(HBĐT) - Thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐ,ĐT), tức là chia lại, xác lập quyền sở hữu ruộng đất mới cho người dân là công việc khó và phức tạp. Tuy vậy, Yên Thủy là địa phương thực hiện thành công và có quy mô chủ trương DĐ,ĐT đất nông nghiệp, tổ chức lại quỹ đất sản xuất, khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, đưa cơ giới vào sản xuất, từng bước hình thành vùng sản chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững gắn với xây dựng NTM.

 

Sau DĐ,ĐT, đồng ruộng huyện Yên Thủy được tổ chức lại, hình thành cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hiệu quả sản xuất. ảnh: Cán bộ huyện Yên Thủy giới thiệu cánh đồng lúa rộng lớn tại xóm Minh Thành, xã Yên Trị).

 DĐ, ĐT là khâu đột phá xây dựng NTM

 Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thủy Bùi Thị Kim Cúc cho biết: Huyện xác định DĐ,ĐT là khâu đột phá để xây dựng NTM trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu thực tế đòi hỏi. Từ thực tiễn đồng ruộng manh mún, trung bình mỗi hộ có từ 3.000 - 5.000 m2 đất trồng cây hằng năm nhưng lại chia thành 8-12 thửa đất, cá biệt có hộ tới 30 thửa. Ruộng đất phân tán rất khó khăn cho đầu tư sản xuất, chi phí sản xuất tăng cao, hệ thống thủy lợi, giao thông nhỏ hẹp hoặc chưa được đầu tư. Đây là lực cản lớn để thực hiện mục tiêu xây dựng NTM, vì vậy đòi hỏi phải quy hoạch lại ruộng đồng, tổ chức lại quỹ đất, đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi, xây dựng nền sản xuất mới, thực hiện mục tiêu đầu tư thâm canh, đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cơ giới vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống người nông dân.

 Từ thực tiễn trên, Huyện ủy Yên Thủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU ngày 17/12/2012 về mục tiêu, nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2013; Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐND ngày 21/12/2012 của HĐND huyện khóa XVIII, kỳ họp thứ 5 về kế hoạch phát triển KT-XH năm 2013. Trong đó xác định công tác DĐ,ĐT là nhiệm vụ trọng tâm, là tiền đề để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện mục tiêu xây dựng NTM.

 Như vậy, chủ trương của cấp ủy, chính quyền được ban hành đã xuất phát từ chính lợi ích của nhân dân, từ đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. Trên cơ sở đó, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia, chỉ đạo sâu sát, công tâm và có trách nhiệm, thực hiện đúng nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, phát huy nguồn lực, sức sáng tạo của người dân, thực hiện toàn diện phong trào DĐ,ĐT, góp phần thúc đẩy sản xuất, gắn với xây dựng NTM cũng như chỉ đạo giải quyết các vấn đề của thực tiễn đặt ra, đưa nhanh chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

 Xây dựng thành công mô hình điểm nhân diện

 Năm 2013, Yên Thủy bắt đầu thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, chọn 3 xóm: Hổ 2, Trường Long thuộc xã Ngọc Lương, xóm Ao Hay thuộc xã Yên Trị để chỉ đạo thực hiện thí điểm. Huyện đã thành lập BCĐ từ cấp huyện xuống cơ sở, cơ cấu cán bộ có đủ năng lực, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết để tổ chức thực hiện. Các đồng chí BTV Huyện ủy, thủ trưởng các ngành chức năng được phân công phụ trách các xã, xóm. Các cơ quan chuyên môn bám sát ruộng đồng để tổ chức thực hiện. Trong chỉ đạo, đề cao vai trò, trách nhiệm của chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên, đại diện các hộ dân là người có uy tín trong xóm. Tại 3 xóm thí điểm đều thực hiện DĐ,ĐT theo cách quy hoạch lại đồng ruộng, phân chia diện tích đất nông nghiệp thành các cánh đồng, tổ chức bốc thăm vị trí đất của từng hộ trên từng cánh đồng, sau đó đo đạc giao đất cho các hộ theo vị trí đã bốc thăm.

 Sau gần một năm tích cực DĐ,ĐT tại 3 xóm, huyện Yên Thủy đã vận động được 179 hộ dân tham gia thực hiện, tổng diện tích đã DĐ,ĐT là 90,59 ha, trong đó xóm Trường Long có 20,24 ha, xóm Hổ 2 có 33,59 ha và xóm Ao Hay có 36,76 ha. Từ chỗ bình quân mỗi hộ có 9,21 thửa, cá biệt có hộ có đến 30 thửa, diện tích bình quân mỗi thửa 550 m2. Sau khi dồn đổi còn 508 thửa, bình quân mỗi hộ còn 2,84 thửa, bình quân mỗi thửa 1.783 m2. Các xóm cũng tổ chức quy hoạch lại ruộng đồng, xây dựng hệ thống giao thông thủy lợi theo quy hoạch NTM. Người dân tích cực hưởng ứng chủ trương dồn điền đổi thửa.

 Từ việc thí điểm thành công, huyện Yên Thủy đúc rút kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thiện lại quy trình thực hiện, cách thức thực hiện và kiện toàn bộ máy để triển khai nhân rộng ngay từ năm 2014. Qua 4 năm thực hiện, đã có 36 xóm trên địa bàn 6 xã thực hiện thành công, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho bà con nông dân. Các xóm, xã thực hiện đã khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ giảm 65%, mỗi hộ chỉ còn từ 1-3 thửa, hình thành những thửa ruộng, những cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch NTM được duyệt, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, từ đó nâng cao năng suất cây trồng và thu nhập cho nông dân. Diện tích đất 5%, đất dãn dân, đất nghĩa trang được quy hoạch tập trung thuận tiện cho việc quản lý. 100% diện tích đất đã DĐ,ĐT được cơ giới hóa khâu làm đất, khâu thu hoạch lúa. Chi phí sản xuất đã giảm 10 triệu đồng/ha/năm. Việc thực hiện dồn điền đổi thửa theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Từ năm 2013 đến nay, UBND huyện không nhận được đơn, thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác DĐ,ĐT.

 

Những bài học kinh nghiệm

 Bí thư huyện ủy Yên Thủy Bùi Trung Kiên cho biết: DĐ,ĐT là công việc khó, phức tạp, để thực hiện thành công cần có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, phải có sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cá nhân. Trong quá trình chỉ đạo phải sâu sát và phù hợp với thực tế, có cơ chế giám sát, kiểm soát để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc đôn đốc thực hiện. Đặc biệt đề cao vai trò, sự nhiệt tình, trách nhiệm dám nghĩ, dám làm của chi bộ, ban quản lý xóm, các đoàn thể xóm và sự gương mẫu chấp hành của cán bộ, đảng viên ở xóm thực hiện sẽ quyết định thành công của việc DĐ,ĐT. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động để nông dân hiểu rõ lợi ích thiết thực khi thực hiện DĐ,ĐT. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, phương án DĐ,ĐT phải được nhân dân bàn bạc kỹ, thống nhất theo nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong quá trình thực hiện, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân.

 Việc dồn điền hay đổi thửa phải căn cứ địa hình đất nông nghiệp của từng xóm. Nếu diện tích đất nông nghiệp tương đối bằng phẳng thì thực hiện theo cách dồn điền, nếu địa hình ruộng bậc thang thực hiện theo cách đổi thửa, cần linh hoạt trong quá trình thực hiện. Quy hoạch xây dựng NTM phải đi trước một bước làm tiền đề cho công tác dồn điền đổi thửa. Quá trình DĐ,ĐT thực hiện cần liên tục, khẩn trương để hoàn thành trong thời gian ngắn nhất (sau thời gian gặt mùa tháng 9, 10 dương lịch) để đảm bảo cho sản xuất vụ chiêm xuân năm sau. Phải hoàn chỉnh việc chỉnh lý bản đồ, hồ sơ địa chính kịp thời, đúng với thực tế khi dồn điền đổi thửa, tiến hành thu lại GCNQSDĐ đã cấp và cấp đổi GCNQSDĐ cho nhân dân. Từ kết quả này, huyện Yên Thủy đang tập trung chỉ đạo toàn diện công tác dồn điền đổi thửa, tổ chức sắp xếp lại đất đai theo quy hoạch tại các xóm, xã còn lại, xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.


 Lê Chung


Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục