Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Đông Bắc (Kim Bôi)

Đồng chí Hoàng Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp tại xã Đông Bắc (Kim Bôi)

(HBĐT) - Đồng chí Đinh Công Hồng, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi cho biết: Xuất phát từ thực tế phát triển nông, lâm nghiệp trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, trên cơ sở kinh nghiệm thực tế rút ra trong quá trình sản xuất những năm trước, trong nhiệm kỳ 2005 - 2010, Đảng bộ huyện đã xây dựng các nghị quyết chuyên đề phê chuẩn 4 đề án về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bao gồm: đề án xây dựng cánh đồng cho thu nhâp cao; dồn điền - đổi thửa; trồng cỏ nuôi trâu, bò tại chuồng; trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Ngay khi các đề án được ban hành, nhân dân các xã, thị trấn đã tích cực hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả.

 

Xã Bắc Sơn được coi là đơn vị đầu tiên của huyện trong xây dựng thành công cánh đồng cho thu nhập cao. Căn cứ đề án của huyện, năm 2006, Bắc Sơn đã xây dựng và triển khai nghị quyết chuyên đề về xây dựng cánh đồng thu nhập cao tới các xóm. Đầu tiên là thực hiện dồn điền, đổi thửa ở cánh đồng Bãi, xóm Cầu với diện tích 10 ha, công thức luân canh 2 màu + 1 lúa. Qua tổng kết đánh giá 1 năm xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng ở xóm Cầu, kết quả đã đạt 62,8 triệu đồng/ha, đến nay, xóm đã thực hiện dồn điền, đổi thửa trên diện tích 28 ha. Từ thành công ở xóm Cầu, xã Bắc Sơn tiếp tục phát triển thêm 2 cánh đồng có thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm tại cánh đồng Cổng của xóm Khả với diện tích 9 ha, công thức luân canh 3 màu cấy xen lúa để cải tạo đất với các loại cây trồng như mướp đắng, bí xanh thương phẩm, bí đỏ, dưa chuột lấy hạt với 20 hộ tham gia; cánh đồng Bói của xóm Khả với diện tích 6 ha với công thức luân canh 3 màu có 12 hộ tham gia. Những cánh đồng với công thức 3 màu đã cho thu nhập 100 triệu đồng/ha/năm.

 

Từ thành công trên cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm của xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi triển khai thực hiện đề án đến toàn bộ các xã trong huyện. Đến nay, các xã đã xây dựng được 411 cánh đồng với diện tích gần 800 ha (bình quân 4,43 ha/cánh đồng), có 6.106 hộ tham gia. Tùy địa hình, trình độ thâm canh của bà con ở từng nơi, các xã, thị trấn đã tìm được những công thức luân canh cây trồng phù hợp, áp dụng vào sản xuất cho thu nhập từ 60 - 100 triệu đồng/ha/năm. Công thức luân canh hiệu quả được người dân áp dụng rộng rãi là 2 lúa + 1 màu, 1 lúa + 2 màu và 3 màu.

 

Thực hiện đề án dồn điền - đổi thửa được huyện Kim Bôi xác định là bước đột phá trong SXNN, tạo tiền đề cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung quỹ đất, nâng cao giá trị sản xuất trên đồng ruộng. Từ làm điểm ở xã Vĩnh Đồng (năm 2006) với 940 hộ nông dân tham gia thực hiện trên diện tích 198 ha, đến nay, 27/27 xã, thị trấn trong toàn huyện đã triển khai với trên 3.360 hộ tham gia. Kết quả là huyện đã rà soát lại thực trạng toàn bộ diện tích đất canh tác hiện có, xác định rõ chất lượng từng loại đất, ruộng, trên cơ sở đó quy hoạch, bố trí, sắp xếp và chỉ đạo sản xuất phù hợp, hiệu quả. Diện tích dồn, đổi được bố trí sản xuất theo định hướng xây dựng cánh đồng thu nhập cao, chủ động thủy lợi, nguồn giống... Từ dồn điền - đổi thửa, huyện Kim Bôi đã dành được quỹ đất, quy hoạch thành những vùng kinh tế mới, thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ, du lịch. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã triển khai thực hiện nhiều dự án du lịch sinh thái, bình quân mỗi năm thu hút khoảng 10 vạn lượt khách, doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

 

Xác định là một huyện thuần nông đang từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong sản xuất nông nghiệp, huyện luôn chú trọng đến việc phát triển chăn nuôi và xác định đây là một trong những ngành quan trọng để xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân. Việc thực hiện đề án trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò tại chuồng đã giải quyết ổn định nguồn thức ăn tại chỗ cho gia súc, nhất là trong mùa đông. Toàn huyện hiện có gần 3.000 hộ tham gia trồng cỏ với diện tích khoảng 570 ha. Bình quân mỗi năm, tổng đàn trâu của huyện tăng 1,52%, tổng đàn bò tăng 17,8%. Điều quan trọng mà đề án đạt được đó là đã làm thay đổi nếp nghĩ của người dân trong phát triển chăn nuôi. Từ chăn nuôi nhốt chuồng, chủ động trong phòng - chống bệnh cho vật nuôi, người dân đã áp dụng sang chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản như: lợn địa phương, lợn rừng lai lợn nhà, nhím...

 

Với thế mạnh đất lâm nghiệp, trong những năm qua, huyện đã tập trung giao đất, khoán rừng cho người dân, phân định rõ diện tích 3 loại rừng. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân trong chăm sóc và bảo vệ rừng, đồng thời phát triển sản xuất rừng kinh tế, xây dựng thành một nghề quan trọng ở vùng nông thôn. Thực hiện đề án trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả, từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm, huyện trồng mới 1.334 ha cây lâm nghiệp, hơn 120 ha cây ăn quả. Độ che phủ rừng đạt 52%. Bên cạnh việc quy hoạch vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến gỗ, sản phẩm măng Kim Bôi đã xây dựng và khẳng định được thương hiệu không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang một số nước Đông âu.

 

Tổng kết công tác xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết, đồng chí Đinh Công Hồng, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi khẳng định: Nắm vững đường lối đổi mới, trên cơ sở phân tích tình hình thực tiễn ở địa phương, Đảng bộ huyện đã xác định cơ cấu kinh tế tập trung phát triển các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, CN-TTCN và dịch vụ. Từ đó, xây dựng những nghị quyết phù hợp, dựa trên quyền lợi của nhân dân. Bên cạnh đó, trong quá trình tổ chức thực hiện, huyện thường xuyên kết hợp chọn điểm và xây dựng điển hình, rút ra những kinh nghiệm tốt, áp dụng rộng rãi cho các nơi khác, từ đó, làm tăng thêm sức mạnh cho các phong trào. Điều này đã tác động tích cực tới sự phát triển nền kinh tế địa phương, giúp huyện khai thác tốt đất đai, tạo ra vùng lúa cao sản, vùng dưa hấu, mía tím hàng hóa có sức cạnh tranh, khai thác tốt thế mạnh về rừng, cây công nghiệp, đẩy mạnh tăng trưởng về kinh tế.

 

Phát huy những kết quả đạt được, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015, Đảng bộ huyện Kim Bôi đã đề ra giải pháp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là tiếp tục thực hiện tốt đề án xây dựng cánh đồng cho thu nhập cao, đề án phát triển chăn nuôi; thực hiện đồng bộ, thâm canh toàn diện, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; phát triển đa dạng các mô hình kinh tế.

 

Trong đó, chú trọng đến mô hình kinh tế trang trại, gia trại; quy hoạch từ 1 - 2 vùng sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển diện tích canh tác lúa bấp bênh sang trồng cây có giá trị kinh tế cao, tăng cường KN-KL, phòng - chống thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường công tác quản lý đất đai; khuyến khích các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết để đầu tư phát triển kinh tế...

 

Với những giải pháp cụ thể đó, cùng những kinh nghiệm từ thực tiễn những năm qua, tin rằng huyện tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trong nông, lâm nghiệp từ 3% trở  lên, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2015, tổng sản lượng lương thực đạt gần 61.500 tấn, bình quân lương thực đạt 540 kg/người/năm, thu nhập đạt 13 triệu đồng/người/năm.

 

 

                                                                                   Ngọc Vinh

 

Các tin khác


Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Chiều 17/4, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) các dự án trọng điểm của tỉnh chủ trì hội nghị chuyên đề BCĐ về tình hình triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+00 - Km53+00 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình). Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí thành viên BCĐ các dự án trọng điểm tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương liên quan.

Thủ tướng dự gặp mặt, tri ân những người trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

Sáng 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple Tim Cook

Sáng 16/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Giám đốc điều hành Tập đoàn Apple (Hoa Kỳ) Tim Cook đang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Ban Tổ chức Trung ương lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp

Ngày 16/4, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức hội nghị trực tuyến với 32 tỉnh, thành phố lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu tỉnh Hòa Bình có đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và các đại biểu.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề "Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Chiều 15/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chính thức khai mạc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục