúp địa phương tạo nên diện mạo mới về ứng dụng CNTT, góp phần phục vụ xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT) tại tỉnh.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Thường, Giám đốc VNPT   Hoà Bình, qua nhiều năm triển khai, Tập đoàn VNPT đã đồng hành với UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai ứng dụng viễn thông, CNTT một cách toàn diện và đạt những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là về triển khai CQĐT. Đây cũng là nền tảng vững chắc để Tập đoàn VNPT và UBND tỉnh tiếp tục hợp tác toàn diện giai đoạn 2021 - 2026.

VNPT Hòa Bình đã triển khai xây dựng hạ tầng, nâng cao năng lực mạng lưới viễn thông, mạng CNTT phục vụ phát triển KT-XH địa phương, góp phần đảm bảo công tác AN-QP, phòng chống thiên tai; sẵn sàng cung cấp các dịch vụ viễn thông, CNTT đáp ứng yêu cầu của tỉnh trong xây dựng CQĐT, CĐS; đáp ứng và cung cấp đủ nhu cầu về hạ tầng kỹ thuật viễn thông, CNTT cho các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn và các khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, đã thực hiện quang hóa 100% hạ tầng đường truyền đến các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, cơ sở y tế các cấp.

Ngoài ra, VNPT Hoà Bình còn cung cấp các ứng dụng trên thiết bị di động (APP) cho khách du lịch dễ dàng tìm hiểu thông tin về điểm đến, sản phẩm dịch vụ du lịch, thuyết minh du lịch tự động qua thiết bị di động thông minh; tạo lập cơ sở dữ liệu về khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch và du khách, kết nối liên thông giữa cơ quan Nhà nước về du lịch với doanh nghiệp du lịch; xây dựng hệ thống wifi công cộng, các booth tra cứu thông tin du lịch giúp người dân và du khách truy cập, khai thác thông tin dễ dàng, mọi lúc, mọi nơi.

Thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp, gồm: Viễn thông Hòa Bình, Viettel, Mobifone, Vietnamobile, FPT, Truyền hình cáp Hòa Bình, SCTV đầu tư, xây dựng hạ tầng, cung cấp các dịch vụ viễn thông, internet. Đến nay, toàn tỉnh có trên 510 trạm truy cập internet băng thông rộng cố định, trong đó chủ yếu là hạ tầng của Viễn thông Hòa Bình và Viettel Hòa Bình.
 
Hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng cáp quang đã được triển khai rộng khắp đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn. Mạng lưới được tổ chức thành các mạch vòng Ring để vu hồi, dự phòng cho toàn mạng lưới, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Hạ tầng mạng thông tin di động của các nhà mạng  Viettel, Viễn thông Hòa Bình, Mobifone, Vietnammobile đầu tư xây dựng hạ tầng cung cấp dịch vụ thông tin di động với tổng số BTS 2.650 trạm 2G, 3G, 4G, được lắp đặt tại 1.350 vị trí trên địa bàn 151/151 xã, phường, thị trấn; phủ sóng đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn và hầu hết các thôn, bản, cụm dân cư, tỷ lệ dân số được phủ sóng thông tin di động đạt 99,6%.

Mạng băng thông rộng 3G phủ sóng đến 91% thôn, bản, cụm dân cư; mạng băng thông rộng 4G phủ sóng đến 81% thôn, bản, cụm dân cư. Số đơn vị có cáp quang đến trung tâm là 151 xã, phường, thị trấn, đạt 100%, với trên 8.231 km cáp quang.

Tổng số thuê bao điện thoại duy trì trên toàn mạng trên 800 nghìn thuê bao, tỷ lệ máy điện thoại đạt gần 100 máy/ 100 dân. Số lượng thuê bao internet ước đạt trên 600 nghìn thuê bao; tỷ lệ người sử dụng dịch vụ điện thoại di động có điện thoại thông minh đạt 71%; tỷ lệ hộ gia đình có thuê bao cáp quang đạt 54%...

Chủ trương của tỉnh từ nay cho đến năm 2030 tập trung CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Hòa Bình trở thành một trong các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có chỉ số khá về Chính phủ số, kinh tế số của cả nước; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, các nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là: Tạo cơ sở CĐS, chuyển đổi nhận thức; xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số, nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển chính quyền số, phát triển hạ tầng chính quyền; tái cấu trúc hạ tầng CNTT của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; đẩy mạnh triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án số hoá, CĐS mọi quy trình nghiệp vụ của cơ quan Nhà nước.

Đồng thời, xây dựng Cổng dữ liệu của tỉnh, phát triển, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công của tỉnh, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đưa toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 3, mức độ 4; phát triển kinh tế số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số; thúc đẩy CĐS trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phát triển xã hội số; một số lĩnh vực cần ưu tiên CĐS.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Thường, với kết quả đã đạt được trong những năm qua, đối với Tập đoàn VNPT đã cam kết tạo điều kiện thuận lợi để VNPT Hoà Bình tập trung tham gia phát triển hạ tầng viễn thông, CNTT, thực hiện đầy đủ các dự án trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu về phát triển viễn thông, CNTT và ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý của chính quyền, cùng với đó là cung cấp các dịch vụ công phục vụ người dân, doanh nghiệp trong những năm tới ngày một tốt hơn.

                                                                                             Hồng Trung

Các tin khác


Thiết thực Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Thời tiết ngày 12/4: Nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 12/4, nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ và nền nhiệt xu hướng tăng dần. Trung Bộ và Tây Nguyên nắng nóng cục bộ. Riêng Nam Bộ đang cao điểm nắng nóng, có nơi gần 40 độ C.

Miền Bắc sắp chuyển nắng nóng diện rộng, Nam Bộ có nơi trên 38 độ C

Dự báo miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết có mưa nhỏ trong vài ngày tới. Từ ngày 13/4, khả năng có nắng nóng diện rộng. Trong khi đó, Nam Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Các nhà mạng phải xử lý thông tin về SIM không chính chủ trong 1 ngày

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu, các nhà mạng phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao không chính chủ không còn trong danh sách các số thuê bao của người dùng.

Tăng cường giải pháp đảm bảo cấp điện mùa mưa bão

Công ty Điện lực Hoà Bình (PC Hoà Bình) đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn mùa mưa bão. Một trong những giải pháp quan trọng là việc đào tạo, nâng cao kỹ năng xử lý các dạng sự cố điện trong mùa mưa bão cho cán bộ, công nhân viên của công ty.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục