(HBĐT) - Đó là nội dung quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng (CSHT) sử dụng nguồn vốn Chương trình 135, giai đoạn 2016 - 2020.


Được giao cho cơ sở quản lý vận hành tốt, công trình nước sinh hoạt cộng đồng xã Lũng Vân (huyện Tân Lạc) đã phát huy hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

 

Cụ thể, theo hướng dẫn của UBND tỉnh: Sau khi hoàn thành, tùy từng loại công trình sẽ được bàn giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng. Trong đó, các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng và các công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác phục vụ lợi ích chung sẽ giao cho trưởng các thôn, bản; công trình phát thanh, truyền thanh giao cho UBND xã; công trình trường học và phụ trợ giao cho các nhà trường; công trình trạm y tế xã giao cho trạm y tế xã; công trình chợ giao cho ban quản lý chợ quản lý và vận hành. Hàng năm, việc duy tu,sửa chữa nhỏ các hư hỏng của chi tiết, bộ phận công trình do Ban quản lý Dự án 135 xã hoặc nhóm cộng đồng thôn, bản tổ chức thực hiện. Còn việc theo dõi, kiểm tra và duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình sẽ do các chủ quản lý sử dụng công trình tổ chức thực hiện.

Như vậy, với quy định trên, việc quản lý các công trình CSHT sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 được phân cấp mạnh cho cơ sở, cụ thể là bàn giao trực tiếp cho trưởng các thôn, bản. Đây sẽ là chủ quản lý sử dụng công trình, có trách nhiệm trình UBND xã thành lập và phối hợp tổ chức phân công nhiệm vụ cho tổ, nhóm và các thành viên để theo dõi, kiểm tra và duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình. Trong đó, Trưởng thôn, bản là Tổ trưởng, các thành viên gồm đại diện các ban, ngành, đoàn thể thôn, bản, người có uy tín trong cộng đồng hoặc người có chuyên môn, kiến thức về xây dựng các công trình CSHT. Đối với các công trình trường học, hiệu trưởng nhà trường là tổ trưởng. Đối với công trình trạm y tế xã, trạm trưởng trạm y tế xã là tổ trưởng. Đối với công trình phát thanh, truyền thanh, chợ, các thành viên ban quản lý chợ và tổ quản lý, vận hành công trình phát thanh, truyền thanh do UBND xã thành lập tùy theo thực tế công trình. Việc thực hiện công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch từ cơ sở, phát huy tinh thần tự lực tự cường của người dân và cộng đồng, đảm bảo sự tham gia giám sát của người dân, tuân theo hướng dẫn được cấp có thẩm quyền ban hành.

Là cơ quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Hướng dẫn một số nội dung cụ thể thực hiện công tác quản lý, vận hành và duy tu bảo dưỡng các công trình CSHT sử dụng nguồn vốn Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020, Ban Dân tộc tỉnh đã có nhiều hoạt động nhằm tìm hiểu và đưa ra những nội dung chính xác nhất về quản lý, vận hành công trình 135 góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của chương trình quan trọng này. Một trong những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực nhất là phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu sáng kiến phát triển cộng đồng (RIC) triển khai dự án thí điểm vận hành và bảo trì cộng đồng các công trình CSHT tại các xã 135 tỉnh Hòa Bình (năm thứ 4).

ông Lê Văn Hải, Giám đốc RIC trao đổi: Dự án được triển khai tại 6 huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc, Kim Bôi, Yên Thủy và Lạc Sơn với các hoạt động chính: thể chế hóa quy trình quản lý, vận hành và bảo trì các công trình 135 (biên soạn và tham vấn quy trình), hỗ trợ kỹ thuật thực hiện 10 mô hình tại 6 huyện, rà soát xây dựng cơ chế giám sát và các công cụ giám sát, hỗ trợ Ban Dân tộc kiện toàn cơ chế giám sát và cơ chế phản hồi, thành lập nhóm vận động chính sách, nghiên cứu các chính sách tự quản, tập huấn cho các thành viên TOT, TOT tập huấn lại cho các thành viên xã/ xóm tại 6 huyện. Mặc dù mới được thí điểm nhưng những hoạt động này đang cho thấy hiệu quả tốt góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và sử dụng công trình 135 – vốn được coi là mắt xích quan trọng trong quá trình thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, Chương trình 135 sẽ có tổng nguồn vốn 630.255 triệu đồng, trong đó, nguồn vốn Trung ương 565.268 triệu đồng, ngân sách tỉnh 64.987 triệu đồng. Trong giai đoạn này, chương trình tiếp tục xác định trọng tâm đầu tư là các công trình CSHT thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình, vấn đề vận hành công trình sau đầu tư đang đặt ra những thách thức mới đòi hỏi sự chỉ đạo và hướng dẫn hiệu quả của các cấp quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Được biết, đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 232 công trình 135 được bàn giao đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư 105.120 triệu đồng. Nhìn chung, các công trình đều phát huy hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân các vùng được hưởng lợi.

 

Thu Trang

Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục