Theo Ủy ban Bầu cử trung ương, tính đến 19g30 ngày 22-5, tỉ lệ cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đạt 97,1%. Từ miền xuôi đến miền ngược, từ hải đảo đến đồng bằng đâu đâu cũng rộn ràng sắc màu ngày hội non sông.

Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trả lời phỏng vấn báo chí sau khi bỏ phiếu tại điểm bỏ phiếu số 3 P.Nguyễn Du, Q.Hai Bà Trưng, TP Hà Nội - Ảnh: VIỆT DŨNG

Những phụ nữ người dân tộc Ba Na làng Plei Rơ Hai 1, TP Kon Tum hớn hở địu con đi bầu cử sáng 22-5 - Ảnh: TRẦN THẢO NHI

Triệu lá phiếu nhưng tất cả đều chung một mong ước, một kỳ vọng: chọn được người có đức, có tài và có bản lĩnh đưa đất nước tiến lên, đưa toàn dân đến cơm no áo ấm, xây dựng xã hội văn minh, công bằng.

Đúng 7g, sau phần nghi lễ, tại 4.772 điểm bỏ phiếu của Hà Nội đồng loạt phát phiếu để cử tri thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Tại TP Hải Phòng, ở khu vực bỏ phiếu số 3 xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là người đầu tiên bỏ lá phiếu thực hiện quyền công dân của mình.

Các cử tri cùng tổ với Thủ tướng bày tỏ tin tưởng các đại biểu Quốc hội được bầu sẽ có những đóng góp tích cực trong việc hoạch định chính sách, tham gia xây dựng luật pháp; quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... thực hiện ước nguyện của nhân dân, đưa đất nước tiến nhanh và bền vững.

Hà Nội: đi bỏ phiếu và huân chương lấp lánh

Tại điểm bỏ phiếu thuộc trung tâm triển lãm Vân Hồ, P.Lê Đại Hành, Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội), Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị bỏ lá phiếu đầu tiên tại chính khu vực ông ứng cử đại biểu Quốc hội. Ông bày tỏ: “Cá nhân tôi rất vui mừng được ứng cử trong đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội. Nếu trúng cử, tôi sẽ hết sức cố gắng cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP hoàn thành nhiệm vụ cử tri giao phó, đáp ứng được mong đợi của nhân dân”.

Tại nhiều điểm bầu cử của Hà Nội, ngay trong buổi sáng nhiều bậc lão niên, có cụ đã bước qua tuổi 90, 100 và tuổi Đảng cũng ngoài 60, trên ngực lấp lánh huân chương, huy chương cùng con cháu tới các điểm bầu cử để lựa chọn đại biểu của mình.

TP.HCM: người dân hân hoan

Từ sáng sớm, cùng với cử tri cả nước, gần 5 triệu cử tri TP.HCM náo nức đi bầu cử. Nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị - thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh... bỏ phiếu ở TP.

Tại khu vực bỏ phiếu số 38, P.9, Q.3, cử tri - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là người bỏ lá phiếu đầu tiên. Chia sẻ về cảm xúc của mình, Chủ tịch nước nói: “Cũng như hàng triệu cử tri trong cả nước, hôm nay tôi rất tự hào và phấn khởi khi thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Tôi đã suy nghĩ rất kỹ để chọn những đại biểu có uy tín, có tài, có đức để xây dựng địa phương, để góp phần xây dựng, bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước”.

Ở khu vực bầu cử của mình, sau khi bỏ phiếu, ông Trương Tấn Sang bày tỏ kỳ vọng Quốc hội khóa XIII thực hiện thật đầy đủ, xứng đáng chức năng, nhiệm vụ của mình được hiến pháp và pháp luật quy định. Với các đại biểu Quốc hội và HĐND khóa mới, ông Trương Tấn Sang cho rằng hãy thực hiện đúng lời hứa của mình trước nhân dân.

Xếp hàng chờ bỏ phiếu

Hình ảnh đẹp mà chúng tôi ghi nhận tại một số điểm bỏ phiếu khu vực quận Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp (TP.HCM) là cảnh các cử tri xếp thành hàng dài trong trật tự. Các điểm bỏ phiếu đều bố trí những bàn có vách ngăn kín đáo, hai bên vách dán sẵn danh sách, hình ảnh của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND để cử tri tiện đối chiếu, lựa chọn người muốn bầu.

Cũng thực hiện quyền công dân của mình, Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi vừa thực hiện xong quyền và nghĩa vụ của một công dân. Tôi cũng mong bà con cử tri sáng suốt lựa chọn được người đủ đức, đủ tài để xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của nhân dân”.

Tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, hầu hết ngư dân nghỉ một ngày không ra khơi đánh cá để đi bầu cử. Đến trưa cùng ngày, nhiều khu vực bỏ phiếu tại TP.HCM đạt 100% cử tri đi bầu. Nhiều đơn vị bỏ phiếu độc lập thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn TP cũng đạt tỉ lệ bầu cử 100% ngay trong buổi sáng. Đến cuối giờ chiều, các điểm bỏ phiếu độc lập tại các khu ký túc xá, học viện cũng đạt tỉ lệ cử tri đi bầu tuyệt đối.

ĐBSCL: bỏ phiếu trước giờ ra biển

Tại Kiên Giang, trên địa bàn xã đảo Hòn Tre (huyện Kiên Hải), 7g30 đã có nhiều ngư dân bầu cử xong, lỉnh kỉnh đồ đạc xuống tàu chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Trước khi xuống tàu ra khơi, cử tri Nguyễn Thanh Thái nói: “Tôi ưu tiên bỏ phiếu cho những ứng cử viên có chương trình hành động liên quan đến ngư dân, nông dân. Bầu cử đã xong, bây giờ là chuyện mưu sinh hằng ngày của ngư dân chúng tôi”.

Trong khi đó, tại xã tận cùng của Tổ quốc - xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), đến 11g có khoảng 90% trong tổng số 9.826 cử tri của xã đi bầu cử, theo ông Lý Hoàng Tiến - bí thư Đảng ủy xã.

Các huyện thị biên giới gồm Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú và thị xã Tân Châu (An Giang) có khá đông người dân qua Campuchia sinh sống, làm ăn, mua bán nên trong sáng 22-5, tại các cửa khẩu dòng người trở về nhà cho kịp bầu cử đông hơn mọi ngày. Lúc 16g, tỉ lệ cử tri đi bầu ở Tân Châu và Tịnh Biên đạt trên 98%, có nơi đạt 100%. Ông Sorolé - trưởng ban bầu cử số 6 xã Châu Phong, thị xã Tân Châu - cho biết toàn tỉnh An Giang có chín làng Chăm, “dịp bầu cử cũng là dịp bà con chúng tôi tụ họp vui vầy với nhau, thăm bà con thân tộc”.

Tây nguyên: rộn rã núi rừng

Trong khi đó, trên địa bàn Tây nguyên ngày 22-5 nhiều nơi trời đổ mưa to, xua tan bầu không khí oi nồng những ngày trước đó. Khắp các nẻo đường của các buôn làng gần xa, tiếng bước chân người rộn rã.

Thức dậy sớm từ khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy, già làng A Nhưng, thôn Plei Rơ Hai 1, TP Kon Tum, phấn khởi:”Để ngày hôm nay cử tri của làng đi bỏ phiếu, mình đã nhắc nhở bà con: muốn trở lên rẫy phải đi bỏ phiếu trước đã”.

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lai Châu đi bầu cử - Ảnh: HOÀI SƠN

Tại ngã ba biên giới Đông Dương (làng Đak Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, nơi tiếp giáp Lào và Campuchia), bà Nàng Nang và ông Thao Phết (người Brâu) đắn đo “vì ai cũng thật xứng đáng nên gạch tên người nào mình cũng thấy tiếc, phải suy nghĩ cho kỹ”. Ông Thao Phết nói nếu không có sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước thì người Brâu đã bị tàn lụi và có lẽ bây giờ vẫn còn sống lẩn khuất trong những cánh rừng già, du canh du cư.

Ở Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, bà con cử tri cũng nô nức đi bầu cử và phần lớn hoàn thành trong buổi sáng.

 Các tỉnh miền núi phía Bắc: sắc màu lễ hội

Thời tiết Lào Cai và các tỉnh lân cận ngày 22-5 khô ráo và mát mẻ. Từ sớm, cử tri các dân tộc Mông, Dao, Giáy, Nùng... ở các huyện, xã vùng cao biên giới Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương... rợp đường cùng nhau đi bỏ phiếu. Ở xã Cam Đường vừa bị thiệt hại nặng do lũ quét tràn qua, 3.851 cử tri đã đi bỏ phiếu tại tám điểm bầu cử.

Tại Điện Biên, cùng cử tri 154 tổ bầu cử trên địa bàn huyện Mường Nhé, bà con các dân tộc vùng sâu vùng xa như Sín Thầu, Chung Chải, Nà Bủng, Leng Su Sìn, cử tri các dân tộc Mông, Hà Nhì, Thái tưng bừng trong các trang phục nhiều màu sắc đến các điểm bầu cử. Sắc màu rực rỡ trải dài ở mọi ngõ ngách huyện, xã, bản làng các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Cao Bằng...

                                                                                    Theo Tuổi trẻ

Các tin khác


Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Yên Thủy

Sáng 6/5, tại xã Lạc Thịnh, huyện Yên Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đồng chí; Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Hoàng Đức Chính, Bí thư Huyện uỷ Lạc Sơn đã tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV tại huyện Yên Thủy. Dự hội nghị TXCT có các đồng chí: Bùi Văn Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh...

Đổi mới công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi, thời gian qua, công tác dân vận ở vùng ĐBDTTS được hệ thống chính trị các cấp của tỉnh chú trọng thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục