(HBĐT) - Nếu ví tốc độ của những chiếc thuyền chở khách trên vùng lòng hồ sông Đà giống như những chiếc xe chở khách cỡ lớn thì thuyền tôm lại có tốc độ của một chiếc “siêu xe” trên mặt hồ. Do vậy, với nhiều người không gì thú vị hơn khi trải nghiệm lòng hồ sông Đà trên chiếc thuyền tôm.

Phượt bằng thuyền tôm - một trải nghiệm thú vị trên lòng hồ sông Đà.

 

Thuyền tôm là loại thuyền nhỏ bằng sắt, là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân sống ở vùng lòng hồ sông Đà. Đây cũng chính là phương tiện chủ yếu dùng để kéo lưới, đánh bắt thuỷ sản. Do là loại thuyền nhỏ nên khả năng chuyên chở cũng hạn chế ở mức nhất định, chỉ khoảng 2 người. Bởi ngoài việc lắp máy, khi cần thiết người ta có thể chuyển sang đạp chèo để có thể thong dong kéo lưới, cất rọ tôm trong những buổi sớm mai sương còn giăng bảng lảng mặt hồ. Từ những đặc điểm đó, người ta gọi  là thuyền tôm.

 

Tuy vậy, đây lại là loại thuyền có tốc độ cao khi di chuyển trên mặt nước. Với nhiều người ưa mạo hiểm, thuyền tôm trở thành phương tiện để trải nghiệm du lịch lòng hồ sông Đà một cách thú vị. Chẳng vậy mà trước khi tham gia chuyến trải nghiệm sông nước lòng hồ sông Đà bằng thuyền tôm, anh bạn chuyên nghề sông nước tên Cường ở xóm Mới, xã Thung Nai (Cao Phong) cứ băn khoăn hỏi đi hỏi lại nhiều lần: Chú có đủ liều để dám ngồi thuyền đi trên hồ không ?! Nếu thấy chưa đủ tự tin thì anh em mình dừng lại.

 

Những câu hỏi cứ xoáy đi, xoáy lại vừa khích bác, vừa chạm vào lòng tự ái của những kẻ có máu ưa xê dịch để khám phá những điều mới lạ như chúng tôi. Trước đây, tôi đã từng một đôi lần ngồi thuyền nan mong manh như chiếc lá cùng các em học sinh trường PTCS Thái Thịnh vượt sông về bên xóm Bích (Thái Thịnh). Lẽ nào lần này lại không dám trải nghiệm sông nước lòng hồ bằng thuyền tôm ?! Vậy là tôi mặc áo phao lên thuyền.

 

Quả thực, khi bước chân lên thuyền mới thấy chuyện sông nước chưa bao giờ là việc dễ dàng đối với những người chỉ quen sống ở bờ. Thuyền nhỏ nên mỗi bước chân đều chông chênh như đi trên một khối thạch mềm.

 

Thuyền rời bến cũng là lúc những âu lo, cảm giác về sự liều lĩnh dần tan biến. Lẫn trong tiếng máy và mơn man gió hồ là tiếng của Cường nơi cuối thuyền. Vừa điều khiển con thuyền rẽ nước lao vút về phía trước, Cường  bảo: Đi chơi, khám phá lòng hồ Hoà Bình thú vị nhất là trải nghiệm bằng thuyền tôm. Nó thể luồn lách vào mọi ngõ ngách mà không phải thuyền khách nào cũng có thể vào được, nhất là ở thời điểm lòng hồ sông Đà đang ở mức nước thấp. Đó là cũng chính là lợi thế của thuyền tôm.

 

Tuy vậy, do là loại phương tiện cá nhân với kích thước nhỏ nên đối với những người không phải là dân chuyên nghề sông nước sẽ gặp nhiều khó khăn, bất tiện khi ở trên thuyền. Rõ nhất là nếu ngồi không vững sẽ làm cho thuyền bị chòng chành, có thể ngã xuống sông. Tuy vậy, phần thưởng dành cho những người vượt qua được nỗi sợ hãi vùng sông nước đó là sự trải nghiệm tuyệt vời. Giống như khi ta mở gói quà, rồi vỡ oà cảm giác sung sướng khi bên trong đó là món đồ ưa thích. Ngồi trên thuyền, khi Cường tăng hết tốc lực, con thuyền như một mũi gió lướt nhẹ trên sóng nước mênh mang để lại phía sau luồng bọt trắng với những con sóng loang trên mặt hồ. Đến đây mới thấy nếu ai đã quen hoặc  nhiều lần được dạo chơi trên lòng hồ sông Đà bằng tàu, thuyền chở khách cũng nên thêm một lần trải nghiệm cảm giác mạnh khi đi bằng thuyền tôm. Lúc đó sẽ thấy và được cảm nhận một lòng hồ sông Đà hoàn toàn khác. Thú vị và bất ngờ, hoang sơ và kỳ vĩ.

 

Lòng hồ sông Đà đang mùa nước cạn. Ngấn nước in hằn trên vách đá đã xuống sâu hàng chục mét nhưng vẫn còn đó sự lãng mạn, dịu dàng như thiếu nữ tuổi trăng tròn. Mặt hồ vẫn sóng sánh như bát nước xanh màu ngọc bích. ở một góc khác, điểm tiếp cận khác vùng lòng hồ sông Đà vẫn cuồn cuộn cơ bắp, cuộn lên vẻ dữ dằn như con thuỷ quái. Nước cạn, lòng hồ thu hẹp, hàng trăm, hàng nghìn đảo đá vốn ngâm mình sâu dưới hàng chục mét trong mùa nước nổi nay nhô lên, lộ ra như những nanh vuốt sắc lẹm. Có cảm giác như chỉ cần sướt qua cũng đã chảy máu. ấy vậy, chính những điều đó đã tạo nên vùng sông nước lòng hồ sông Đà khác biệt mà không phải ai cũng có cơ hội được trải nghiệm, được nắm bắt và cảm nhận thật gần. Đáng nói hơn, sự trải nghiệm này được bắt đầu ngay từ mặt nước ở dưới chân giữa đất trời bao la. Giữa vùng sông nước trong xanh màu ngọc bích còn gì thú vị hơn khi được chạm tay, vươn mình trên những đảo đá với những hình thù kỳ dị, hoang sơ nhưng cũng thật gần gũi được chính thiên nhiên và sông nước lòng hồ sông Đà tạo tác, bào gọt qua hàng chục năm để hú lên một tiếng thật dài vọng theo sóng giữa trời, nước mênh mông... để cái thú tiêu dao chiến thắng nỗi sợ hãi.

 

Trải nghiệm sông nước lòng hồ sông Đà. Nếu có thể hãy một lần đi tìm và cảm nhận sự khác biệt ở chính những nơi đã trở thành thân quen. Phần thưởng luôn dành cho những người biết vượt qua nỗi sợ hãi; biết vượt lên chính những cảm xúc của bản thân. Trải nghiệm lòng hồ sông Đà: Hãy mặc áo phao, mạnh dạn lên thuyền rồi lướt nhanh trên những ngọn sóng xanh màu ngọc bích... Bạn sẽ trở thành người chiến thắng.

 

                                                                                Mạnh Hùng

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục