(HBĐT) - Đến thăm nông trại hữu cơ Linh Dũng (thôn Đồng Ngoài, xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi) mới thấy được trọn vẹn sức hút của một nông trại kiểu mẫu chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn hữu cơ – tiêu chuẩn hiện nay được đánh giá là cao cấp, khắt khe nhất trong các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp.

Theo khảo sát gần đây của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Mặc dù dư địa cho nông sản hữu cơ được đánh giá còn tới 99% và nhu cầu sử dụng sản phẩm hữu cơ của thị trường rất lớn nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng lượng nhỏ. Việc áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ phải đối mặt với nhiều thách thức nên ít nơi thực hiện được. Chính vì thế, một "địa chỉ xanh” về sản xuất hữu cơ như nông trại Linh Dũng càng có sức hút đặc biệt với những giá trị "sạch” không thể trộn lẫn.

 Tự hào chất lượng hữu cơ trên cây có múi

Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã vài lần đến tìm hiểu mô hình hoạt động của nông trại hữu cơ Linh Dũng. Là người tâm huyết với sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh nhà, đồng chí đánh giá cao những giá trị nơi đây đang hướng tới: Chuyên canh tác các loại cây ăn quả có múi theo quy trình hữu cơ nghiêm ngặt nhằm tạo dựng hệ sinh thái chuẩn an toàn cho cả cây cối, con người và môi trường xung quanh.

Đồng chí Hoàng Văn Tứ khẳng định: Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh còn manh mún, tự phát và mới chỉ có trên một số loại rau thực phẩm, sự xuất hiện của nông trại hữu cơ Linh Dũng giống như một sự đột phá mạnh mẽ, mang tới niềm tự hào lớn cho cả ngành nông nghiệp Hòa Bình. Bởi đây là cơ sở đầu tiên trên toàn quốc chuyên sản xuất cây có múi hữu cơ được tổ chức NHO-QSCert chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ Việt Nam TCVN 11041-2015 (nay là TCVN 11041-2017). Với những thành quả nổi bật trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông trại Linh Dũng đã vinh dự được đón nhận "Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2018”.


Đồng chí Hoàng Văn Tứ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đánh giá cao hiệu quả hoạt động của nông trại Linh Dũngvới các sản phẩm cây có múi đạt chất lượng hữu cơ.

Quyết tâm kiến tạo nên những giá trị "sạch” cho nông trại Linh Dũng, tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, chuyên gia về trồng trọt và bảo vệ thực vật ở tỉnh đã lựa chọn cây có múi để đầu tư theo quy trình sản xuất hữu cơ. Chính vì thế, khi áp dụng thành công phương pháp canh tác hữu cơ nghiêm ngặt trên cây có múi, tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến đã biến nông trại của mình trở thành "địa chỉ xanh” có một không hai trên cả nước, hội tụ đầy đủ các giá trị đặc thù của một nông trại hữu cơ kiểu mẫu: Nói không hoàn toàn với thuốc hóa học, hóa chất kích thích, phân bón hóa học, hóa chất bảo quản và sản phẩm biến đổi gen. Nông trại Linh Dũng cho ra đời các sản phẩm cây có múi đáp ứng đủ các yếu tố "5 có” (có chứng nhận hữu cơ, có chứng nhận ATTP, có nhật ký đồng ruộng, có truy xuất nguồn gốc, có bao bì, nhãn mác khi lưu thông thị trường) và "3 an toàn” (an toàn cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng, an toàn cho môi trường sinh thái). Với những giá trị "sạch” không thể trộn lẫn, đây không chỉ là nơi đầu tiên trên cả nước sản xuất ra các sản phẩm cây có múi hữu cơ mà còn là điểm du lịch sinh thái nhà vườn hấp dẫn du khách đến thăm quan, trải nghiệm.

Sức hút của những giá trị "sạch”

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Yến, chủ nông trại hữu cơ Linh Dũng cho biết: Để áp dụng thành công quy trình sản xuất hữu cơ trên cây có múi, nông trại đã tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện về quản lý hệ sinh thái, đất canh tác, nguồn nước, các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, xử lý cỏ dại và tàn dư thuốc BVTV… Đồng thời thực hiện tốt quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bao gồm từ khâu lựa chọn loài và giống cây trồng phù hợp, ghi chép, lưu giữ hồ sơ, quản lý sử dụng phân bón, phòng trừ sâu bệnh và cỏ dại, đến khâu thu hái, sơ chế và vận chuyển sản phẩm… Trên quy mô 3,2 ha, nông trại đang canh tác theo chuẩn hữu cơ các loại cây có múi. Từ đó cung cấp ra thị trường các loại quả có múi hữu cơ (cam, bưởi, quýt, chanh), 5 sản phẩm hữu cơ sơ chế (mật ong chanh đào, nước cốt chanh, nước ép bưởi, nấm lim xanh, rượu nấm lim xanh), 4 sản phẩm phục vụ sản xuất hữu cơ (phân trùn quế, dịch trùn quế, phân hữu cơ tự ủ, thuốc thảo mộc trừ sâu hại). Tất cả sản phẩm được cung cấp bởi nông trại Linh Dũng đều được kiểm nghiệm khắt khe từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ thành phẩm, khi đưa ra thị trường đều có nhãn mác, chứng nhận truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về chất lượng.


Rau hữu cơ Lương Sơn được tiêu thụ tốt tại hệ thống siêu thị thực phẩm sạch BigGreen Việt Nam.

Theo khảo sát gần đây của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam chủ yếu diễn ra trong lĩnh vực trồng trọt. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, diện tích nông nghiệp hữu cơ phát triển khá nhanh, đưa Việt Nam đứng thứ 7 châu Á và thứ 3 ASEAN với khoảng 76.666 ha nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, xét trên tổng diện tích đất nông nghiệp cả nước là 26,8 triệu ha thì tỷ lệ diện tích nông nghiệp hữu cơ chỉ chiếm khoảng 0,28%. Đây là con số quá khiêm tốn so với tiềm năng. Cùng với hạn chế về diện tích, các hoạt động sản xuất, chế biến theo phương pháp hữu cơ còn manh mún, tự phát, thiếu định hướng lâu dài nên số lượng sản phẩm chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu của thị trường. Chỉ tính riêng thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết nhu cầu sản phẩm hữu cơ rất lớn, trong khi nguồn cung chỉ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu. Như vậy, dư địa cho nông sản hữu cơ được đánh giá còn tới 99%.

Được biết, vào cuối năm 2017, Bộ KH&CN đã công bố tiêu chuẩn quốc gia về nông nghiệp hữu cơ TCVN 11041-2017. Các tiêu chuẩn này khi được phổ biến và đưa vào triển khai rộng rãi trong sản xuất, kinh doanh sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động sản xuất hữu cơ nói riêng, đồng thời hỗ trợ đắc lực cho việc triển khai thực hiện Nghị định số 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Tại Hòa Bình, đến thời điểm này đã có 4 cơ sở được chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ là Liên nhóm hữu cơ Lương Sơn (gồm 15 nhóm và 1 hợp tác xã), nông trại hữu cơ Linh Dũng (Kim Bôi), trang trại Thủy Thiên Nhu (Lạc Thủy) và mới đây nhất là trang trại hữu cơ Hòa Bình Organic (Yên Thủy). Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh mới có khoảng 35 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong khi tổng diện tích trồng trọt được chứng nhận VietGAP, ATTP khoảng 633 ha, chiếm gần 7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Bù lại với diện tích sản xuất còn quá ít ỏi, sức hút thị trường của các nông sản hữu cơ đang được khẳng định đầy thuyết phục. Đơn cử như các sản phẩm rau hữu cơ của huyện Lương Sơn với sản lượng tiêu thụ luôn ổn định khoảng 200 tấn/năm, tức là sản xuất được đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Sau gần 10 năm phát triển, đến nay, toàn huyện đã thành lập được gần 20 nhóm sản xuất rau hữu cơ với trên 150 thành viên tham gia, tổng diện tích sản xuất rau hữu cơ được mở rộng gần 20 ha, trong đó, diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế (PGS) khoảng 8 ha. Trung bình mỗi tháng, huyện Lương Sơn cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn rau hữu cơ, với chủng loại chủ yếu là các loại rau ăn lá như: rau muống, cải, ngót, lang, dền, bí, mồng tơi, lặc lày, mướp, dưa chuột, đậu đũa... và một số loại rau gia vị. Phần lớn được xuất bán cho các cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội thông qua 3 đầu mối chính là Công ty VinaGap, Công ty Tâm Đạt và Công ty TNHH Tràng An. Được biết, vào năm 2014, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể cho "Quả lặc lày và rau quả hữu cơ Lương Sơn”. Sau đó, năm 2016, rau hữu cơ Lương Sơn đã vinh dự đạt danh hiệu "Top 100 thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”, đồng thời, sản phẩm cũng nằm trong danh sách 69 "Địa chỉ Xanh – Nông sản Sạch” được Bộ NN&PTNT công bố.

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Thị trường rất rộng mở đối với các nông sản chủ lực đã được chứng nhận của tỉnh ta. Trong đó, nông sản hữu cơ luôn khẳng định được sức hút nổi bật, bởi đó là các sản phẩm tiêu biểu nhất cho các giá trị "sạch” mà ngành nông nghiệp đang hướng tới: môi trường sản xuất sạch, hệ sinh thái sạch, sản phẩm sạch, tuyệt đối an toàn cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2018 – 2020 định hướng đến năm 2030, tỉnh ta sẽ chú trọng triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ, coi đây là một trong những giá trị cốt lõi nhất để ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh hơn, đóng góp tích cực hơn cho nền kinh tế phát triển xanh và bền vững.


                                                                                           
                                                                   Thu Trang


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục