Mặc dù bị khuyết tật đôi mắt nhưng ông Ngởi làm việc như một người bình thường.

Mặc dù bị khuyết tật đôi mắt nhưng ông Ngởi làm việc như một người bình thường.

(HBĐT) - Lên 3 tuổi, ông Bùi Văn Ngởi ở xóm Khuyển, xã Bảo Hiệu (Yên Thuỷ) bị bệnh tật cướp đi đôi mắt. Mọi việc từ sinh hoạt hàng ngày đến ra đồng cày, cấy đều tự ông làm bằng đôi tay của mình. Bằng đôi tay của mình, ông đã tạo dựng được cơ nghiệp và xây dựng được mái ấm gia đình luôn tràn ngập hạnh phúc và tiếng cười.

 

Sống bằng đôi tay

 

Hôm chúng tôi đến thăm, nghe tiếng có khách lạ, ông Ngởi đi cầu thang xuống nhà sàn phăng phăng. Nếu không nhìn vào đôi mắt của ông thì chẳng ai nghĩ ông là người khuyết tật đôi mắt. Mời khách lên nhà, ông tự mình đun nước, pha trà như một người mắt sáng. Qua câu chuyện chúng tôi mới được biết ông có một tuổi thơ đầy cơ cực. ông sinh năm 1952 trong một gia đình có đông anh em. Năm ông lên 3 tuổi, ông bị bệnh nặng. Bố mẹ chạy chữa khắp nơi cũng không thể lấy lại đôi mắt cho ông. Từ đó, ông chẳng nhìn thấy gì. Tuổi thơ ông lớn lên quanh quẩn trong ngôi nhà sàn. Nhà nghèo nên chuyện bát cơm, manh áo cho cả gia đình đông con càng vất vả. Thương bố mẹ, ông cố gắng làm mọi việc giúp gia đình. Bị hỏng đôi mắt nên mọi việc ông đều rất chậm và khó khăn, từ việc tập đi, xác định hướng đi và thuộc hết các ngóc ngách trong nhà. ở nhà chưa đi làm xa được, ông trông em, vào bếp giúp bố mẹ.

 

Quen dần với việc nhà, ông theo bạn vào rừng lấy nứa, lấy măng cải thiện cho gia đình. Quả thực, ông trời thật công bằng không lấy đi của ai tất cả mọi thứ bao giờ. ông trời đã lấy đi của ông Ngởi đôi mắt nhưng bù lại, cho ông thính giác nhạy bén hơn bất cứ người nào khác. Ngày đầu, ông vác cày đi ra đồng chẳng ai nghĩ là ông có thể cày được ruộng. Dần dần thành quen, không ngờ từ việc dắt trâu đi đúng ruộng nhà mình đến đúng đường cày, ông đều làm như người sáng mắt. Đến độ tuổi thanh niên, ông Ngởi trở thành trụ cột trong gia đình. Mỗi khi đến mùa vụ, ông vác cày ra ruộng cày, cấy, gặt như một người bình. thường. Với bản tính chăm chỉ, nỗ lực, ông còn làm hơn một người bình thường. Nhìn mảnh vườn trước nhà sàn với những hàng rào thẳng tắp, cọc tre được đóng đều đặn và khá thẩm mỹ, vợ ông khoe: “Do ông ấy tự làm hết đấy, đóng cọc rào vườn không cần đo đạc gì mà hàng rào vẫn thẳng tắp và đều như được ngắm bằng mắt thợ”.

 

Hạnh phúc khi biết yêu thương

 

Khuyết tật đôi mắt nên ông Ngởi chỉ quanh quẩn ở xóm. ông làm việc quần quật suốt ngày, vào ngày mùa, ông ra đồng làm việc, rảnh rỗi vào rừng chặt gỗ, đốn củi. Tuy chăm làm, nhiều cô gái để ý nhưng mấy ai dám lấy một người khuyết tật như ông. Giấc mơ về một mái ấm gia đình cứ chôn chặt trong lòng ông theo năm tháng. Một lần, có người hàng xóm giới thiệu ở xóm bên cạnh có người phụ nữ tên Khăm, chồng mất sớm muốn lập gia đình. ông đánh liều nhờ bạn dẫn sang thăm nhà bà Khăm. Lần đầu gặp bà Khăm, ông chỉ nghe được tiếng nói dịu dàng đã thấy “kết” ngay.  ông thương bà vất vả cảnh chồng mất sớm, một mình lại đang nuôi con nhỏ.  Sau vài lần sang chơi, ông mạnh dạn cầm tay bà Khăm và ngỏ lời: Tôi thương Khăm thật lòng. Nếu Khăm không chê tôi dị tật. Tôi sẽ bảo cha mẹ sang thưa chuyện. Bà Khăm “ưng cái bụng” nhưng ngại hai đứa con riêng không còn nơi nương tựa khi bà đi lấy chồng. Thấy bà ngần ngại, ông bảo: Tôi coi chúng như con của mình. Nếu Khăm không chê tôi nghèo, tôi sẵn lòng đón chúng về nhà tôi ở chung một nhà. Sau cái đêm đó, gia đình 2 bên đã đồng ý cho đôi trẻ về ở với nhau. Trong buổi đón dâu, ông còn đón luôn cả 2 đứa con riêng về nhà mình. Ngôi nhà sàn nhỏ vốn chật chội, giờ có thêm 3 người nữa càng thêm chật chội. Rồi ông bàn với vợ, mình cố gắng ở chung một năm, tôi sẽ lên rừng đốn gỗ về dựng ngôi nhà mới cho riêng mình.

 

Từ hôm đó, ngoài việc ruộng, vườn, ông vào rừng hạ gỗ rồi chuyển về nhà. Cây nhỏ ông tự vác về. Cây to ông nhờ anh em lên khiêng giúp. Sau gần một năm, số gỗ ông tích góp lại đã đủ cho việc dựng ngôi nhà mới. Có vợ, con ông lại càng làm việc vất vả hơn. ông lo cho con riêng từng bữa ăn đến giấc ngủ giống như người cha đẻ. Những lúc ốm đau, ông lặn lội vào rừng tìm lá thuốc rồi thức cả đêm sắc thuốc cho chúng uống. Mùa hè thức quạt mát cho con. Mùa đông ủ chăn ấm cho chúng ngủ. Cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc, chia sẻ của ông Ngởi, bà Khăm thầm cảm ơn ông trời đã đưa ông đến với bà. Hôm vợ chồng ông khánh thành nhà mới lại đón nhận tin vui là đứa con đầu lòng của ông bà chào đời. ông Ngởi nhớ lại, nghe thấy tiếng đứa trẻ khóc khi vừa sinh ra, tôi mừng lắm. Cái cảm giác được làm bố thật lạ. Nghe vợ tôi nói là mắt nó sáng lắm. Tôi vẫn chưa tin, dùng tay sờ thử lên đôi mắt của đứa bé mới tin là nó không bị giống bố.

 

 Nhà có thêm người, ông không ngừng vỡ ruộng hoang, trồng trọt, tăng gia sản xuất nhằm kiếm cái ăn cho cả nhà. Không đọc được sách nhưng ông rất chịu khó nghe đài. Qua đó, ông học được cách trồng cây ngô cho bắp to, tra hạt lúa cho nhiều thóc, nuôi con gà, con lợn chóng lớn... Nhiều người sáng mắt kiếm cái ăn cho cả nhà đã khó, vậy mà ông Ngởi không để vợ con phải đói bữa nào. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, đến nay, ông bà đã có 4 người con chung. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên đôi vai ông Ngởi. Khi 6 đứa con cả chung và riêng đều khôn lớn, ông lo cho chúng được học hành đến nơi, đến chốn. Từ ngày ông bà lấy nhau đến nay đã 30 năm có lẻ nhưng chưa bao giờ ông bà nặng lời với nhau. Họ như một cặp trời sinh vậy. Mọi việc từ nhỏ đến lớn, ông bà đều có sự bàn bạc cho kỹ và chỉ đưa ra quyết định khi có sự thống nhất của cả vợ chồng. Vượt lên trên hết đó là tình yêu mà 2 người dành cho nhau. Những lúc vui cũng như lúc buồn, họ luôn biết cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.

             

 

 

                                                                         Việt Lâm

 

Các tin khác


Đường Trường Sơn huyền thoại

Những ngày tháng 5 lịch sử, trong không khí hào hùng kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn mở đường (19/5/1959 - 19/5/2024), Trung tá Nguyễn Tài Ba, Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình lại cùng đồng đội ôn lại quãng thời gian được cống hiến, hy sinh, những ngày hành quân mở đường, giữ đường, đánh địch, bảo vệ huyết mạch giao thông để bộ đội ta chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam.

Nhà tù Sơn La - “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La - nơi được ví như "địa ngục trần gian” do thực dân Pháp xây dựng đã từng giam cầm, đày ải những người yêu nước và chiến sỹ cộng sản. Ngày nay, di tích này là "địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ trong cả nước.

Gặp gỡ chiến sỹ Điện Biên

Các cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ nay đều ở tuổi xưa nay hiếm. Nhưng với họ, thanh xuân hào hùng của một thời hoa lửa và ký ức về những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi tự hào năm xưa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí.

Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục