(HBĐT) - Ngày 19/10, tiếp tục chương trình làm việc với các địa phương về công tác khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã đi khảo sát thực tế tại một số địa bàn thuộc huyện Lương Sơn và Kim Bôi. Sau đó, làm việc với lãnh đạo UBND huyện và các đơn vị liên quan để đôn đốc triển khai các công việc cấp bách trong thời gian tới.

Đoàn công tác kiểm tra công trình kè chống sạt lở sông Bùi đoạn qua Tiểu khu 4 (Thị trấn Lương Sơn). Công trình bị nước lũ đánh mạnh gây sạt lở, hư hỏng nặng

Làm việc với UBND huyện Lương Sơn, đoàn công tác ghi nhận sự chủ động của huyện trong triển khai công tác phòng chống thiên tai, ứng phó cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn trong đợt mưa lũ vừa qua. Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo thu hoạch nhanh diện tích vụ mùa, hè thu trước khi đợt áp thấp nhiệt đới xảy ra trên địa bàn nên giảm được đáng kể mức độ thiệt hại. Theo thống kê, toàn huyện có 20 ha lúa và 248 ha hoa màu bị ngập úng; thiệt hại 144 ha thủy sản, 39.279 con gia cầm, 273 con lợn; hư hỏng trên 4,9km kênh mương cùng một số công trình đê bao, kè sạt lở... Ước tính tổng thiệt hại trên địa bàn huyện khoảng 80,8 tỷ đồng.

Triển khai công tác khắc phục hậu quả, UBND huyện Lương Sơn đang chỉ đạo các xã, thị trấn khẩn trương hoàn tất thu hoạch và khắc phục lại diện tích cây vụ đông đã trồng, chuẩn bị đủ giống, vốn, vật tư để ổn định sản xuất; gia cố lại những vị trí hư hỏng nghiêm trọng trên tuyến đê; hỗ trợ rọ thép, bao tải để kè gia cố các vị trí bị nước lũ gây xói lở; rà soát các hệ thống kênh mương hư hỏng để có phương án sửa chữa đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2017-2018.

Tại huyện Kim Bôi, hậu quả do mưa lũ gây ra rất nặng nề đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác khắc phục thiệt hại. Để sớm ổn định đời sống cho người dân và phát triển sản xuất tại địa phương, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh, BCH PCTT&TKCN tỉnh xem xét, hỗ trợ kinh phí cho các diện tích hoa màu và vật nuôi bị thiệt hại; sửa chữa các công trình giao thông, thủy lợi, dân sinh bị hư hỏng do mưa lũ; hỗ trợ 2.000 rọ thép để gia cố các công trình; đặc biệt là hỗ trợ kinh phí để xây dựng các khu tái định cư cho 02 xã Tú Sơn và Hạ Bì. Theo tổng hợp của UBND huyện, toàn huyện có 211 hộ dân phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, cần được hỗ trợ khắc phục khó khăn, ổn định đời sống và sản xuất.


UBND huyện Kim Bôi đề nghị sớm có phương án hỗ trợ đối với các hộ dân bị di dời khỏi địa bàn nguy hiểm thuộc xã Tú Sơn và Hạ Bì (ảnh: đoàn công tác thị sát khu vực đất đồi bị nứt lớn gây sạt lở nghiêm trọng thuộc địa bàn xóm Củ, xã Tú Sơn khiến 11 hộ phải di dời khẩn cấp)

Thay mặt đoàn công tác, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đã chia sẻ với các địa phương về những thách thức cần vượt qua khi thực hiện công tác khắc phục hậu quả mưa lũ nói chung và hậu quả trong nông nghiệp nói riêng. Đồng chí cho rằng, khối lượng công việc cần làm trong thời gian tới là rất lớn, vì vậy các địa phương tiếp tục xác định trọng điểm ưu tiên để tập trung thực hiện. Riêng đối với sản xuất nông nghiệp, đề nghị các địa phương chú trọng công tác chỉ đạo sản xuất, khẩn trương hoàn thành thu hoạch vụ mùa - hè thu, ngay khi thu hoạch xong cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2017 – 2018.

Riêng về sản xuất vụ đông, đồng chí Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Lương Sơn và Kim Bôi là hai trọng điểm sản xuất vụ đông của tỉnh. Vì vậy, cần tích cực khôi phục sản xuất, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra để bù đắp phần nào những thiệt hại trong vụ mùa, hè thu. Đến thời điểm này, các loại cây vụ đông cần chú trọng mở rộng diện tích gồm có khoai tây, rau đậu thực phẩm, nhóm rau ăn lá, rau họ bầu, bí... Riêng cây ngô đông, vì thời vụ đã hết nhưng dự báo vụ đông sắp tới sẽ khan hiếm nguồn thức ăn thô cho trâu bò, vì vậy Sở NN&PTNT khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh trồng ngô nếp và nên trồng mật độ dày để lấy nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi./.


                                                                              Thu Trang

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục