Kiểm tra khả năng vận hành mạng lưới điện hạ áp nông thôn  trên địa bàn xã Nam Thượng (Kim Bôi).

Kiểm tra khả năng vận hành mạng lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn xã Nam Thượng (Kim Bôi).

(HBĐT) - Theo chỉ đạo của Chính phủ về việc bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) tại các xã thuộc Dự án Năng lượng nông thôn II (Dự án REII), đến hết năm 2015, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn và ngành điện phải hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao LĐHANT.

 

Trong khi đó, đến thời điểm này tỉnh ta vẫn còn 12/53 đơn vị quản lý điện nông thôn chưa đồng ý bàn giao tài sản LĐHANT cho Công ty Điện lực Hòa Bình quản lý. Đây là những “nút thắt” cần khẩn trương tháo gỡ để tỉnh có thể hoàn thành công việc này cho ngành điện quản lý - một chủ trương đúng đắn của Chính phủ nhằm khắc phục những hạn chế trong việc cung cấp điện, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân nông thôn khi sử dụng điện lưới quốc gia.

Dự án Năng lượng nông thôn II (REII) do Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), UBND các tỉnh liên quan thực hiện được triển khai tại 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đối với  phần hạ áp, mục tiêu của dự án là cải tạo, nâng cấp và mở rộng lưới điện nông thôn, đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho việc phát triển KT-XH khu vực nông thôn; nâng cao chất lượng lưới điện hạ thế, giảm tổn thất điện năng trên lưới điện, hạ giá bán điện tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực quản lý điện nông thôn tại các xã có dự án. Sau khi dự án hoàn thành, Ban Quản lý dự án đã bàn giao công trình cho các đơn vị quản lý điện nông thôn trên địa bàn (các HTX dịch vụ điện năng) quản lý, vận hành kinh doanh điện. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cho thấy nhiều HTX không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định, hiệu quả quản lý, vận hành và kinh doanh thấp, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ và khả năng đầu tư nâng cấp mạng lưới điện hạ áp nông thôn. Chính vì vậy, Chính phủ đã có chủ trương bàn giao tài sản LĐHANT cho ngành điện quản lý. Theo Quyết định số 854/QĐ-TTg ngày 10/7/2012, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đến hết năm 2015, các tổ chức kinh doanh điện nông thôn và ngành điện phải hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao LĐHANT. Đây là chủ trương lớn nhằm bảo đảm cho mọi khu vực nông thôn được sử dụng điện lưới quốc gia với mức giá quy định của Chính phủ, không phải chịu những chi phí qua các cấp trung gian; đồng thời hệ thống điện tại những khu vực bàn giao sẽ được đầu tư nâng cấp để nâng cao tính ổn định, an toàn và liên tục trong việc cấp điện, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng.  

Đồng chí Hà Văn Dần, Giám đốc Công ty Điện lực Hòa Bình cho biết: Thực hiện chủ trương bàn giao LĐHANT về ngành điện quản lý, để tránh việc bàn giao kéo dài vô thời hạn và tập trung cải tạo LĐHANT sau tiếp nhận, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các đơn vị kinh doanh điện nông thôn của địa phương có kế hoạch bàn giao LĐHANT trong năm 2015. Kể từ năm 2016 trở đi, nếu các bên có nhu cầu bàn giao thì tự thỏa thuận giữa các tổ chức kinh doanh điện nông thôn với các đơn vị điện lực theo quy định của pháp luật. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, tỉnh ta đang bị chậm tiến độ. Trong 53 xã thuộc Dự án REII (phần hạ áp), đến nay mới thực hiện bàn giao LĐHANT trên địa bàn 34 xã cho Công ty Điện lực Hòa Bình quản lý. Còn lại 19 công trình chưa bàn giao, trong đó, đáng chú ý là 12 đơn vị hiện chưa đồng ý bàn giao lưới điện.  

Để có cơ sở tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về việc bàn giao vốn và tài sản đối với 19 công trình còn lại cho ngành điện quản lý, đoàn kiểm tra liên ngành các sở Công Thương, Tài chính và Liên minh HTX tỉnh đã tiến hành kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động kinh doanh của các đơn vị này. Kết quả kiểm tra đối với 12 đơn vị chưa đồng ý bàn giao lưới điện cho thấy nhiều mặt hạn chế như: số lượng cán bộ, thành viên không đảm bảo theo quy định Luật HTX năm 2012 (4/12 đơn vị); không thực hiện đóng BHXH cho thành viên (5/12 đơn vị); không thực hiện kiểm định lại công tơ điện theo quy định (8/12 đơn vị); chưa lập đầy đủ hệ thống sổ sách kế toán theo quy định (11/12 đơn vị); thực hiện chi trả lương cho cán bộ, thành viên thấp hơn mức lương tối thiểu vùng quy định (11/12 đơn vị). Đặc biệt, có 10/12 đơn vị đã bán sai giá điện với tổng số tiền trên 495 triệu đồng; 11/12 đơn vị chưa nộp đầy đủ tiền thuế giá trị gia tăng theo quy định hiện hành Trong khi đó, nguyên nhân chính của việc 12 đơn vị này chưa đồng ý bàn giao công trình điện là do các đơn vị cho rằng hiệu quả hoạt động những năm vừa qua vẫn đảm bảo và tự tin sẽ thực hiện tốt phương án sản xuất kinh doanh những năm tiếp theo, đảm bảo khả năng hoàn trả vốn vay cho Dự án REII theo đúng quy định.  

Được biết, theo cam kết thực hiện Dự án REII, sau khi dự án hoàn thành, nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới sẽ do các đơn vị tiếp nhận quản lý vận hành mạng lưới điện chịu trách nhiệm trả nợ trong 15 năm (bao gồm nợ gốc, phí và lãi). Đối với 12 đơn vị trên, nếu không bàn giao lưới điện cho Công ty Điện lực Hòa Bình quản lý, các đơn vị sẽ phải cam kết trả nợ vốn vay Ngân hàng Thế giới tổng số tiền trong 15 năm khoảng trên 47 tỷ đồng. Trong trường hợp đơn vị không đủ khả năng trả nợ, ngân sách địa phương sẽ phải gánh khoản nợ này.  

Đồng chí Bùi Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Công Thương nhấn mạnh: Kết quả kiểm tra các đơn vị chưa bàn giao LĐHANT cho thấy, tổng số tiền thực tế còn lại từ kết quả hoạt động kinh doanh của các đơn vị (nếu thu, chi đúng quy định) không đủ để hoàn trả vốn vay Ngân hàng Thế giới đầu tư cho công trình và thực hiện đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng lưới điện phục vụ nhu cầu cấp điện trên địa bàn. Vì vậy, các cơ quan chức năng liên quan đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh ban hành quyết định bàn giao vốn và tài sản 19 công trình điện do 19 đơn vị quản lý điện nông thôn đang quản lý cho Công ty Điện lực Hòa Bình. Tuy nhiên, thực tế đang tồn tại những nút thắt chưa được tháo gỡ nên việc bàn giao chưa được thực hiện theo kế hoạch đề ra. Đối với vấn đề này, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là: Khi các đơn vị kinh doanh điện không hiệu quả, không đáp ứng điều kiện về năng lực tài chính và không đủ khả năng duy trì lưới điện an toàn, ổn định để cấp điện cho người dân thì nhất thiết phải bàn giao lưới điện cho ngành điện quản lý. Tuy chính quyền không cưỡng chế việc bàn giao nhưng các HTX chưa đồng ý bàn giao lưới điện cần nhận thức thấu đáo vấn đề để có những cái bắt tay hữu hiệu với ngành điện, hướng đến mục đích chung là đảm bảo nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống LĐHANT, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển KT-XH của các địa bàn được hưởng lợi.  

12 HTX Dịch vụ điện năng chưa đồng ý bàn giao LĐHANT đang hoạt động trên địa bàn các xã: Dân Hòa, Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn), Hợp Hòa, Tân Thành, Thanh Lương (huyện Lương Sơn), Sào Báy, Kim Bình, Nam Thượng (huyện Kim Bôi), Bảo Hiệu, Ngọc Lương, Yên Trị (huyện Yên Thủy), Thu Phong  (huyện Cao Phong).

 

                                                               Thu Trang

 

 

Các tin khác


UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục