(HBĐT) - Mấy năm gần đây, vùng cam Cao Phong chống chọi với bệnh vàng lá, thối rễ. Vườn bị ít thì vài cây, vài chục cây; vườn nhiều hàng trăm cây, có khi bị cả vườn. Nhiều người nản lòng đành phải phá bỏ tìm đến cây trồng khác. Tuy vậy, anh Đỗ Ngọc Hà ở xóm Lãi, xã Tây Phong vẫn tỷ mẩn chăm sóc, tìm tòi biện pháp chữa sâu bệnh, nhờ vậy bước đầu đã khôi phục được cây và cho thành quả nhất định.


Anh Đỗ Ngọc Hà, xóm Lãi, xã Tây Phong (Cao Phong) bước đầu thành công trong xử lý bệnh vàng lá, thối rễ trên cây cam.

Theo lời giới thiệu của những người trồng cam ở Cao Phong, chúng tôi tìm đến vườn anh Đỗ Ngọc Hà. Khi biết tôi tìm hiểu về quá trình phục hồi cây cam bị bệnh, anh đã dẫn đi khắp vườn, chỉ cho những cây cam trước đây bị bệnh. Nhiều cây đã xanh trở lại và cho quả sai. Anh Hà chia sẻ: "Năm ngoái, nhiều cây bị bệnh tưởng chừng phải chặt bỏ. Tiếc công trồng, chăm sóc 6 năm, tôi phải tỉa cành rồi tìm mọi cách chữa và khôi phục cây. Đầu tiên là phương pháp truyền cho cây. Phương pháp này đã được thực hiện trên cây mít Thái và sầu riêng ở trong Nam. Tránh rủi ro ban đầu, tôi chọn 150 cây cam bị bệnh nặng nhất vườn. Bước đầu tỉa hết cành bị bệnh rồi dùng thuốc truyền chế phẩm. Với hình thức này, cây trực tiếp tiếp nhận thuốc".

Để cây có sức sau thời gian mắc sâu bệnh, anh Hà tích cực chăm bón bằng phân hữu cơ như: cá, ngô, đậu tương. Sau một thời gian, cây nảy lộc và dần phục hồi. Thấy hiệu quả, từ tháng 6/2022, anh bắt đầu thực hiện phương pháp này cho những cây đang bị bệnh và có dấu hiệu mắc bệnh. Đến nay, về cơ bản cả vườn cam của anh dần xanh trở lại và cho năng suất như kỳ vọng.

Trước đây, vợ chồng anh Hà cùng công tác trong quân đội. Sau khi nghỉ hưu, anh chị đã mua 2 ha đất tại xã Tây Phong. Thời điểm đó giá đất để trồng cam đắt. Tìm được mảnh đẹp thì giá rất cao. Vườn hiện tại của gia đình anh là đất dốc, nhiều đá, người trồng cam rất "ngán” không ai dám đầu tư. Khi quyết định mua, bạn bè gàn nhưng anh vẫn quyết tâm. Để trồng được cam, vợ chồng anh đã bỏ ra nhiều công cải tạo, từ làm đường, nhặt đá. Nếu tính lượng đất, đá vợ chồng anh bỏ đi lên tới hàng chục khối.

Năm đầu sau khi trồng cam xong, mưa lũ đã làm sạt lở 1/3 vườn. Không nản chí, anh Hà mua tre về đóng cọc giữ đất để trồng cây. Bao nhiêu vốn liếng vợ chồng anh tích cóp sau nhiều năm công tác đều đầu tư hết cho cây. Đất không phụ công người, cây không phụ người đã cho quả sai, ngọt, nhưng được vài năm thì cây bị bệnh, năng suất giảm. Vì vậy, bước đầu thành công trong việc chữa bệnh vàng lá là nguồn động viên tinh thần với gia đình anh. Anh Hà chia sẻ thêm: Để cây trồng có giá trị kinh tế cao, cách đây 2 năm, vợ chồng tôi quyết định tham gia thành viên Hợp tác xã 3T và sản xuất theo hướng hữu cơ. Mình làm ra sản phẩm sạch sẽ đảm bảo sức khỏe cho gia đình và người tiêu dùng. Đây là trách nhiệm của người làm nông nghiệp.


Việt Lâm


Các tin khác


Nữ bác sỹ tâm huyết với nghề

Từ một y sĩ khi mới bước vào nghề, trải qua 30 năm rèn luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ, bác sỹ Trần Thị Hường, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đú Sáng (Kim Bôi) luôn nỗ lực nâng cao chuyên môn, trau dồi kiến thức, tận tâm với công việc, hết lòng vì người bệnh.

Người bảo tồn đặc sản trên rừng

Sinh ra và lớn lên ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong, anh Bùi Văn Huyển gắn bó với rừng. Ngày bé anh đã biết đến con don. Đây là động vật đặc sản sống trong hang đá, có giá trị kinh tế cao, thịt của chúng thơm ngon, bổ dưỡng. Mỗi lần bắt được chúng phải rất kỳ công. Sau thời gian, số lượng don tự nhiên ngày một ít đi. Trong khi đó, nhu cầu của các nhà hàng về loài này rất lớn nhưng việc săn bắt ngoài tự nhiên là phạm pháp.

Hội viên nông dân 8X sản xuất, kinh doanh giỏi

Với sự cố gắng, nỗ lực, anh Đinh Văn Tằng, sinh năm 1984, hội viên nông dân xóm Vố Dấp, xã Hữu Lợi, huyện Yên Thủy không ngừng tìm tòi, học hỏi, mạnh dạn mở xưởng đóng gỗ pallet, từ đó phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương. Năm 2023, anh được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giai đoạn 2021 - 2023.

Anh Bùi Văn Tiến làm giàu nhờ mô hình nuôi bò thịt

Sau khi tham quan, học tập một số mô hình chăn nuôi ở các địa phương, kết hợp tìm hiểu thông tin trên sách, báo, internet, anh Bùi Văn Tiến, thôn Liên Phú, xã Thống Nhất (Lạc Thủy) quyết định đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bò thịt, đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Nữ Bí thư Đoàn năng động, sáng tạo

Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia công tác đoàn và được tín nhiệm ở chức danh Bí thư Đoàn Thanh niên huyện Lạc Sơn, chị Phan Thị Hồng Vân (sinh năm 1994) luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phần việc hữu ích cho cộng đồng, thu hút được đông đảo đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Những đóng góp tích cực đó đã được các cấp ghi nhận, cuối năm 2023, chị Phan Thị Hồng Vân vinh dự được Hội LHTN Việt Nam trao giải thưởng "15 tháng 10”.

Gương sáng bảo tồn di sản văn hoá dân tộc

Từ niềm đam mê với nghệ thuật dân tộc, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Mạnh Tuấn ở khu Vôi, thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã và đang dành tình yêu, tâm huyết để bảo tồn di sản văn hoá dân tộc, xây dựng nên không gian văn hoá Mường quý giá với trên 2.000 sản phẩm - là những vật dụng trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục