(HBĐT) - Tỉnh ta có nhiều sản phẩm hàng hóa nông sản, đặc sản, truyền thống nổi bật mang giá trị cao đã được xây dựng, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung cung cấp cho thị trường và phục vụ chế biến nông sản. Do đó góp phần đem lại hiệu quả tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Để xây dựng thương hiệu, niềm tin với người tiêu dùng, tỉnh đã định hướng xây dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) cho các sản phẩm nông sản, đặc sản và truyền thống trên địa bàn.

 

Sản phẩm nhãn Sơn Thủy (Kim Bôi) được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể mở ra cơ hội có thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập cho người trồng nhãn nơi đây.

Cơ hội cho đặc sản địa phương

 

Cây nhãn Hương Chi được đưa về đồng đất Sơn Thuỷ (Kim Bôi) từ những năm 90 của thế kỷ trước với diện tích 2, 5 ha. Do những khó khăn về thị trường, giá cả, kiến thức thâm canh của người sản xuất nên diện tích nhãn tăng chậm, đến năm 2010 mới có 38 ha. Trong 5 năm trở lại đây, người dân xã Sơn Thủy đã mạnh dạn lựa chọn, đưa cây nhãn Hương Chi vào trồng thay thế một số cây màu cho năng suất thấp. Với sự hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, diện tích nhãn đã tăng mạnh. Đến nay, diện tích nhãn tập trung của toàn xã  có 107, 4 ha và đang tiếp tục mở rộng, đưa loại cây này trở thành cây chủ lực. Trong đó có 51 ha nhãn trong thời kỳ kinh doanh năng suất khoảng 15 tấn /ha, cho thu nhập từ 250-350 triệu đồng /ha góp phần quan trọng nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Để hỗ trợ mở rộng sản xuất, xây dựng thương hiệu nhãn Sơn Thuỷ, năm 2015, xã Sơn Thuỷ thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp với 35 thành viên tham gia. Các thành viên đều có diện tích trồng nhãn. Được sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, đến nay, sản phẩm nhãn Sơn Thuỷ đã được cấp nhãn hiệu tập thể (NHTT) và được đăng ký bảo hộ SHTT. HTX cũng được cấp chứng nhận bảo đảm đủ điều kiện ATTP với diện tích 34 ha.

 

Ông Bùi Văn Miển, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thuỷ cho biết: Sản phẩm nhãn Sơn Thuỷ được cấp giấy chứng nhận NHTT là sự ghi nhận phát triển thương hiệu nhãn của vùng đất Sơn Thủy được người tiêu dùng ưa chuộng. Với chứng nhận NHTT sẽ hạn chế những rủi ro về biến động giá và mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng thương hiệu hàng hóa cho nông sản, góp phần tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

 

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có 8 sản phẩm được Cục SHTT cấp văn bằng SHTT, trong đó có 7 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận NHTT gồm: Rượu cần, thổ cẩm Mai Châu, mía tím, hạt dổi Lạc Sơn, rau quả hữu cơ Lương Sơn, su su Tân Lạc, nhãn Sơn Thủy – Kim Bôi và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Cao Phong. Đây là niềm tự hào về những sản phẩm đặc sản, truyền thống của tỉnh được bảo hộ, tăng thêm cơ hội quảng bá, phát huy uy tín và gìn giữ tinh hoa dân tộc, đặc biệt là hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT -XH địa phương.

 

Cần thiết phải bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với đặc sản

 

Ngoài các cơ hội về kinh doanh, thương mại, việc đăng ký bảo hộ SHTT cho các sản phẩm nông sản ở tỉnh còn có ý nghĩa rất quan trọng góp phần cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, xã hội của người dân tại địa phương có sản phẩm được đăng ký. Tuy nhiên hiện nay, việc xây dựng NHTT ở các địa phương trong tỉnh còn gặp một số vướng mắc. Do các doanh nghiệp SX -KD trên địa bàn tỉnh hoạt động quy mô vừa và nhỏ nên chưa chú trọng đến hoạt động bảo hộ quyền SHTT. Công tác quản lý, phát triển NHTT, chỉ dẫn địa lý còn gặp khó khăn trong việc kiểm soát, in ấn và gắn tem nhãn cũng như phát triển, mở rộng thị trường do thiếu kinh phí, kinh nghiệm hoạt động và đồng bộ trong quản lý...

 

Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Giám đốc Sở KH &CN cho biết: Các biện pháp trước mắt là cần đánh giá đúng tầm quan trọng của SHTT và có chiến lược bảo vệ những tài sản trí tuệ của mình; tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo, phổ biến kiến thức về SHTT thông qua các lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của các thành viên trong tổ chức tập thể, tổ chức Hiệp hội, HTX, cán bộ quản lý các cấp ở địa phương có đăng ký NHTT nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

 

Tuy nhiên, khi các sản phẩm nông sản, đặc sản, truyền thống đã được bảo hộ quyền SHTT thì hoạt động quản lý, khai thác và phát triển quyền SHTT đối với các NHTT đã được bảo hộ cũng là một thách thức vô cùng quan trọng đối với các tổ chức, tập thể, chủ sở hữu. Do vậy, để quản lý, khai thác và phát triển NHTT một cách hiệu quả, các tổ chức tập thể, HTX, hiệp hội, hội sở hữu NHTT cần tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con ở những vùng có đặc sản tích cực tham gia vào các hội, hiệp hội, làng nghề, HTX để cùng nhau xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu các đặc sản truyền thống. Chính quyền địa phương nơi có đặc sản nên có chính sách khuyến khích, hỗ trợ bà con chọn lựa, khôi phục cây con giống. Các chủ sở hữu NHTT phải nghiên cứu, tìm tòi, thống nhất lựa chọn phương pháp quản lý NHTT phù hợp với tổ chức của mình, tiến hành quản lý tốt việc sử dụng, khai thác và phát triển NHTT của các thành viên. Tiếp tục tuyên truyền và quảng bá các đặc sản sau khi đăng ký SHTT với nhiều hình thức khác nhau. Có sự liên kết để tạo ra mạng lưới phân phối chặt chẽ, nghiêm ngặt và có hiệu quả tại các siêu thị, trung tâm thương mại và cũng phải tính đến cả xuất khẩu để đặc sản thực sự phát huy thế mạnh và tạo nên thương hiệu mạnh của địa phương.

 

 

                                                                   Đinh Thắng

 

 

Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục