(HBĐT) - Thời gian qua, nhiều nông dân ở xã Liên Vũ (Lạc Sơn) “đứng ngồi trên lửa” khi ớt đã vào thời điểm chín rộ mà việc thu mua của công ty không đều. ớt chín đỏ rụng đầy ruộng. Nhiều hộ đành ngậm ngùi nhổ ớt để đầy gầm nhà sàn. Có hộ thì chất đống bờ rào để lấy đất cấy lúa. Tiền thu được theo tính toán của một số hộ không bõ công trồng và chăm sóc.

 

Đỏ mắt ngóng người mua ớt

 

Vốn là xã thuần nông, quỹ đất sản xuất hạn chế (bình quân mỗi khẩu  khoảng 300 - 400 m2), vì vậy, ngoài 2 vụ cấy lúa chính, nông dân xã Liên Vũ đều tận dụng đưa các loại rau, đậu, ngô, bí, dưa... vào canh tác. Vụ đông 2016, doanh nghiệp tư nhân xuất nhập khẩu nông sản Phú Sĩ, địa chỉ tại thôn Làng Sen, xã Định Bình, huyện Yên Định (Thanh Hoá) đã ký hợp đồng với UBND xã Liên Vũ đưa cây ớt vào trồng và thu mua. Theo sự vận động của xã, gần 100 hộ ở 5 xóm: Chiềng, Cả, Cháy, Côm và Beo đã trồng hơn 4 ha.

 

Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, doanh nghiệp (DN) sẽ đầu tư ứng trước vật tư gồm giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo từng thời điểm sâu bệnh; phối hợp với xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật, gieo trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi kết thúc thời vụ thu hoạch và quan trọng nhất là công ty chịu trách nhiệm bao tiêu toàn bộ sản phẩm trên diện tích hơn 4 ha với giá tối thiểu 5.000 đồng/1 kg, cao điểm 8.000 đồng/kg. Công ty cũng cam kết đây là giá ổn định trong suốt thời vụ sản xuất kể cả giá thị trường có xuống thấp.

 

 

Chờ không có người đến thu mua, gia đình anh Bùi Văn Khải, xóm Chiềng, xã Liên Vũ (Lạc Sơn) phải nhổ ớt về chất ở sân nhà để lấy đất cấy lúa kịp thời vụ.

 

Theo phản ảnh của các hộ trồng ớt, từ ngày 12/12/2016, nông dân xã Liên Vũ bắt đầu vào vụ thu hoạch ớt. Trong tháng 12, DN đến thu mua được 3 đợt ớt xanh với giá 8.000 đồng/kg nhưng chỉ đợt 1 được trả tiền. Suốt tháng 1/2017, ớt chín đỏ nhưng DN không đến thu mua. Vì gần vào thời điểm cấy vụ chiêm xuân, bà con trong xã hoang mang không biết nên giữ lại ớt chờ bán hay nhổ đi để làm đất cấy lúa.

 

Xóm Chiềng có 6 hộ tham gia trồng ớt với diện tích gần 1 ha. Đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng ớt chín đỏ, ông Bùi Văn Ninh, trưởng xóm Chiềng không khỏi bức xúc: Cứ tưởng được xã đứng ra định hướng trồng, đấu mối, ký hợp đồng với DN, lại được đầu tư giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm là “chắc ăn”, nhiều nhà đã bỏ ngô trồng ớt. Khi ớt  chín rộ, với giá thu mua 8.000 đồng/ kg, nếu DN thu mua đều thì so với trồng lúa hay trồng ngô sẽ không lỗ. Nhưng không hiểu sao suốt tháng 1, DN ngừng thu mua coi như chúng tôi “công cốc”.

 

Lật giở từng trang sổ ghi chép theo dõi việc trồng ớt, ông Ninh cho biết: Nhà tôi tham gia trồng 700 m2 ớt ở đất bãi với khoảng 2.000 gốc, tiền giống và phân hết khoảng 1,6 triệu đồng. Đợt 1 và đợt 2 nhà tôi bán 269 kg được 1,4 triệu đồng, chưa đủ tiền giống và phân. Đợt 3 và đợt 4 bán 136 kg nhưng công ty không trực tiếp lên thu mua mà nhờ người ở xã Tân Mỹ lên mua và chưa trả tiền. Lý do đưa ra là số lượng ít nên DN nhờ thương lái thu gom hộ. Với cách thu mua như này không biết bao giờ DN trả tiền nên chúng tôi không dám hái bán. Giờ DN không thu mua, lời đâu chẳng thấy, có muốn thu hồi tiền vốn bỏ ra cũng khó.

 

Cùng chung tâm trạng như ông Ninh, ông Bùi Văn Vị, hộ trồng ớt xóm Chiềng chia sẻ: “Mọi năm vụ đông gia đình tôi trồng ngô cũng thu được vài triệu. Nhưng theo vận động của xã và tính toán của DN trồng ớt cho lợi nhuận hơn nên gia đình tôi trồng hơn 500 m2. Bán 2 lần đầu được gần 100 kg nhưng không được trả tiền, nên gia đình tôi không bán nữa mà nhổ bỏ chất đầy ngoài hàng rào để lấy đất trồng ngô vụ xuân”. Hộ anh Bùi Văn Khải trồng hơn 9.000 cây ớt trên diện tích ruộng 3.000 m2. Vì không thấy DN đến thu mua, gia đình anh phải nhổ bỏ để lấy đất cấy lúa cho kịp thời vụ.

 

Doanh nghiệp trả lời: Vẫn tiếp tục thu mua

 

Trao đổi với ông Bùi Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Liên Vũ được biết: Theo hợp đồng đã ký giữa UBND xã với DN tư nhân xuất - nhập khẩu nông sản Phú Sĩ thì DN sẽ đầu tư giống và phân bón cho nhân dân với giá trị hợp đồng 50 triệu đồng và thu mua liên tục hết tháng 2 với giá tối thiểu 5.000 đồng/kg, kể cả khi giá thị trường xuống thấp 2.000 - 3.000 đồng/kg. Những đợt đầu, để khuyến khích bà con, DN thu mua với giá 8.000 đồng/kg và trả tiền nghiêm túc. Nhưng trên thực tế, do nhiều cây chết, năng suất sản lượng không đạt như mong muốn, DN mới thu mua được khoảng 30 triệu đồng tính theo giá trị hợp đồng vẫn chưa đủ nên DN chưa trả tiền. Hiện, DN vẫn nhờ người trung gian thu mua ớt cho bà con với giá 5.000 đồng/kg.

 

Đem những bức xúc của nông dân trồng ớt xã Liên Vũ chia sẻ với đồng chí Bùi Văn Khánh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Sơn, được biết: Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và liên kết tiêu thụ nông sản giữa DN với nông dân được huyện khuyến khích. Việc liên kết trồng ớt ở Liên Vũ huyện có nắm được thông tin nhưng DN trực tiếp ký hợp đồng với xã nên huyện chỉ tư vấn với xã khi ký hợp đồng phải có những điều khoản chặt chẽ bảo vệ quyền lợi của bà con, tránh trường hợp DN có những mánh khoé gây thất thiệt cho người nông dân.

 

Trước những ý kiến của người dân, ông Nguyễn Văn Sĩ, Giám đốc DN cho biết: Trên thực tế, DN có thông báo thu mua ớt theo từng đợt ớt xanh và ớt chín nhưng người dân không hợp tác. Vì chúng tôi ký hợp đồng làm việc với xã chứ không phải làm việc với từng hộ dân, nên chỉ có trách nhiệm thanh toán với xã. Đến nay, DN mới thu mua được gần 10 tấn ớt, chưa đủ sản lượng theo giá trị đầu tư trong hợp đồng. Quan điểm của DN là vẫn tiếp tục thu mua ớt cho người dân kể cả ớt chín đã nhổ với giá 5.000 đồng/kg.

 

Thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa có lợi cho cả hai phía: hộ nông dân và doanh nghiệp. Đối với nông dân, đây là lời giải cho đầu ra của sản phẩm nông sản với giá cả ổn định và được hỗ trợ khi gặp khó khăn trong sản xuất. Mong rằng trong thời gian tới, doanh nghiệp và nông dân cần “bắt tay” thật chặt trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa nhằm gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định và bền vững. Thế nhưng, việc ký hợp đồng rồi thu mua đứt quãng của DN gây khó khăn cho người dân trồng ớt xã Liên Vũ. Vòng sinh trưởng của cây ớt chỉ hơn 4 tháng, nếu một đợt quả chín rộ không kịp thu mua thì coi như bao nhiêu công sức, lời lãi của bà con mất hết... những thất thiệt của người nông dân là điều khó tránh khỏi.

 

Người nông dân vùng thuần nông đã quen với sản xuất nhỏ lẻ, tự phát nên khi vận động chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa không hề dễ. Một khi thiệt hại đến thu nhập, mất lòng tin của người dân thì khi có một loại cây trồng muốn phát triển thành cây hàng hóa, việc vận động bà con chuyển đổi sẽ rất khó. Đấy cũng là sự trăn trở của đội ngũ lãnh đạo xã Liên Vũ.

 

                                                                              Đinh Thắng

Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục