(HBĐT) - Từ bấy lâu nay, bưởi đỏ Tân Lạc đã nức tiếng gần xa bởi chất lượng tuyệt vời. Tự hào với sản vật tiêu biểu của quê hương, chính quyền và nông dân huyện Tân Lạc đã chung tay đăng ký bảo hộ thành công Nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” từ cuối tháng 11/2017. Không dừng lại ở đó, họ đang tiếp tục nâng tầm thương hiệu bằng cách mở rộng diện tích trồng bưởi theo quy trình "thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”, để rồi càng thêm tự hào hơn khi cho ra đời những quả bưởi đỏ Tân Lạc mang chất lượng VietGAP và tự tin đóng góp vào chuỗi cung ứng thực phẩm sạch của tỉnh Hòa Bình.


Hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc giới thiệu sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGap và có được những phản hồi tích cực từ thị trường.

 

Ngay trong niên vụ đầu tiên (2017-2018) xuất bán sản phẩm ra thị trường, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc (xã Tử Nê, huyện Tân Lạc) đã tạo được ấn tượng sâu sắc. Bởi những quả bưởi do HTX cung ứng không chỉ có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt mà còn được nhận diện bằng nhãn mác uy tín có thể chinh phục những người tiêu dùng khó tính nhất: VietGAP. Để đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, sản phẩm của HTX phải đáp ứng đủ các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện sản xuất từ khi trồng, chăm sóc, chế biến và đóng gói sản phẩm theo quy định của Bộ NN&PTNT. Tham gia sản xuất theo quy trình VietGAP, các hộ trồng bưởi được tập huấn và tuân thủ nghiêm ngặt những quy định trong sản xuất nông nghiệp, từ khâu lựa chọn vùng sản xuất, giống và góc ghép, quản lý đất và giá thể, đến việc sử dụng phân bón, nước tưới, kỹ thuật chăm sóc, quản lý dịch bệnh, quản lý và xử lý chất thải, ghi chép và lưu trữ hồ sơ, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch... HTX hiện có khoảng 30 ha canh tác cây ăn quả, trong đó diện tích bưởi đỏ là chủ yếu, niên vụ 2017-2018 bắt đầu cho thu hoạch khoảng 7 ha. Tất cả diện tích này đều được áp dụng quy trình sản xuất VietGAP. Cùng với đó, HTX đầu tư dây chuyền công nghệ xử lý rửa, phân loại, đóng gói và bảo quản quả bưởi, đảm bảo cung ứng ra thị trường những sản phẩm có mẫu mã đẹp nhất, chất lượng tốt nhất, tự hào mang nhãn hiệu tập thể "Bưởi đỏ Tân Lạc” đạt tiêu chuẩn VietGAP, đáp ứng những yêu cầu khắt khe nhất của thị trường.

 Tự tin với sản phẩm bưởi đỏ được chứng nhận VietGAP, HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra các thị trường có tính chuyên nghiệp cao như hệ thống siêu thị tại Hà Nội, nhà phân phối bán lẻ có uy tín trên toàn quốc. Đây là các thị trường tiềm năng được HTX ưu tiên hướng đến chứ không lựa chọn cách bán buôn, bán đổ tại vườn cho tư thương như cách làm truyền thống mà nhiều hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn lựa chọn từ bấy lâu nay.

 Chị Đỗ Thị Hương Giang, Phó Giám đốc HTX sản xuất, chế biến và tiêu thụ bưởi đỏ Tân Lạc khẳng định: Chúng tôi ý thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của mình khi tham gia sản xuất bưởi đỏ Tân Lạc theo quy trình VietGAP. Đặc biệt, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề thương mại sản phẩm, chúng tôi càng quyết tâm giữ gìn và phát huy nhãn hiệu tập thể Bưởi đỏ Tân Lạc bằng cách tiếp tục thực hiện tốt các quy định sản xuất bưởi VietGAP để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, xác lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

 Được biết, quá trình thực hiện VietGAP trên bưởi đỏ Tân Lạc gắn liền với quá trình tư vấn hình thành nhóm hộ, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số, mã vạch và in bao bì nhãn mác. Sau khi được trao chứng nhận VietGAP, các cơ quan chuyên môn của huyện Tân Lạc và nhóm nông dân VietGAP sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, đăng ký mã số mã vạch và in bao bì nhãn mác theo kế hoạch đã đề ra. Điều này đảm bảo cho sản phẩm sau khi được chứng nhận VietGAP sẽ có đủ các thông tin cần thiết để nhận diện trên thị trường, cũng là yếu tố để đảm bảo sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng một cách rõ ràng, minh bạch. Đây thực sự là chiếc "chìa khóa vàng” để nông sản địa phương tiếp cận những thị trường lớn, khai thác được nhiều cơ hội để tiếp tục vươn xa.

 Đồng chí Vũ Quang Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc trao đổi: Trong hành trình xây dựng bưởi đỏ Tân Lạc trở thành thương hiệu có sức vươn mạnh mẽ ra thị trường lớn, cùng với việc bảo hộ thành công nhãn hiệu tập thể từ cuối năm 2017, chứng nhận VietGAP được coi là cột mốc quan trọng giúp nâng tầm giá trị của thương hiệu sản phẩm. Đến nay, trong gần 1.000 ha bưởi đang được canh tác hiệu quả trên đất Tân Lạc, có khoảng 45 ha áp dụng quy trình VietGAP. Dự kiến trong năm 2018, huyện tiếp tục mở rộng diện tích này, phấn đấu đạt khoảng 200 ha áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đây là nhiệm vụ đầy thách thức nhưng với sự chỉ đạo sâu sát của chính quyền và ngành chức năng, đồng thời phát huy nội lực của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, tôi tin rằng huyện Tân Lạc sẽ đạt được kết quả này, từ đó tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn các giải pháp phát triển bền vững, an toàn cho bưởi đỏ Tân Lạc.

 

 VietGAP (cụm từ viết tắt của Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là "Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam”, do Bộ NN&PTNT ban hành đối với từng sản phẩm, nhóm sản phẩm thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. VietGAP là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, xử lý sau thu hoạch nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, đồng thời bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản xuất. Chính vì vậy, có thể coi đây là "tấm thẻ” đáng tin cậy giúp nông dân đưa được sản phẩm của mình vào hệ thống siêu thị, những thị trường cao cấp và thực hiện mục tiêu xuất khẩu.

 

 

Thu Trang

Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục