Người sử dụng di động thường xuyên bị quấy rầy bởi tin nhắn rác.

Người sử dụng di động thường xuyên bị quấy rầy bởi tin nhắn rác.

Mỗi ngày các nhà mạng thu về 3 tỉ đồng từ tin nhắn rác, trong khi các thuê bao thì đang phải chịu sự hoành hành của vấn nạn này.

 

Cả về con số và thực trạng, không còn là chuyện mới. Song, dù đã có những quy định, hay thậm chí Bộ TTTT đã nhiều lần thể hiện sự kiên quyết “dẹp loạn”, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong muốn.

Đến hẹn lại lên...

Tin nhắn rác “đến hẹn lại lên” theo từng thời điểm. Một dạo, Thanh tra Bộ TTTT phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính (VNCERT) và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) truy ra một số DN phát tán tin nhắn rác và tin nhắn lừa đảo, thì tình trạng tạm lắng. Nhưng vài tháng gần đây, tin nhắn rác quay lại. Một trong những điệp khúc mà các thuê bao di động hay nhận được là “gọi đến số này nhé, 19006900 nghe nói xấu vợ cực sướng”, hay “hãy gọi vào tổng đài 19006933 để nghe tấu hài nói xấu vợ”...

Đã quá rõ ràng, tổng đài 190069xx là mục tiêu các tin nhắn rác hướng nội dung dẫn dụ khách hàng vào đó. Tuy nhiên, trong trường hợp với thuê bao 0903944xxx, những tin nhắn rác còn đến từ Internet. Trên tin nhắn không hiển thị bất cứ số điện thoại, đầu số hay tên nhà mạng, DN nào, chỉ đại loại như: http://bongmat.sytes.net/, tiêu đề: (18+) với clip của siêu mẫu... (xin miễn nêu tên-PV) bị phát tán; hay http://choi.zapto.org, tiêu đề: Sexy>>phim Cô giáo Thảo v.v...

Trường hợp anh Sỹ - sử dụng một lúc hai số thuê bao của các nhà mạng lớn - thì lượng tin nhắn rác về các nội dung bán thuốc kích dục, quảng cáo các loại dịch vụ... gửi đến lên tới hàng chục tin/ngày.

Xử lý như “muối bỏ biển”

Đã có vài vụ nổi cộm do các cơ quan chức năng phối hợp và phanh phui, nhưng chừng đó có vẻ không đủ răn đe. Theo đại diện một nhà mạng, trường hợp tin nhắn rác gửi từ Internet, được phát đi từ máy chủ ở nước ngoài, sau đó đi qua mạng di động có hợp tác với nhà mạng tại VN, vì thế nhà mạng tại VN không biết được ai là thủ phạm. Còn việc lọc hay kiểm tra nội dung tin nhắn là bất khả thi, vì hiện nay không nhà mạng nào làm cả, ngay cả ở các nước cũng thế.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn - GĐ bộ phận nghiên cứu và phát triển của Bkav - tình trạng tin nhắn rác phổ biến hiện nay tại VN có hai loại: Loại nhắn trực tiếp từ các sim điện thoại, thường được gọi là sim rác, khi gửi đến thuê bao sẽ hiện rõ số điện thoại. Loại thứ hai không hiển thị số điện thoại, nhưng các DN làm nội dung cũng mua dịch vụ từ nhà mạng gọi là “push message”, được gửi đi theo gói cho nhiều thuê bao cùng lúc. Dịch vụ này trước đây được bán cho các DN kinh doanh, dịch vụ, sau này các DN làm nội dung số sử dụng dịch vụ này để phát tán tin nhắn rác nhằm quảng cáo hàng hóa, dịch vụ.

Theo phản ánh của một chủ cơ sở làm dịch vụ nhỏ, trong số các nhà mạng lớn hiện nay, MobiFone có cung cấp dịch vụ Mobilist. Theo đó, thuê bao có thể nhắn tối đa đến 300 tin nhắn/ngày. Việc gửi nhóm cho phép gửi tối đa đến 10 số điện thoại cùng lúc, với giá cước rất rẻ, chỉ khoảng 1.500 đồng.

Anh Hùng - chủ một DN nhỏ từng kinh doanh dịch vụ viễn thông tại quận Bình Thạnh, TPHCM - cho biết: Việc gửi tin nhắn rác phải dựa vào tài khoản sim rác với số tiền khuyến mãi rất nhiều, vì thế tính ra chi phí cho mỗi tin gửi đi rất rẻ. Thứ hai, để tránh bị phiền phức đối tượng thường không phát tán tin nhắn tại cùng một địa điểm trong thời gian dài.

Tuy nhiên, làm như anh Hùng cũng chỉ ở quy mô nhỏ, còn ở quy mô lớn, mỗi lần thay đổi địa điểm là cả một vấn đề. Cụ thể là trường hợp Cty EMOBI (Hà Nội) đã bị phát hiện và xử lý, mỗi giờ phát tán 800 tin nhắn. Trong khi đó, Cty CP đầu tư và phát triển phát tán đến 40.000 tin nhắn/ngày.

Đã có công cụ chống tin nhắn rác?

Tuy nhiên, nhận xét về kết quả khảo sát của Bkav, ông Nguyễn Văn Hùng - Chánh Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng, chưa có đủ cơ sở để nói về việc các nhà mạng thu được 3 tỉ đồng/ngày từ tin nhắn rác. Theo ông Hùng, nếu nói như vậy các nhà mạng có thể sẽ phản ứng.

Ông Hùng cũng cho biết, mới đây, ngày 5.10.2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2008/NĐ-CP ngày 13.8.2008 về chống thư rác. Sắp tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức hội nghị lớn về vấn đề này.

Theo Nghị định 77, thay vì quy định như trước đây cho phép trong vòng 24 giờ, kể từ khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải chấm dứt việc gửi đến người nhận các thư điện tử quảng cáo hay tin nhắn quảng cáo đã bị người nhận từ chối trước đó, thì theo Nghị định 77/2012/NĐ-CP, việc chấm dứt phải được thực hiện ngay sau khi nhận được yêu cầu từ chối. Nghị định cũng quy định ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, người quảng cáo hoặc nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại thư điện tử, tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến người nhận đó.

Về số lượng thư điện tử, tin nhắn quảng cáo, thay vì được gửi tối đa 5 thư điện tử, tin nhắn quảng cáo như quy định cũ, Nghị định 77/2012/NĐ-CP giới hạn không được phép gửi quá 1 thư điện tử quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận. Đồng thời, cũng không được phép gửi quá 1 tin nhắn quảng cáo có nội dung tương tự nhau tới một số điện thoại trong vòng 24 giờ và chỉ được phép gửi trong khoảng thời gian từ 7h đến 22h mỗi ngày, trừ trường hợp đã có thoả thuận khác với người nhận.

Nghị định 77/2012/NĐ-CP cũng bổ sung quy định khi gửi thư điện tử quảng cáo, tin nhắn quảng cáo thì nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo phải gửi đồng thời một bản sao nội dung tới hệ thống kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hành vi giả mạo tên hoặc giả mạo địa chỉ điện tử của tổ chức, cá nhân khác khi gửi thư điện tử, tin nhắn sẽ bị phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng theo quy định mới có hiệu lực từ 1.1.2013 (Nghị định 77/2012/NĐ-CP).

Theo thống kê của thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông thì 6 tháng đầu năm 2012, trên địa bàn cả nước đã xử lý 9 trường hợp vi phạm phát tán tin nhắn rác với tổng số tiền phạt là hơn 300 triệu đồng. Năm 2011, thanh tra đột xuất 34 DN hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ nội dung qua tin nhắn trên mạng thông tin di động, đã xử phạt 26 DN với tổng số tiền 969.000.000 đồng, truy nộp ngân sách nhà nước 737.900.200 đồng, chuyển sang cơ quan an ninh điều tra 1 vụ việc và nhắc nhở 7 trường hợp.

 

                                                             Theo Báo Laodong

 

 

Các tin khác


Huyện Mai Châu: Không để bị động trước thiên tai

(HBĐT) - Là địa phương thường chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, gây thiệt hại về các công trình cũng như sản xuất, tài sản của nhân dân nên ngay từ đầu năm, UBND huyện Mai Châu đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trường học, doanh nghiệp và các xã, thị trấn xây dựng, triển khai kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Với phương châm "4 tại chỗ”, lấy phòng là chính, các xã, thị trấn tích cực chuẩn bị mọi điều kiện để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra.

Nguy cơ tuyệt chủng do công nghệ trí tuệ nhân tạo gây ra

Các nhà lãnh đạo toàn cầu cần hợp tác để giảm thiểu 'nguy cơ tuyệt chủng' do công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) gây ra.

Gỡ điểm nghẽn chuyển đổi số

Nhiều cán bộ ở cơ sở chưa đảm bảo chuyên môn, nghiệp vụ; thiết bị phần mềm ứng dụng chuyển đổi số chưa kết nối đồng bộ, người dân chưa tin tưởng vào các dịch vụ trực tuyến… là những điểm nghẽn cản trở chuyển đổi số ở các cấp chính quyền, cơ quan cấp cơ sở của TPHCM.

Chung tay sử dụng điện tiết kiệm

(HBĐT) - Thời gian qua, nắng nóng gay gắt nên nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nhưng hạn hán kéo dài khiến việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn. Ngành Điện đang triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng điện an toàn. Trong đó, kêu gọi khách hàng tiếp tục nêu cao ý thức sử dụng điện tiết kiệm (SDĐTK).

Xã Yên Trị: Trại lợn xây dựng trái phép gây ô nhiễm môi trường

(HBĐT) - Ngày 29/11/2022, Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy ký ban hành Quyết định số 25 về việc "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai" đối với hộ ông Nguyễn Văn Phong ở xóm Minh Sơn, xã Yên Trị do không thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác. Cụ thể, hộ ông Phong tự ý xây dựng chuồng trại chăn nuôi với diện tích 0,06 ha trên đất trồng cây hàng năm. Ngoài xử phạt hành chính, quyết định yêu cầu ông Phong phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trong thời hạn 10 ngày. Tuy nhiên đến nay, gần nửa năm đã trôi qua, hệ thống chuồng trại của gia đình ông Phong vẫn tồn tại, phớt lờ quyết định của Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy. Đáng nói, việc chăn nuôi của gia đình ông Phong gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục