Công nhân Công ty CP Đức Thái - ĐHC Hòa Bình vận hành máy khai thác quặng sắt

Công nhân Công ty CP Đức Thái - ĐHC Hòa Bình vận hành máy khai thác quặng sắt

(HBĐT) - Trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện có 12 doanh nghiệp (DN) được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, có 4 DN khai thác quặng sắt; 3 DN khai thác quặng chì, kẽm; 3 DN khai thác đá xây dựng; 2 DN khai thác đá phấn (đá Talc). Thực tiễn hoạt động khai thác khoáng sản thời gian qua đang đặt ra những vấn đề quan tâm.

 

“Bức tranh” khai thác khoáng sản

 

Đến nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vào hoạt động tại huyện đều thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có đề án được phê duyệt, thực hiện thu hồi đất, thuê đất, không có trường hợp khai thác không được cấp phép. Tuy nhiên, nguồn khoáng sản trên địa bàn huyện có trữ lượng nhỏ, quặng sắt chủ yếu là quặng nghèo. Năm 2007, 3 DN gồm Công ty CP khoáng sản Alatca Hoà Bình, Công ty TNHH Vương Thanh Hoà Bình, Công ty CP khoáng sản Tân Tiến Hoà Bình được cấp phép khai thác quặng chì, kẽm tại xóm Mít, xóm Tình (xã Tu Lý) và xóm Tuổng Đồi (xã Mường Tuổng). Trong quá trình khai thác không phát hiện được thân quặng đã dừng hoạt động từ cuối năm 2008. Các DN khai thác quặng sắt, đá Talc, đá xây dựng hiện đang tiếp tục khai thác.

 

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Quốc Cường Hoà Bình được cấp phép khai thác quặng sắt tại xóm Thầm Luông (xã Đoàn Kết). Từ năm 2008 đến nay, DN đã khai thác được 3.076 tấn quặng thô, tổng doanh thu đạt 1,7 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 243 triệu đồng. Hiện nay việc khai thác quặng của DN cơ bản đã hết vì mỏ quặng không có thân quặng, chủ yếu là quặng lăn.

 

Năm 2006, Chi nhánh Công ty CP Đức Thái được cấp phép khai thác quặng sắt tại xóm Phổn (xã Tân Pheo), sau khi đổi tên thành Công ty CP Đức Thái – ĐHC Hoà Bình được cấp lại giấy phép khai thác tại Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 20/2/2009. Trong năm 2009, DN đã khai thác được khoảng 500.000 tấn quặng thô, tuy nhiên việc tiêu thụ chậm do hàm lượng quặng thấp. DN đã tạm dừng khai thác từ năm 2009, hiện DN liên kết với Công ty CP vận tải thương mại tổng hợp quốc tế VTN Hà Nội lắp đặt dây chuyền nghiền, tuyển, sơ chế quặng để nâng hàm lượng quặng.

 

Công ty TNHH Trọng Tiến, Công ty CP thương mại dịch vụ Mạnh Cường, Công ty CP xây dựng Hoàng Hà là những DN được cấp phép khai thác đá vôi phục vụ cho các công trình xây dựng của DN nên việc khai thác mang tính tận thu, nhỏ lẻ, khai thác theo nhu cầu của công trình không có tính chất sản xuất hàng hoá cung cấp cho thị trường.

 

Được đánh giá hoạt động có trình tự, quy mô đảm bảo không ô nhiễm môi trường, Công ty TNHH thương mại dịch vụ Hoàng Nam (Quảng Ninh) hoạt động khai thác quặng sắt tại suối Chuồng, xã Cao Sơn. DN vừa khai thác, vừa nghiền, tuyển quặng tinh tại chỗ, không tiêu thụ quặng thô. Thời gian qua, DN đã tiêu thụ được 9.700 tấn quặng tinh, tổng giá trị sản phẩm đạt 6,7 tỉ đồng, nộp NSNN 243 triệu đồng.

 

Những vấn đề bất cập

 

Ông Nguyễn Mạnh Hoà, Chủ tịch UBND huyện đánh giá: Việc khai thác khoáng sản tại huyện nhìn chung hiệu quả không cao. Các DN không thu hút được lao động địa phương. Bên cạnh đó, các DN đặt văn phòng tại thành phố Hoà Bình, thực hiện nộp thuế tại nơi DN đặt văn phòng nên huyện, xã không có nguồn thu về khai thác khoáng sản.

 

Nhìn chung, các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác quặng hiện nay là những DN nhỏ, không có tiềm lực lớn, chủ yếu là khai thác quặng thô. Mặc dù có thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường nhưng chưa triệt để nên chỉ hạn chế phần nào. Hoạt động khai thác làm đất, đá sạt lở vùi lấp ruộng vườn của dân ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân tại khu vực khai thác. Từ tháng 3/2007, Công ty CP Đức Thái – ĐHC Hoà Bình tiến hành thăm dò, khai thác tại xóm Phổn nhưng do quặng sắt ít, chủ yếu là quặng thô nên sản xuất không có lãi. Do công trường ở trên đỉnh đồi, khi mưa xuống làm trôi đất đá vùi lấp ruộng của bà con. Ranh giới đất của Công ty và người dân không xác định được, tình trạng không được khắc phục kéo dài đã gây mâu thuẫn giữa DN và người dân. Bước đầu công ty đã thực hiện  đền bù, đưa máy xúc đất trả lại ruộng cho bà con sản xuất, tuy nhiên còn vướng mắc về việc hỗ trợ bồi thường phân bón cải tạo đất. Tiếp sau đó công ty lắp máy nghiền tuyển quặng, quá trình thải nước đang đặt ra vấn đề gây ô nhiễm môi trường… Khi DN đưa máy móc vào sản xuất thì lao động địa phương cũng giảm, chỉ còn 5 - 10%.

 

Cũng theo ông Hoà, công tác quản lý nhà nước của huyện về lĩnh vực này có nhiều khó khăn do huyện cơ bản là đơn vị tiếp nhận DN vào mà không được tham gia vào quá trình đánh giá cấp phép cho DN. Với nguồn trữ lượng quặng thấp nhưng có tới hơn 10 DN hoạt động khai thác, trong đó có những DN đã dừng hoạt động để lại hiện trường ngổn ngang đất đá đào bới gây khó khăn cho công tác quản lý của huyện. Năng lực hoạt động thấp nên quá trình khai thác, sơ chế quặng không tránh khỏi ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường trong khu vực.

 

Để đảm bảo hoạt động của DN, bảo vệ môi trường, đời sống, sinh hoạt của người dân, tăng khả năng thu hút lao động địa phương của DN đòi hỏi cần có sự nhìn nhận đúng đắn về hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn. Các đơn vị tham mưu cho tỉnh cấp phép cho các DN cần đánh giá đúng năng lực của DN, hiệu quả KT-XH, tác động môi trường của dự án, đặc biệt có sự phối hợp chặt chẽ, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao của địa phương, tránh tình trạng đưa nhiều DN vào nhưng hoạt động không hiệu quả. Đối với những DN đã dừng hoạt động cần thu hồi lại giấy phép để trả lại mặt bằng, DN có trách nhiệm thực hiện phục hồi môi trường. Tạo điều kiện thu hút đầu tư có hiệu quả, đồng thời đảm bảo hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, người dân và địa phương.

 

 

                                                                                    Thu Hà

 

Các tin khác


Vụ cháy rừng tại Yên Bái: Đốt cỏ ở bãi chăn thả gia súc làm cháy lan sang diện tích rừng

Đến 15 giờ 30 phút ngày 26/3, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã xác định nguyên nhân và diện tích thiệt hại trong vụ cháy rừng xảy ra tại các bản Dào Cu Nha, Hú Trù Lình, xã Lao Chải.

Thời tiết ngày 25/3: Đông Bắc Bộ mưa vài nơi, Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 25/3, khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi phía Tây khu vực Bắc Bộ, Trung Trung bộ và khu vực Tây Nguyên có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có nơi trên 36 độ C. Khu vực Nam Bộ có nắng nóng với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 35-37 độ C, có nơi trên 37 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến 45-50%.

Ghi nhận những ngày đầu thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe ô tô trực tuyến toàn trình

Từ ngày 15/3/2024, tỉnh Hòa Bình chính thức triển khai cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) ô tô theo hình thức trực tuyến toàn trình (TTTT) qua Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG). Với sự phối hợp chặt chẽ của ngành GTVT và Bưu điện tỉnh, việc triển khai dịch vụ cấp đổi GPLX ô tô trực tuyến đã được thực hiện thông suốt, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Thời tiết ngày 21/3: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vài nơi

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 21/3, Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vài nơi, sáng sớm có sương mù và sương mù nhẹ rải rác; đêm và sáng trời rét.

Thời tiết ngày 20/3: Gió mạnh, sóng lớn trên biển

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/3, Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9. Biển động mạnh. Sóng biển cao 2-4 m.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục