Bài 2 - Khẳng định niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền  qua những mô hình dân vận khéo

(HBĐT) - Người cán bộ phải sống có trách nhiệm, làm nhiều việc tốt mới được dân quý, dân tin. Để làm được điều này thì điều kiện tiên quyết là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, qua đó phát huy vai trò của người cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng. Xác định rõ hướng đi, 5 năm qua, Huyện ủy Kim Bôi đã lấy nội dung, tinh thần Nghị quyết số 25, ngày 3/6/2013 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” làm nền tảng.

 


Đoàn viên, thanh niên huyện Kim Bôi gửi tâm tư, nguyện vọng tới người đứng đầu cấp ủy huyệntại cuộc tiếp xúc, đối thoại được tổ chức vào đầu năm 2018. ảnh: P.V

 

Đổi mới trong công tác dân vận

Đi sâu, đi sát cơ sở hơn, xác định nội dung sự việc, đối tượng để đưa ra phương pháp vận động phù hợp. Một mặt, tăng cường và đổi mới công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể với nhân dân, với cán bộ, công chức, viên chức, đó là phương pháp mà cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bôi đã thực hiện trong thời gian gần đây.

Đồng chí Quách Thị Miến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kim Bôi cho biết: Trước đây, huyện Kim Bôi đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại, tuyên truyền, vận động, giải quyết vụ việc khi xảy ra mâu mắc, bức xúc trên địa bàn. Thông qua đối thoại giúp người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và giải quyết những bức xúc trong dân.

Đúc rút kinh nghiệm và kết quả quá trình thực hiện, đồng chí Quách Thị Miến cho rằng, nếu để xảy ra điểm nóng rồi mới đối thoại thì sẽ mất nhiều thời gian, công sức mà không hiệu quả. Hơn thế, nếu không được giải quyết một cách thấu đáo thì sự việc càng đẩy lên phức tạp hơn. Xuất phát từ thực tiễn đó, Ban Dân vận Huyện ủy Kim Bôi đã tham mưu cấp ủy huyện đổi mới công tác dân vận, trong đó tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu với nhân dân, với CB,CC,VC, người lao động. Để thực hiện tốt các cuộc đối thoại, BTV Huyện ủy đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 74 về thực hiện quy định tiếp xúc, đối thoại với nhân dân, giao MTTQ và Ban Dân vận Huyện ủy tiếp nhận ý kiến của nhân dân để phục vụ cho các cuộc đối thoại. Trên cơ sở đó, phân loại từng lĩnh vực, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, giải quyết các kiến nghị chính đáng của nhân dân.

Tháng 4/2018, BTV Huyện ủy Kim Bôi ban hành Kế hoạch số 126 về việc tiếp xúc đối thoại với nhân dân trên địa bàn huyện năm 2018. Thực hiện Kế hoạch, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức được 13 cuộc tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân, trong đó có 6 cuộc do đồng chí Bí thư Huyện ủy hoặc Chủ tịch UBND huyện chủ trì. Hầu hết các cuộc đối thoại được thực hiện dưới hình thức đối thoại trực tiếp với người dân, với CB,CC,VC, người lao động như: Đối thoại với các hộ dân thuộc diện di dời đến nơi tái định cư tại xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì; đối thoại với nhân dân về chủ trương cho Công ty cổ phần thương mại Dạ Hợp nghiên cứu khảo sát lập dự án nông nghiệp công nghệ cao, kết hợp trải nghiệm có mục tiêu tại xã Đông Bắc và xã Vĩnh Tiến; đối thoại với Đoàn Thanh niên huyện; đối thoại giải quyết vấn đề đất đai tại thôn Nam Hạ, xã Nam Thượng; đối thoại với nhân dân xã Bình Sơn về việc đầu tư dự án xây dựng công viên nghĩa trang Lạc Hồng; đối thoại giải quyết các vấn đề về xây dựng khu tái định cư tại xã Vĩnh Đồng...

Từng ngành, đơn vị cũng tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu với cán bộ, nhân viên, đoàn viên, hội viên. Cụ thể, lãnh đạo Công an huyện đã tiếp xúc, đối thoại với 28 xã, thị trấn để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo ANTT trong tình hình mới. Hội LHPN huyện tiếp xúc, đối thoại tại 4 xã: Nuông Dăm, Cuối Hạ, Bình Sơn, Vĩnh Tiến. Bên cạnh đó, hàng tháng, hàng quý, cấp ủy huyện tổ chức các kỳ giao ban phản ánh sản xuất tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện do các đồng chí ủy viên BTV Huyện ủy phụ trách vùng chủ trì. Qua những cuộc giao ban này nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và những vấn đề khúc mắc để đưa ra hướng giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Lan tỏa những mô hình Dân vận khéo

Từ sự đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, những năm gần đây, huyện Kim Bôi đã tạo sức bật mới trong công tác dân vận. Theo đó, ngày càng có nhiều mô hình dân vận khéo được ghi nhận. Hiện, toàn huyện đã xây dựng được 743 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực. Trong đó có 374 mô hình về phát triển kinh tế, 208 mô hình về lĩnh vực xã hội, 87 mô hình về AN-QP, 74 mô hình về xây dựng hệ thống chính trị.

Trong lĩnh vực kinh tế, ghi dấu sự thành công trong công tác vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng những cánh đồng thu nhập cao. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã dồn điền, đổi thửa 910,86 ha/9.282,86 ha. Dồn điền, đổi thửa diễn ra sôi nổi ở các xã: Vĩnh Đồng, Đông Bắc, Sơn Thủy, Hợp Đồng, Kim Bôi, Kim Bình, Nam Thượng, Sào Báy và một số xóm của 2 xã Kim Truy, Nuông Dăm. Thực hiện dồn điền, đổi thửa thành công đã tạo nền tảng tốt cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Đến nay, Kim Bôi xuất nhiều mô hình trồng dưa chuột, bí xanh, bí đỏ, lặc lày, củ đậu… cho giá trị kinh tế từ 150 - 200 triệu đồng/ha.

Nói về sự lan tỏa, những hiệu ứng tích cực từ những mô hình dân vận khéo, đồng chí Quách Thị Miến, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Kim Bôi nhấn mạnh vào những thành công từ các cuộc đối thoại được tổ chức trong năm 2018. Đó là cuộc đối thoại giữa Bí thư Huyện ủy với các đoàn viên, thanh niên để tìm ra những khó khăn, vướng mắc mà ĐV-TN gặp phải trong quá trình lập thân, lập nghiệp, cống hiến sức trẻ xây dựng quê hương. Qua cuộc đối thoại, có trên 100 ý kiến được gửi tới người đứng đầu cấp ủy Đảng và các cơ quan liên quan. Sau cuộc đối thoại, nhiều quyết sách mới được đưa ra như: tạo điều kiện về kinh phí cho hoạt động của các tổ chức Đoàn; chỉ đạo các xã, thị trấn bố trí việc làm cho cán bộ Đoàn khi đã hết tuổi Đoàn. Với câu chuyện nóng hổi di dân tái định cư ở xóm Mớ Khoắc, xã Hạ Bì, mặc dù việc di dời là để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước nguy cơ sạt lở đất do thiên tai, thế nhưng một số hộ dân vẫn chùng chằng tính toán chuyện đền bù, hỗ trợ và đã đệ đơn lên đến cấp tỉnh. Chỉ sau khi tổ chức cuộc đối thoại do Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện chủ trì, giải thích cặn kẽ mọi vấn đề, người dân mới chấp thuận và đồng loạt nhận tiền đề bù chỉ một ngày sau cuộc đối thoại...

Sự lan tỏa của những mô hình dân vận khéo ở Kim Bôi đã tạo động lực lớn trong phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN ở địa phương, đặc biệt đã góp phần củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân. Đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi gợi mở: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phổ biến Nghị quyết số 25, ngày 3/6/2013 của BCH T.ư Đảng khóa XI về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Qua đó nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhân dân về công tác dân vận và vận động quần chúng của Đảng. Chỉ đạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các ban, ngành, đoàn thể; đẩy mạnh thi đua dân vận khéo gắn với thực hiện Chỉ thị số 05, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị. Chú trọng biểu dương, khen thưởng các mô hình, tấm gương người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực. Thực hiện và chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong toàn huyện phải chủ động bám, nắm tình hình địa bàn, gắn bó máu thịt với nhân dân để làm tốt công tác vận động quần chúng. Đó sẽ là phương thức hữu hiệu để giữ nhịp cầu nối giữa dân với Đảng.

 

Thúy Hằng

Các tin khác


Góp bài học kinh nghiệm cho Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chiến dịch Hòa Bình diễn ra từ ngày 10/12/1951 - 25/2/1952, là chiến dịch đầu tiên sử dụng lực lượng lớn nhất về bộ binh và các binh chủng trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954) nhằm tiến công địch phòng ngự theo hình thức tập đoàn cứ điểm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, phá tan kế hoạch chiếm đóng Hòa Bình của quân Pháp, đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch ở chiến trường trung du liên khu 3, góp phần làm thất bại âm mưu giành lại quyền chủ động chiến lược và chia cắt chiến trường Bắc Bộ của quân Pháp. Thắng lợi của Chiến dịch Hòa Bình khẳng định khả năng tác chiến ở địa hình rừng núi và khả năng tiến công hệ thống cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc, tạo bước phát triển mới của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Phát huy nhân tố chính trị, tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ trong xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh

LTS: Chiến thắng Điện Biên Phủ (ĐBP) đã qua 70 năm nhưng bài học quý giá về phát huy nhân tố chính trị, tinh thần (CT, TT) vẫn nguyên giá trị. Đây cũng là nhân tố được vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu. Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Quách Đăng Phú, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh về nội dung này.

Quy định của Bộ Chính trị về thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ

Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW (ngày 23/4/2024) quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ (Quy định số 142).

Thí điểm người đứng đầu được giới thiệu nhân sự bầu cử, bổ nhiệm cấp phó

Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 142 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.

Chiến thắng Hòa Bình góp phần quan trọng cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

                             NGUYỄN PHI LONG

Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy 

Tỉnh Hòa Bình có vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hòa Bình là hậu cứ của chiến trường Chiến khu II, Liên khu III, là hành lang giao thông chiến lược giữa Liên khu III, Liên khu IV với Việt Bắc, Tây Bắc.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Đà Bắc

Sáng 4/5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Đà Bắc. Đoàn ĐBQH tỉnh gồm các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước; Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội; Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn; Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục