Từ khi thành lập nước (năm 1945) cho đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo luôn được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, coi đó là mục tiêu quan trọng và xuyên suốt quá trình phát triển đất nước. Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (năm 1991) đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (năm 2016), trong các nghị quyết đại hội, các chỉ thị, kết luận của Trung ương đã chỉ rõ chủ trương, đường lối về giảm nghèo bền vững theo nhiều chiều cạnh khác nhau.

 

Tỷ lệ hộ nghèo giảm gần 4%/năm

Trước hết, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là đối với vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Đã dành nguồn lực thích đáng cho việc giải quyết những nhu cầu cấp bách, đặc biệt là về kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội; xây dựng và phát triển quỹ xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước; giúp người nghèo vốn tín dụng, tập huấn kỹ năng sản xuất; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở; ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia…

Riêng đối với vùng Tây Bắc, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta xác định giảm nghèo vùng Tây Bắc là mục tiêu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của đất nước và đã có nhiều chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo cho vùng. Theo Quyết định số 96-QĐ/TW ngày 28-5-2012 của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Bắc chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát các tỉnh thuộc khu vực vùng Tây Bắc, bao gồm 8 tỉnh phía Đông Bắc (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Phú Thọ và Tuyên Quang), 4 tỉnh phía Tây Bắc (Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) và 21 huyện phía Tây của 2 tỉnh Thanh Hóa (11 huyện) và Nghệ An (10 huyện). Tây Bắc có hơn 11,6 triệu người thuộc hơn 30 dân tộc anh em, trong đó có khoảng 63% là đồng bào dân tộc thiểu số. Vùng Tây Bắc có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng; có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ.

Cho đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo trong vùng Tây Bắc đã thu được những kết quả rất tích cực, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2016, giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Bắc đã giảm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010, còn khoảng 15% vào cuối năm 2015 (bình quân giảm gần 4%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo thuộc vùng theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trong vùng Tây Bắc đã giảm xuống còn khoảng 26% cuối năm 2015 (bình quân giảm khoảng 6%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo của các xã được hỗ trợ đầu tư theo Chương trình 135 cũng đã giảm từ 3-5% mỗi năm, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 21 xã đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu theo Chương trình 135.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử tỉnh Điện Biên.

Giảm nghèo chưa bền vững

Tuy đạt được những kết quả tích cực nhưng do điều kiện địa lý, tự nhiên và kinh tế-xã hội, hiện nay, Tây Bắc vẫn là vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Kết quả tổng điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước năm 2010 cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo của Tây Bắc là 34,58%, cao gấp 2,44 lần tỷ lệ chung của cả nước. Đến năm 2015, tỷ lệ này theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước. Trong đó, một số tỉnh trong vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước và hơn 40-50% như Điện Biên: Năm 2010 là 50,01%, năm 2015 theo chuẩn mới là 48,14%; Lai Châu: Năm 2010 là 46,78%, năm 2015 theo chuẩn mới là 40,40%; Hà Giang: Năm 2010 là 41,80%, năm 2015 theo chuẩn mới là 43,65%; Cao Bằng: Năm 2010 là 38,06%, năm 2015 theo chuẩn mới là 42,53%.

Toàn vùng có 45 huyện nghèo/ 64 huyện nghèo của cả nước được hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27-12-2008 của Chính phủ (năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 43 huyện là 57,52% (1), cao gấp 4,05 lần bình quân chung cả nước và số hộ nghèo chiếm 75,84% so với tổng số hộ nghèo của 64 huyện nghèo; năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân theo chuẩn mới của 45 huyện là 49,98%, cao gấp 5,06 lần bình quân chung cả nước và số hộ nghèo chiếm 75,81% so với tổng số hộ nghèo của 64 huyện nghèo).

Theo đánh giá của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2016) cho thấy, mặc dù được ưu tiên đầu tư so với các địa phương khác (2), công tác giảm nghèo tại Tây Bắc vẫn còn nhiều hạn chế như: Kết quả giảm nghèo chưa mang tính bền vững; tốc độ giảm nghèo giữa các tỉnh, huyện không đồng đều, thiếu tính bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao. Công tác lãnh đạo triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tại một số địa phương trong vùng còn bị động, thiếu tính sáng tạo và chưa thực sự quyết liệt. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ ở các huyện nghèo còn lúng túng, chậm tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân. Nguồn lực đầu tư cho các chương trình, dự án giảm nghèo, dạy nghề cho lao động nông thôn, vốn vay giải quyết việc làm chưa thực sự đáp ứng so với yêu cầu. Một số địa phương phụ thuộc chủ yếu vào nguồn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, chưa cân đối, bố trí được nguồn ngân sách địa phương và chưa thực hiện tốt công tác huy động nguồn lực hỗ trợ từ các doanh nghiệp, xã hội, cộng đồng, người dân... vào thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn. Các hoạt động đầu tư tại một số địa phương trong vùng còn nặng về các công trình đầu tư với yêu cầu về quy mô và nguồn lực lớn, các công trình quy mô vừa và nhỏ phục vụ cho các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất chưa được chú trọng…

Những hạn chế trên có nguyên nhân khách quan từ đặc điểm điều kiện tự nhiên khắc nghiệt của vùng và nguyên nhân chủ quan từ người nghèo trong vùng Tây Bắc(3) song có nhiều nguyên nhân thuộc về cơ chế, chính sách giảm nghèo đối với vùng Tây Bắc như:(i) Tư duy hỗ trợ đối với người nghèo vẫn chủ yếu là cho không, từ đó chưa tạo ra động lực vươn lên thoát nghèo cho người dân; (ii) Một số chính sách chưa phù hợp với đặc điểm vùng dân tộc thiểu số nên hiệu quả tác động chưa cao, ví dụ như: Chính sách khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng, chính sách khuyến công thu hút đầu tư vào vùng còn hạn chế, chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chính sách cử tuyển chưa gắn với sử dụng sau đào tạo, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú (4)...; (iii) Nguồn lực đầu tư chưa đủ mạnh, đặc biệt là nguồn lực đầu tư đối với huyện nghèo. Mức hỗ trợ đầu tư còn thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; (iv) Việc phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở còn chưa thực sự triệt để và rõ ràng; (v) Chưa có nhiều mô hình liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm giữa nhà khoa học-nhà nông và doanh nghiệp nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất hàng hóa, tạo việc làm tăng thu nhập cho người dân trong vùng; (vi) Mức cho vay phát triển sản xuất, cho vay tạo việc làm thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của người nghèo.

Cần thay đổi mạnh mẽ về tư duy và phương pháp

Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều sang nghèo đa chiều, công tác giảm nghèo đa chiều bền vững tại Tây Bắc đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi cần có những thay đổi mạnh mẽ về tư duy và phương pháp tổ chức thực hiện.

Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng được nêu trong các văn kiện Đảng, đặc biệt là triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo đa chiều bền vững cho vùng Tây Bắc, thời gian tới, công tác chỉ đạo giảm nghèo đối với vùng Tây Bắc cần có những đổi mới về chính sách từ Trung ương cho đến địa phương.

Sáu giải pháp lớn đối với Trung ương

Đối với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương: Cần ưu tiên tập trung nguồn lực tối đa và có chính sách “đặc thù” cho giảm nghèo vùng Tây Bắc, đồng thời cần lựa chọn thứ tự ưu tiên để triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các kết luận đang triển khai, bảo đảm các kết luận được thực thi trên thực tế phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo vùng Tây Bắc.

Nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình, dự án lớn trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung và giảm nghèo nói riêng đối với vùng Tây Bắc. Thực hiện tích hợp, lồng ghép các chính sách giảm nghèo, trước hết là chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo vươn lên thoát nghèo, thông qua hình thức tăng thêm nguồn lực đối với những địa bàn thực hiện tốt; cắt giảm các huyện, xã thực hiện đạt hiệu quả thấp.

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng: Chính sách giảm nghèo phải chú trọng đúng mức việc tăng phúc lợi cho người nghèo bên cạnh việc tăng thu nhập; không ban hành các chính sách hỗ trợ sinh kế bình quân, dàn trải mà chỉ hỗ trợ thông qua các mô hình sinh kế cho hộ nghèo do cấp xã làm chủ, đồng thời xây dựng cơ chế thực hiện mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn; ưu tiên đầu tư cho các hộ đăng ký phấn đấu thoát nghèo để hoàn thành mục tiêu giảm hộ nghèo theo kế hoạch. Nghiên cứu, đề xuất chuyển một số chính sách cho không, cấp không sang chính sách cho vay ưu đãi, cho vay không có điều kiện; tích hợp các chính sách liên quan đến giảm nghèo. Áp dụng cơ chế quản lý bảo toàn nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện các mô hình giảm nghèo ở các địa phương để có điều kiện nhân rộng mô hình và tăng trách nhiệm sử dụng vốn của các hộ nghèo.

Đổi mới về cơ chế quản lý, điều hành theo hướng phân cấp và trao quyền triệt để cho các địa phương trong công tác giảm nghèo theo hướng: Trung ương ban hành chính sách khung và giao ngân sách tổng thể trung hạn; cấp tỉnh quyết định các chính sách cụ thể, phương thức thực hiện và phân khai ngân sách cho cấp huyện; cấp huyện quyết định các hoạt động hỗ trợ hoặc công trình được đầu tư trên cơ sở đề nghị của cấp xã, cộng đồng dân cư. Tăng cường sự tham gia của người dân về các hoạt động giảm nghèo từ việc xác định đối tượng thụ hưởng đến việc lập kế hoạch, triển khai thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả.

Ban hành chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh nông, lâm nghiệp, du lịch, dịch vụ có khả năng tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn các huyện nghèo, để giúp các huyện nghèo giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn.

Các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần làm gì?

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự thống nhất thực sự trong nhận thức, hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân về mục tiêu, vai trò và trách nhiệm của từng chủ thể trong công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; khắc phục tâm lý ỷ lại, tạo ý chí vươn lên thoát nghèo và làm giàu hợp pháp của người dân.

Các cấp ủy Đảng cần tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả những chủ trương và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo vùng Tây Bắc của Đảng; các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các chính sách giảm nghèo dựa vào đặc thù văn hóa, kinh tế, xã hội của các nhóm dân tộc khác nhau, các địa phương khác nhau thuộc vùng Tây Bắc; phân loại các đối tượng thụ hưởng để có các hình thức hỗ trợ phù hợp; bổ sung các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng tái định cư; bãi bỏ các chính sách hỗ trợ nhỏ lẻ, manh mún...

Huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho chương trình việc làm và giảm nghèo gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng đầu tư cho các địa bàn khó khăn nhất, vùng có nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số; ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng ở các địa bàn này và coi đây là khâu đột phá để nâng cao khả năng kết nối các địa phương này với thị trường.

Tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ ở cơ sở; tiếp tục thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ từ vùng đồng bằng, từ những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển đến vùng trung du miền núi phía Bắc nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật… để phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Thí điểm chủ trương xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương có nhiều hộ nghèo bằng cách đầu tư qua những hộ gia đình khá giả, những hộ có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có khả năng tổ chức sản xuất làm đầu kéo, tác động lan tỏa, tạo việc làm.

Nghiên cứu, thí điểm thực hiện chính sách bảo đảm lương thực và các dịch vụ xã hội cơ bản đối với hộ gia đình được giao chăm sóc, bảo vệ rừng, bảo vệ biên giới.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp vùng Tây Bắc để tạo hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

 

                                                Theo báo Quân đội nhân dân

 

 

Các tin khác


Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,39% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh ước đạt 160,596 triệu USD, tăng 0,65% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 477,568 triệu USD, tăng 36,39% so với cùng kỳ, thực hiện 23,88% kế hoạch năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục