UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các công trình xây dựng hạ tầng trong quá trình thi công, nếu có liên quan đến hệ thống thoát nước của TP, bắt buộc phải có thỏa thuận với các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm dòng chảy, chống úng ngập. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, hai con sông tiêu thoát nước chính của Hà Nội là Tô Lịch và Kim Ngưu đã bị một số đơn vị thi công ngang nhiên lấn chiếm hoặc xả bùn thải vào lòng sông, gây hậu quả nghiêm trọng.

 


 

Xả bùn xuống sông Tô Lịch. Ảnh: Tuấn khải

Sáng 30-3, phóng viên Báo Hànộimới cùng cán bộ Công ty Thoát nước Hà Nội và Xí nghiệp Thoát nước số 1 có mặt tại khu vực bờ phải sông Tô Lịch (đoạn giáp với Cầu Mới), chứng kiến thực trạng cả một khúc sông rộng ngập trong bùn thải. Ông Trần Văn Dũng, cán bộ quản lý hệ thống thoát nước của Xí nghiệp Thoát nước số 1 cho biết, nguyên nhân là do nhà thầu thi công công trình Royal City tại địa chỉ số 74 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) là Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp DELTA đóng cọc quây bờ vây dưới lòng sông không có giấy phép với diện tích khoảng 200m2 để xả nước thải và bùn. Tình trạng ngang nhiên lấp sông này diễn ra đã hơn 1 tháng, không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới dòng chảy của sông Tô Lịch mà còn làm tắc đường cống thoát nước của khu vực dân cư ngõ 72 đường Nguyễn Trãi, gây bức xúc trong nhân dân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cương, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thoát nước số 1, xí nghiệp và UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) đã 3 lần tới lập biên bản yêu cầu Ban QLDA Royal City, Công ty Xây dựng dân dụng và công nghiệp DELTA khẩn trương có biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm dòng chảy. Đại diện các đơn vị nói trên đã ký biên bản thừa nhận vi phạm nhưng đến nay, việc khắc phục rất chậm chạp.

Cũng trong ngày 30-3, phía hạ lưu sông Kim Ngưu (đoạn gần cầu Văn Điển thuộc địa phận huyện Thanh Trì), máy cẩu trên bờ liên tục chuyển những khối cọc larssen (cừ thép) xuống giữa sông. Ông Nguyễn Duy Anh, Phó phòng Kỹ thuật - Xí nghiệp Thoát nước số 4 (đơn vị quản lý hệ thống thoát nước tại đây) cho biết, đây là hạng mục kè hạ lưu sông Kim Ngưu thuộc dự án xây dựng tuyến đường vào khu đất mới của Công ty CP Vật tư nông nghiệp Pháp Vân do Ban QLDA huyện Thanh Trì làm chủ đầu tư. Trước khi triển khai hạng mục này, các đơn vị liên quan đã có cuộc họp nghe báo cáo biện pháp thi công để không làm ảnh hưởng tới dòng chảy. Ngày 23-3 vừa qua, Ban QLDA huyện Thanh Trì đã gửi hồ sơ biện pháp thi công tới Công ty Thoát nước Hà Nội. Tuy nhiên, hồ sơ này chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và công ty đã yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thiện. Thế nhưng, trong khi chưa hoàn thiện hồ sơ thì nhà thầu là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển xây dựng đã tự ý ép cọc larssen xuống lòng sông thành một hàng dài cách mép bờ khoảng 13m, chặn 1/2 lòng sông. Việc làm cố ý này đã gây ảnh hưởng tới hệ thống tiêu thoát nước của thành phố.

Trước tình hình đó, ngày 26-3, Công ty Thoát nước Hà Nội đã lập biên bản yêu cầu tạm dừng thi công để hoàn thiện phương án dẫn dòng. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn không chấp hành. Ngày 28-3 và 29-3, Công ty tiếp tục lập biên bản thêm 2 lần và yêu cầu lập tức tạm dừng thi công nhưng vẫn không có kết quả. Một cán bộ thuộc Xí nghiệp Thoát nước số 4 cho biết đã đề nghị chính quyền sở tại có biện pháp ngăn chặn vi phạm nhưng không ai can thiệp. Do đó, trong tất cả các biên bản xử lý vi phạm không hề có xác nhận của chính quyền sở tại. Trước sai phạm này, ông Nguyễn Văn Đức, đại diện Ban QLDA huyện Thanh Trì giải thích phải khẩn trương ép cọc larssen là do tiến độ và yêu cầu cấp thiết của việc giao thông đối với tuyến đường vào khu đất mới.

Mùa mưa bão năm 2011 đã cận kề. Trong khi thành phố đang nỗ lực cải tạo hệ thống thoát nước, tập trung khơi thông mương sông, cống rãnh nhằm tăng năng lực dòng chảy thì một số đơn vị, cá nhân vẫn bất chấp các quy định. Trong 2 vụ việc này, không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả một Ban QLDA của Nhà nước cũng vi phạm. Ngoài ý thức coi thường kỷ cương phép nước, còn có một lý do khác nữa là chế tài xử phạt quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Ví dụ như vi phạm tại dự án Royal City nói trên, mức phạt chỉ vào khoảng 4 triệu đồng. Với mức phạt như vậy, có lẽ sẽ còn nhiều đơn vị, doanh nghiệp sẵn sàng làm bừa, làm ẩu. Đề nghị các ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh những hành vi ngang nhiên coi thường kỷ cương như vậy.
 
 
                                                                               Theo HaNoiMoi
 

Các tin khác


Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục