Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc cầu cho quốc thái, dân an.

Lễ tế trời đất trên núi Ngũ Nhạc cầu cho quốc thái, dân an.

(HBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất trù phú, nơi hợp tụ của 6 con sông (Lục đầu giang) được mang cái tên Chí Linh hàm chứa ý nghĩa là chốn địa linh, nơi khí thiêng hội tụ. Quả thực có đến, đắm mình với đất, với trời, với người ở vùng đất này mới cảm nhận được cái khí thiêng sông núi ấy vẫn đang cuồn cuộn chảy.

 

Nơi “muôn quân nghìn tướng chầu về”  

Nằm ở phía bắc tỉnh Hải Dương, Chí Linh là vùng đất núi sông trù phú, là chốn hợp tụ của 6 con sông gồm sông Đuống, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Kinh Thầy và sông Thái Bình. Khi nói đến vùng đất Chí Linh, thường thì người ta nghĩ ngay đến Côn Sơn - Kiếp Bạc, nơi gắn với hai vị anh hùng của dân tộc Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi. Đây cũng là hai khu quần thể di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Sử sách còn ghi, thời Trần, vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang. Sang thời Lê đổi thành huyện Phượng Nhãn, thuộc thừa tuyên Bắc Giang, sau là trấn Kinh Bắc, nay thuộc thị xã Chí Linh (Hải Dương). Đây được xem là chốn địa linh nhân kiệt hiếm có. Sách “Cao Biền di cảo và “Chí Linh phong vật chí”  chép rằng: Côn Sơn, Kiếp Bạc mạch tự Huyền Đinh, thế ngăn Đông Bắc, bốn phương quy phục, núi sông kỳ hình, kỳ dạng, long bàn, hổ cứ như muôn quân, nghìn tướng chầu về... ở đất này sẽ được hưởng phúc muôn đời. Với thế núi, thế  sông ấy, Côn Sơn - Kiếp Bạc được coi là vùng đất linh thiêng, quần tụ đủ “tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang”. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với vùng đất này. Không những thế, với thế núi, dáng sông long bàn, hổ cứ, vùng đất này đã trở thành nơi hội tụ những chiến công lẫy lừng qua nhiều triều đại.  

         Xin chữ đầu xuân ở chốn địa linh Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Côn Sơn là mảnh đất có lịch sử lâu đời. Hơn một nghìn năm trước, Định Quốc công Nguyễn Bặc, thượng thủy tổ dòng họ Nguyễn Trãi đã chọn nơi đây để lập căn cứ đánh sứ quân Phạm Phòng át, giúp Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước năm 968. Trong các cuộc chiến tranh giành lại nền độc lập, quân và nhân dân các triều đại tiếp sau đã thường chọn vùng đất Côn Sơn - Kiếp Bạc làm căn cứ đánh giặc. Trong đó, đặc biệt phải kể đến những chiến công của quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông và cuộc kháng chiến 10 năm chống quân Minh xâm lược của nghĩa quân Lam Sơn. Với thế “rồng vươn, hổ phục” lại có “tứ đức, tứ linh”, trong quá khứ, Kiếp Bạc cũng đã trở thành một địa danh lừng lẫy ở chốn “Lục Đầu giang”. Trải suốt chiều dài lịch sử đấu tranh chống quân xâm lược phương Bắc, Kiếp Bạc luôn là vị trí chiến lược có vai trò vô cùng quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ thứ XIII, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã chọn Vạn Kiếp để đặt đại bản doanh, xây dựng phủ đệ. Với tài thao lược của mình, ông đã biến vùng đất chiến lược thành một trong những “quyết chiến điểm” cùng với những Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp và cuối cùng là trận Bạch Đằng để đập tan quân xâm lược Nguyên Mông được coi là đội quân hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.   

Không chỉ là vùng đất có vị trí chiến lược về mặt quân sự, Côn Sơn - Kiếp Bạc cũng luôn được coi là vùng danh sơn huyền thoại với những thắng cảnh tuyệt vời, những di tích cổ kính gắn liền với thân thế, sự nghiệp lẫy lừng của của hai vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc là Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi và nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc như Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang...

 Linh thiêng chốn thiền định           

Anh bạn cùng thời đại học với tôi hiện đang làm ở Báo Hải Dương cũng là người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất địa linh này cho biết: Côn Sơn là chốn của thông và là nơi để con người ta tìm về với sự thiền định vân du kỳ ảo trong tâm thế của cõi Phật bình an, tự tại. Đến Côn Sơn, kể từ khi gặp gốc thông đầu tiên thì từ đó trở đi chỉ có màu của thông. Thông ở Côn Sơn là thông đuôi ngựa, lá kim, thân thẳng, tán xum xuê. Có cây nom như gã trai gân guốc và vạm vỡ nhưng niên đại đã nhiều trăm năm tuổi. Nếu về đây vào ngày hội hoặc tuần rằm, chỉ cần thoáng vẳng nghe tiếng chuông chùa khói hương bảng lảng quện với tán thông già sẽ thấy lòng thanh thản lạ kỳ. Dù được sinh ra và lớn lên ở đây, không biết bao nhiêu lần đi về vùng đất địa linh này nhưng anh bạn tôi lần nào cũng thấy hồi hộp, ngỡ ngàng trước cảnh sắc cứ như thực, như mơ trong cái linh thiêng của tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh gõ mõ vẳng lên rồi chợt tan vào hư vô thật yên bình.  

Côn Sơn - Kiếp Bạc trước mùa lễ hội.

Cùng với Yên Tử, Quỳnh Lâm và Thanh Mai, Côn Sơn cũng được xem là nơi khởi phát, chốn tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Một thiền phái mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Chính ở nơi đây, Đệ nhất tổ Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông; Đệ nhị tổ Pháp Loa tôn giả; Đệ tam tổ Huyền Quang tôn giả đều đã về đây thuyết pháp, phát triển giáo giới, xây dựng chốn tổ đình thành một thiền viện lớn từ thời đại nhà Trần. ở đây trong thời kỳ “tam giáo đồng nguyên” (Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo) cùng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ nhưng thấm đẫm bản sắc văn hóa Việt, đều để lại những dấu ấn trên mỗi công trình xây dựng qua phong cách kiến trúc và từng đường nét chạm khắc tinh tế ở các bia đá, tượng thờ, hoành phi, câu đối. Sự đan xen, hòa hợp giữa các thời kỳ văn hóa Lý - Trần, Lê - Nguyễn vẫn tồn tại trong các tầng, lớp văn hóa vật thể và phi vật thể ở Côn Sơn.  

Với cảnh sắc như chốn đào nguyên thoát tục, Côn Sơn đã thực sự trở thành nơi vân du ẩn dật, tu tâm dưỡng trí của các bậc danh nhân tiêu biểu cho tâm hồn, khí phách, tinh hoa văn hóa của dân tộc trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau như quan Đại tư đồ phụ chính Nguyên Đán là nhà thơ, nhà lịch pháp lớn thời Hậu Trần đã về Côn Sơn dựng Thanh Hư Động để lui nghỉ những năm cuối đời. Thời Lê sơ, vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi cũng đã có nhiều năm sống gắn bó chan hòa cùng thiên nhiên tạo vật ở Côn Sơn. Để sau đó bậc minh quân Lê Thánh Tông rồi đến thánh thơ Cao Bá Quát (thời Nguyễn)... đều đến đây tìm lại dấu vết ức Trai (tên hiệu của Nguyễn Trãi - NV).  

Có thể nói, chính cảnh sắc thiên nhiên và con người đã tạo dựng cho Côn Sơn thành một “Đại thắng tích” với núi Kỳ Lân và Ngũ Nhạc, với rừng thông bát ngát, suối chảy rì rầm trong mát, có bàn cờ tiên, giếng ngọc, có chùa Hun, am Bạch Vân, đền Nguyễn Trãi, động Thanh Hư... thâm nghiêm u tịch đã hòa hợp thành miền thắng cảnh giàu bản sắc văn hóa, tráng lệ, tôn nghiêm như là một nơi đặt niềm tin nhân thế ở cõi thiền định hư vô nơi khí thiêng hội tụ.

 

                                                                                Mạnh Hùng

              

 

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục