Có điện, người dân xóm Nước Ruộng đầu tư mua máy xay xát làm dịch vụ.

Có điện, người dân xóm Nước Ruộng đầu tư mua máy xay xát làm dịch vụ.

(HBĐT) - Khi những nụ đào rừng chớm nở, báo hiệu mùa xuân mới đang về trên khắp các bản làng, cũng là lúc cán bộ và nhân dân bản Nước Ruộng, xã Nam Thượng (Kim Bôi) vui mừng được đón nguồn điện lưới quốc gia kéo về thắp sáng đến từng nhà trong bản.

 

Cách trung tâm xã hơn 5 km, Nước Ruộng còn nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đời sống văn hóa của người dân cũng bị hạn chế, giao thông cách trở, không có điện thắp sáng. Nhiều năm qua, người dân Nước Ruộng luôn phải sống trong cảnh đèn dầu, ước mong có điện luôn cháy bỏng trong người dân nơi đây. Năm 2010, UBND huyện Kim Bôi đã đầu tư hơn 5,8 tỷ đồng để kéo đường điện về cho xóm. Theo quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật số 665 ngày 27/4/2010 nêu rõ: Quy mô công trình tuyến đường 35KVA, trạm biến áp 100KVA, làm mới 100%. Thời gian thi công là 210 ngày tính từ hợp đồng xây lắp ngày 1/7/2010. Đến nay, mọi công việc đã hoàn thành, bóng điện đã sáng trên từng nóc nhà của bản. 

 

Vào tới đầu bản, tôi đã nghe thấy tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ chính nhà Trưởng bản Bùi Văn Xiêm, anh bảo: Mới có điện nên mình mở nhạc cho bà con dân bản cùng nghe, ai nấy đều vui lắm.  Mới có điện mấy ngày thôi nhưng đã có hơn 30 hộ gia đình mua ti vi, đầu đĩa, máy bơm nước để phục vụ cho cuộc sống rồi. Nước Ruộng có 90 hộ dân với 420 nhân khẩu, đa số là dân tộc Mường sinh sống, cuộc sống của người dân chủ yếu trông chờ vào cái nương, cái rẫy với cây ngô, cây sắn, diện tích cấy lúa chỉ có 14 ha. Dù đã có nhiều cố gắng, song tỷ lệ hộ nghèo của Nước Ruộng vẫn còn gần 50%. Người dân trong bản quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhưng mãi cuộc sống của đa số người dân vẫn không thể phất lên được. Không chỉ vậy, đời sống văn hóa tinh thần của bà con cũng thiếu điều kiện để phát triển. Tội nhất vẫn là bọn trẻ, tối đến học bài trong không gian thiếu ánh sáng nên chữ viết cứ ngả nghiêng, xiêu vẹo, hàng nọ đá hàng kia. Việc học cũng vì thế mà trở nên sao nhãng...

 

Nhấp chén chè xanh nóng hổi để xua đi cái tiết trời se lạnh đầu xuân, với ánh mắt rạng rỡ hơn, Trưởng bản Xiêm khoe: Nay thì khác rồi, ô tô đã vào tận bản, điện đã về thắp sáng cuộc sống của người dân. Khi nghe tin Nhà nước chuẩn bị đưa điện về bản, ai nấy đều vui lắm. Ngày đội thi công về làm cột, bắc dây điện, bà con đều nhiệt tình ủng hộ, cột điện có vào đất nhà ai thì mọi người vẫn rất vui vẻ dọn dẹp, phát quang khu đất để giao cho cán bộ điện làm việc. Từ ngày có điện, bản làng như bừng sáng và nhộn nhịp hẳn lên, người dân ai cũng yêu đời, hăng say lao động hơn. Bà con dân bản đang dự định sẽ mổ trâu, làm một cái lễ cho thật to, mời các cán bộ, anh em họ hàng về mừng điện với bản.

 

Cụ bà Bùi Thị Chệu, năm nay đã hơn 85 tuổi, vừa nhai trầu móm mém vừa nói: Mừng quá cán bộ ạ, cái bóng điện sáng trắng vừa mới được treo trên nóc nhà, mình nhìn mà chảy nước mắt, lòng thích lắm, chẳng dám đi ngủ, sợ sáng ra không thấy nó nữa, cán bộ điện bảo phải biết tiết kiệm, không được lãng phí nên ban ngày không cho nó sáng mà.

 

ông Bùi Văn Nhinh hơn 50 tuổi tâm sự: Khi đường điện kéo về, gia đình mình đã dự định mua sắm những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt. Trước tiên là mua cái máy bơm nước để hằng ngày mình tắm cho đàn lợn đang độ lớn, trước kia phải xách từng thùng nước mệt lắm, giờ chỉ cần bấm công tắc một cái là nước đã chảy về tận nơi. Sau sẽ mua cái ti vi để lũ trẻ được xem thoải mái, từ ngày có điện, lũ trẻ cũng chăm học lắm, không phải giục chúng cũng ngồi vào bàn thôi.

 

Anh Xiêm nói chắc nịch: Là dân bản Nước Ruộng ai cũng nhớ cái ngày đầu tiên được đóng điện. Đó là ngày 21/12/2011 hôm đó, người già, người trẻ kéo tới trạm điện hạ thế ngoài đầu bản từ sáng sớm, thật điện sáng giữa ban ngày anh ạ. Nhà nước cho trục đường điện chính, cho trạm hạ thế, nhân dân bỏ tiền mua dây điện, công tơ, thế là có điện. Có mất nhiều tiền đấy, nhưng tốn bao nhiêu bà con cũng lắp điện, cũng tiền bán con gà, cân thóc và hạt ngô thôi. Cuộc sống của người dân bản  ngày càng thay da đổi thịt, có của ăn của để, không phải lo thiếu đói từng bữa nữa, có nhiều người biết cách làm ăn, vươn lên làm giàu như gia đình ông Bùi Văn Quyết, nuôi hơn mười con trâu và hơn mười con bò. Gia đình anh Bùi Văn Thành nuôi 16 con trâu, bò và hơn 40 con dê, cùng gà, ngan và lợn. Thu nhập bình quân của người dân Nước Ruộng đạt 6,2 triệu đồng/năm, bình quân lương thực đầu người đạt 560 kg/người, tỷ lệ hộ nghèo của bản cũng giảm xuống còn gần 50%, nhiều gia đình đã mua sắm được xe máy, ti vi, máy móc để phục vụ sản xuất... Có điện bà con mình sẽ được học hỏi, thay đổi cách nghĩ, cách làm. Điện sáng về Nước Ruộng đã đem lại nơi đây một làn gió mới, diện mạo mới.

 

Chia tay Nước Ruộng, Trưởng bản Bùi Văn Xiêm xúc động: Bà con trong bản luôn ao ước có điện để trẻ con có ánh sáng học bài, xem ti vi, nghe đài. Giờ thì ao ước đã được thực hiện, mừng lắm! Bà con biết ơn Đảng và Nhà nước đã giúp đỡ bản. Tết năm nay  là một cái Tết to nhất, ý nghĩ và đặc biệt nhất đối với bà con trong bản, Nước Ruộng tươi sáng hơn rất nhiều.

                                                                       

 

 

                                                                      Thanh Tuyền

 

 

Các tin khác


Về Hà Giang ăn cháo... Ấu Tẩu

Đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá Đồng Văn, chưa ăn miếng thịt to, chưa uống bát rượu đầy, chưa ăn bát cháo độc dược... thì coi như chưa đến. Anh bạn đồng nghiệp đã khẳng định chắc nịch ngay khi chúng tôi vừa đặt chân lên mảnh đất này.

Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục