(HBĐT) - Từ lâu, cây mía được đánh giá là cây trồng chủ lực đem lại thu nhập khá cho người dân Cao Phong. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tiêu thụ mía tím chậm, giá sụt giảm đã ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Có lẽ cũng như nhiều loại nông sản khác do trước đây mía tím được giá nên người dân mở rộng diện tích, dẫn đến thực trạng trên. Bài toán mất mùa được giá hay được mùa mất giá đối với cây mía chưa tìm được lời giải thỏa đáng.


Nông dân xã Nam Phong (Cao Phong) mong chờ người đến thu mua mía tím.

Khác với mọi năm, đến nay, tuy đang trong vụ thu hoạch song nhiều ruộng mía tím ở các xã trên địa bàn huyện Cao Phong chưa xuất bán được vì ít thương lái hỏi mua. Mía tím trồng tập trung ở các xã: Bắc Phong, Nam Phong, Xuân Phong, Tây Phong… Giá mía năm nay khá thất thường, thời điểm trước tết từ 5.000 - 6.000 đồng /cây. Sau Tết giá mía giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng /cây nhưng lượng thương lái thu mua cũng không nhiều.

Xã Nam Phong có diện tích mía tím khoảng 150 ha. Đến thời điểm này mới tiêu thụ được khoảng 70 ha. Hộ ông Bùi Hải Trung ở xóm Nam Thái trồng hơn 1.000 m2 (khoảng 10.000 cây). Mọi năm giờ này đã cơ bản bán hết với giá từ 5000-6000 đồng /cây cho thu nhập 50-60 triệu đồng, trừ chi phí cũng lại được một nửa. Nhưng năm nay thương lái vào mua lẻ tẻ mà giá lại thấp. ông Trung cho biết: Cây mía mất nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư cũng nhiều. Nếu tháng 3 hay tháng 4 này, mới bán được mía, thì cũng đã qua khung thời vụ nhiều loại cây trồng; không thể trồng ngô và các cây màu khác. Với giá 4000 - 5000 đồng /cây thì mới có lãi, giá 3.000 đồng /cây coi như hoà vốn, còn giá dưới 3.000 đồng là không có công. Do giá thấp quá nên nhiều hộ chưa muốn bán, nhưng cây mía không thể để lâu quá được vì sẽ bị xốp, giảm lượng đường. Vì vậy, trước mắt người trồng mía ở Nam Phong chỉ trông chờ vào thương lái với hy vọng thu được vốn đầu tư.

Theo báo cáo của phòng NN &PTNT huyện Cao Phong, hiện diện tích mía các loại trên địa bàn huyện Cao Phong có 2.500 ha, trong đó mía tím 965,5 ha, mía trắng ép nước 1.535, 5 ha. Thời gian thu hoạch mía tím từ tháng 11 đến tháng 4 hàng năm, 1 ha bình quân khoảng 4 vạn cây thương phẩm; giá bán mía tím tính đến thời điểm hiện tại phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường tự do. Giá trị bình quân ước khoảng 100-120 triệu đồng /ha. Đến nay, diện tích mía tím toàn huyện đã tiêu thụ trên 42% khoảng 405,5 ha, còn lại 58% diện tích chưa tiêu thụ được (khoảng 560 ha). Thị trường tiêu thụ chủ yếu của mía tím Cao Phong là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận khác. Trong thời gian qua, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn, giá mía khoảng 2.000 - 4.000 đồng /cây, giảm khoảng 30% so với năm trước. Nhiều diện tích mía do thiếu nước tưới đang bị chết ngọn, gây thiệt hại cho người dân.

Qua tìm hiểu được biết, những khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ mía tím trên địa bàn là do lượng sản phẩm lớn, trong khi nhu cầu thị trường thấp, người tiêu dùng có nhiều sản phẩm để lựa chọn. Cây mía kém chất lượng do sử dụng giống đã thoái hoá. Các đợt rét đậm, rét hại cũng làm giảm chất lượng mía. Việc tiêu thụ mía tím phụ thuộc vào thị trường tự do và thương lái nên giá trị thu nhập bấp bênh. Công tác quảng bá sản phẩm ra thị trường còn nhiều hạn chế, chưa liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Đồng chí Hồ Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: Trước những khó khăn về tiêu thụ mía, huyện chủ trương giảm diện tích mía tím và chuyển đổi sang trồng cây khác có tính ổn định hơn như ngô, đậu tương... Tiếp tục thay thế giống mía cũ bằng giống nuôi cấy mô để nâng cao chất lượng sản phẩm. Huyện cũng đưa ra các giải pháp để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ mía tím thời gian tới, tập trung vào các vấn đề: Các xã rà soát, điều chỉnh lại diện tích trồng mía tím cho phù hợp với quy hoạch sản xuất. Hàng năm tăng thêm nguồn ngân sách huyện, cùng với các nguồn vốn khác để hỗ trợ xây dựng các mô hình phục tráng giống. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm mía Cao Phong trong cả nước. Khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ các cá nhân, tập thể bao tiêu, tiêu thụ nông sản cho nông dân theo chính sách của tỉnh. Tiếp tục xúc tiến xây dựng thương hiệu, quảng bá cho mía tím Cao Phong.

Đồng thời huyện kiến nghị với UBND tỉnh, các sở, ngành sớm xây dựng nhà máy sản xuất nước mía giải khát từ cây mía tím Hoà Bình; hỗ trợ địa phương trong công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm mía tím để thuận lợi cho tiêu thụ trong thời gian tới; có định hướng quy hoạch vùng sản xuất mía tím để sản xuất và tiêu thụ được thuận lợi...


                                                                         Đinh Thắng 


Các tin khác


Xã Bắc Phong đầu tư thực hiện tiêu chí giao thông

(HBĐT) - Trong năm 2017, xã Bắc Phong (Cao Phong) đã tập trung thực hiện 19 chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng tiêu chí giao thông, từng bước củng cố vững chắc các tiêu chí, phấn đấu trở thành xã đạt chuẩn NTM theo đúng kế hoạch đề ra.

Huyện Đà Bắc phát triển 1.125 lồng cá

(HBĐT) - Tận dụng lợi thế sẵn có của địa phương với trên 6.000 ha mặt nước ở các xã ven hồ sông Đà, trong những năm gần đây, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đầu tư của một số chương trình, dự án nên nghề nuôi cá lồng của huyện Đà Bắc đã phát triển cả về số lượng, chủng loại và chất lượng sản phẩm.

Thu hút vốn đầu tư phát triển ước đạt 220,57 tỷ đồng

(HBĐT) - Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, chính quyền thành phố Hòa Bình quan tâm lãnh đạo ngành Thuế tăng cường các giải pháp thu ngân sách Nhà nước và thu hồi nợ đọng tiền thuế. Trong tháng 2, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 27,28 tỷ đồng, luỹ kế 2 tháng đầu năm đạt 46,03 tỷ đồng, bằng 15% dự toán năm.

Thu ngân sách Nhà nước và những vấn đề đặt ra

(HBĐT) - Năm 2017 đánh dấu mốc chi ngân sách địa phương thực hiện vượt gần 10,6 nghìn tỉ đồng. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là tín hiệu đáng mừng khi quy mô ngân sách ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc chi ngân sách tăng đồng thời cũng tạo ra áp lực rất lớn đối với thu NSNN cũng như bài toán về các nguồn thu chưa thực sự bền vững như hiện nay.

Kiểm tra các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tại huyện Lương Sơn

(HBĐT) - Ngày 14/3, đoàn công tác của Sở NN&PTNT đã làm việc với UBND huyện Lương Sơn kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện.

Chăm lo lâu dài, thiết thực cho doanh nghiệp, không để đánh mất nguồn lực phát triển

(HBĐT) - Tại buổi gặp mặt doanh nghiệp xuân Mậu Tuất 2018, đưa ra cách tiếp cận mới, đánh giá thực trạng, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như những vấn đề đặt ra cho cải cách môi trường kinh doanh, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, UV BCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Các cấp, các ngành cần nâng cao ý thức trách nhiệm, chia sẻ, đồng hành, gắn bó, chăm lo, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển lâu dài, tập trung cho sản xuất bền vững, không để đánh mất nguồn lực, cơ hội phát triển của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục