(HBĐT) - Trong kho tàng di sản văn hoá (DSVH) dân tộc Mường, nếu mo Mường được xem là một sáng tạo vĩ đại thì chiêng Mường chính là báu vật của người Mường. Chiêng Mường cùng với sáo ôi, đàn nhị, trống da trâu... đã tạo nên âm nhạc Mường với những nét độc đáo, uyển chuyển và duyên dáng. Ngày nay, nghệ thuật chiêng Mường và âm nhạc dân tộc Mường được bảo tồn, phát huy tạo nên những giá trị tinh thần nhân văn cao đẹp trong cộng đồng người Mường, đồng thời làm phong phú, đa dạng thêm cho nền âm nhạc dân gian Việt Nam. Thành tựu đó có được trước hết là nhờ những nghệ nhân xứ Mường đã dành cả cuộc đời gìn giữ, phát huy những "báu vật” của ông cha để lại.


Các nghệ nhân giới thiệu, quảng bá nghệ thuật chiêng Mường thông qua trình diễn đường phố tại sự kiện ngày Văn hoá Hoà Bình tại Hà Nội.

Những người gìn giữ "báu vật" của cha ông

Năm 2016, tại lễ hội văn hóa cồng chiêng lần thứ I tỉnh Hoà Bình, màn trình tấu cồng chiêng độc đáo với chủ đề "Vật báu hồn thiêng" của 2.000 nghệ nhân chiêng Hoà Bình đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục về màn trình tấu chiêng lớn nhất Việt Nam. Lấy ý tưởng từ 4 vùng Mường nổi tiếng của Hoà Bình là Bi, Vang, Thàng, Động, màn trình tấu xuất phát từ 4 tuyến phố chính trên địa bàn TP Hoà Bình với sự dẫn dắt của 4 nghệ nhân chiêng nổi tiếng. Một trong những nghệ nhân vinh dự được dẫn dắt đoàn chiêng là nghệ nhân ưu tú Bùi Tiến Xô, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi).

Làm nghề sửa khoá, nhưng ông Bùi Tiến Xô lại được đông đảo người dân huyện Kim Bôi gọi bằng cái tên thân mật "ông cồng chiêng". Cái tên ấy xuất phát từ những năm 90 của thế kỷ trước. Khi đó, cuộc sống khó khăn, nhiều nhà "cắn răng" bán chiêng và ông Xô đã rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp núi rừng tìm mua lại những chiếc chiêng cổ. Không chỉ sưu tầm chiêng, ông Xô còn là một trong ít nghệ nhân có thể "lấy lại âm" với những chiếc chiêng đã bị "mất tiếng". Bằng tâm huyết của mình, ông Bùi Tiến Xô đã sưu tầm được hơn 60 bộ chiêng vô cùng quý giá, trong đó có nhiều chiếc chiêng cổ tuổi đời hàng trăm năm. Ông Xô tâm sự: Người Mường nghe tiếng chiêng từ trong lòng mẹ, lớn lên bởi tiếng chiêng, tiếng sáo, bởi lời hát ru của mế, của mạng. Chiêng có mặt trong mọi hoạt động của người Mường từ lúc chào đời đến khi về với thế giới Mường Ma. Vì vậy, với người Mường chiêng là báu vật.

Ngoài nghệ nhân Bùi Tiến Xô, nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, phường Chăm Mát (TP Hòa Bình) đã dành cả đời mình để "đánh thức hồn chiêng". Đi theo phường bùa từ những ngày còn bé, đam mê tiếng chiêng, ông Thực cũng là người "dành dụm được đồng nào mua chiêng đồng ấy". Ông cũng là người đầu tiên ở TP Hoà Bình tự xây dựng một đội chiêng, phường sắc bùa của gia đình, dòng họ mình. Vào dịp đầu năm mới, ông Thực không quên thực hiện nghi thức "dậy" chiêng, biểu diễn những màn chiêng cổ để mong cầu may mắn, ấm no đến với bản, với Mường. Ông Thực tâm sự: Tiếng chiêng có vang ngày hội mới ý nghĩa, tiếng chiêng linh thiêng mùa màng bội thu, tiếng chiêng chính là hồn cốt của người Mường...

Không chỉ nặng lòng với chiêng Mường, những nghệ nhân còn là người sáng tạo, sưu tầm nhiều loại nhạc cụ dân tộc Mường. Từ sáo ôi, nhị, trống da trâu đều được các nghệ nhân sử dụng một cách nhuần nhuyễn. Trong những ngôi nhà sàn Mường không khó để nhận ra bên cạnh những bộ chiêng cổ được treo trang trọng, các nghệ nhân còn bảo tồn, gìn giữ rất nhiều loại nhạc cụ khác. Ông Bùi Ngọc Thuận, một trong những nghệ nhân chiêng và là người thành lập câu lạc bộ (CLB) âm nhạc dân tộc đầu tiên ở xã Hợp Phong (Cao Phong) chia sẻ: Cũng như chiêng có hồn, mỗi một loại nhạc cụ đều có một cốt riêng. Âm nhạc Mường vốn không có nhiều trường âm nhưng có thể tạo được muôn vàn sắc thái khác nhau, đó là nhờ sự tài hoa, sáng tạo của người chơi nhạc cụ dân tộc. Cái hay, cái đẹp, sự uyển chuyển và độc đáo của âm nhạc Mường chính là ở chỗ đó.

Cùng với ông Xô, ông Thực, ông Thuận còn có hàng trăm nghệ nhân khác trên địa bàn tỉnh đã dành tất cả tâm huyết cho văn hoá dân tộc. Họ không chỉ là người khám phá cái hay, nét độc đáo của những "báu vật" cha ông đề lại mà còn có vai trò trao truyền để mạch ngầm văn hoá mãi chảy về sau.

Để mạch ngầm văn hoá mãi chảy

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh có 18 nghệ nhân được công nhận và 27 nghệ nhân đang trình xét duyệt công nhận danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú", "Nghệ nhân Nhân dân" trên lĩnh vực văn hoá phi vật thể. Trong lần xét công nhận thứ 3 - năm 2021, Bộ VH-TT&DL đã mở rộng chứng nhận nghệ nhân ưu tú ở nhiều lĩnh vực mới như nghệ nhân cồng chiêng và cò ke ống sáo, nghệ nhân biểu diễn đàn tam, nhị... Với việc mở rộng công nhận nghệ nhân theo loại hình biểu diễn càng tạo động lực giúp các nghệ nhân kiên tâm trao truyền những giá trị DSVH độc đáo của dân tộc.

Là huyện cửa ngõ Thủ đô, giao thoa nhiều nền văn hoá khác nhau, tuy nhiên từ nhiều năm nay, chiêng và âm nhạc dân tộc vẫn luôn hiện hữu tại các sự kiện lớn nhỏ trong cộng đồng người Mường huyện Lương Sơn. Để có được sự lan toả rộng rãi văn hoá Mường trong đời sống chính nhờ vai trò trao truyền của những nghệ nhân xứ Mường. Trong đó phải kể đến nghệ nhân Nguyễn Thị Hình ở xã Lâm Sơn. Từ nhỏ, bà Hình đã thích nghe hát ru, thích nghe tiếng cồng, tiếng chiêng. Đến tuổi trưởng thành, khi vừa tích cực tham gia du kích, vừa học bốc thuốc chữa bệnh và học nghề y, bà Hình không quên đam mê với dân ca Mường. Nhờ niềm đam mê tìm tòi học hỏi, bà đã thuần thục nhiều bài chiêng cổ, chơi được nhiều loại nhạc cụ truyền thống như trống da trâu, nhị và trở thành người "giữ lửa" văn hoá truyền thống của huyện. Ở tuổi 78, bà vẫn tích cực tham gia truyền dạy nhiều lớp nghệ thuật đánh chiêng và đào tạo được hơn 100 nghệ nhân chiêng tại huyện Lương Sơn. Năm 2021, bà Hình được UBND tỉnh đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực chiêng Mường và truyền dạy chiêng Mường.

Mới đây, để bảo tồn, phát huy giá trị chiêng Mường và các loại hình âm nhạc khác, UBND xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi) đã thành lập CLB chiêng Mường liên thế hệ tại thôn Thao Cả. CLB quy tụ 25 thành viên với nhiều thế hệ từ người cao tuổi, thanh niên, thiếu niên nhi đồng đều đặn tham gia giữ gìn, phát huy giá trị chiêng Mường. CLB do nghệ nhân Bùi Tiến Xô làm chủ nhiệm và trực tiếp truyền dạy.

Là cái nôi của người Mường cổ, trong nhiều năm qua, huyện Tân Lạc luôn dành nguồn lực để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Theo đồng chí Đinh Sơn Tùng, Trưởng phòng VH-TT huyện Tân Lạc: Huyện có 4 CLB hát dân ca Mường, 252 đội văn nghệ cơ sở và bảo tồn được hàng nghìn chiếc chiêng. Để đạt được kết quả đó chính là các nghệ nhân nắm giữ di sản văn hoá đã phát huy vai trò trong thực hành, truyền dạy. Hầu hết nghệ nhân là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, các di sản chiêng Mường, nghệ thuật chiêng Mường và nhạc cụ dân tộc được bảo tồn khá tốt.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn lưu giữ được hơn 10 nghìn chiếc chiêng, chủ yếu ở 4 vùng Mường cổ và các huyện Đà Bắc, Lương Sơn, TP Hoà Bình. Toàn tỉnh có hơn 100 CLB cồng chiêng, âm nhạc truyền thống và nhiều đội chiêng, phường bùa ở các khu dân cư. Thực tế, các lớp dạy chiêng, âm nhạc Mường thường tranh thủ vào buổi tối và theo hình thức truyền khẩu, nên các nghệ nhân phải trực tiếp "cầm tay chỉ việc". Mặt khác, trong bối cảnh thế giới công nghệ, không gian văn hoá mở, không phải ai cũng quan tâm đến văn hoá cổ truyền của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ. Đó là những trăn trở, đồng thời cũng khẳng định sự nỗ lực của nhiều nghệ nhân trong vai trò trao truyền DSVH.

Khẳng định vai trò của các nghệ nhân trong việc bảo tồn, gìn giữ DSVH, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân và hỗ trợ việc truyền dạy để nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá dân tộc. Đặc biệt, với nghệ thuật chiêng Mường Hòa Bình được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia, tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các lễ hội chiêng, liên hoan nghệ thuật quần chúng, hội thi dân ca, dân vũ... tạo sân chơi để các nghệ nhân giao lưu, học hỏi, bồi đắp thêm tình yêu với DSVH dân tộc.

Được xem là chiếc nôi văn hóa, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của loài người, DSVH Hòa Bình được đánh giá là vô cùng đồ sộ, kết tinh từ những giá trị đặc sắc của cả 6 dân tộc anh em cùng sinh sống trên quê hương Hòa Bình. Nền văn hóa ấy là sức mạnh nội sinh để các dân tộc cùng phát triển. Và hơn ai hết, những nghệ nhân văn hóa phi vật thể chính là những người đã gìn giữ và trao truyền để sức mạnh ấy được nhân lên, lan tỏa và tiếp nối cho muôn đời sau.


Nhóm P.V Phòng VH-XH


Các tin khác


Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo

Những năm qua, cùng với triển khai các giải pháp nhằm tạo sinh kế cho người nghèo vươn lên, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo cũng luôn được tỉnh quan tâm thực hiện. Ngoài đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở, các cấp, ngành đã tăng cường huy động nguồn lực để hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, tạo động lực để các hộ vươn lên thoát nghèo.

Người "hóa rồng" cho tre Hòa Bình

Từ một cây tre ngà bình thường, ông Nguyễn Văn Nam ở xã Yên Trị, huyện Yên Thủy đã biến thành "rồng tre”, thể hiện tinh thần đoàn kết với mong muốn Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới. Những tác phẩm của ông đã được nhiều nước biết đến.

Lắng đọng, thiêng liêng ở Nghĩa trang Hàng Dương

Nghĩa trang Hàng Dương, huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo trong những ngày Xuân đón du khách ở mọi miền đất nước đến thăm viếng. Từ sáng sớm đến 24h, những nén hương, những bông hoa thơm ngát, tinh khôi được thắp, dâng trang trọng trên những phần mộ đem đến cho ta những cảm xúc trào dâng. Trong khuôn viên rất nhiều loài hoa khoe sắc như muốn chia sẻ, tri ân những người con đã nằm lại nơi đây.

Lừa đảo xuất khẩu lao động - cạm bẫy “việc nhẹ, lương cao”

Lợi dụng việc một bộ phận người dân có nhu cầu tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các chiêu lừa XKLĐ khiến không ít người lâm vào cảnh éo le. Thậm chí nhiều trường hợp đứng trước "nanh vuốt” của bọn tội phạm mua bán người...

Sáng mãi màu áo xanh tình nguyện

"Năm 2024, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn thống nhất lựa chọn chủ đề công tác là "Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện, như: kỷ niệm 60 năm phong trào "Ba sẵn sàng”, 10 năm "Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè. Vì vậy, tổ chức Đoàn các cấp cần phải xem đây là một năm sôi động các hoạt động thanh niên tình nguyện trên toàn quốc với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp thanh niên Việt Nam" - đồng chí Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn nhấn mạnh tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII (tháng 1/2024).

Xung quanh việc xây dựng trụ sở và công trình văn hóa tâm linh tại thành phố Hòa Bình: Bài 2 - Công trình không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng?

Liên quan đến việc xây dựng chùa Hòa Bình và các công trình phụ trợ, thời gian qua, một số cơ quan thông tin, báo chí đưa tin cho rằng: công trình này không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; vi phạm các quy định của pháp luật về thủ tục đầu tư; còn để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến trật tự xây dựng. Trước những vấn đề được dư luận xã hội và người dân quan tâm, các cơ quan chức năng của tỉnh và UBND thành phố Hòa Bình (TPHB) đã có thông tin phản hồi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục