(HBĐT) - Hơn 2 năm nay, người nội trợ ở TP Hoà Bình và một số địa chỉ ở Hà Nội quen thuộc với sản phẩm thịt lợn của bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình. Mặc dù nghề nuôi lợn có nhiều thăng trầm nhưng với hướng đi riêng, lựa chọn khách hàng khó tính đã đưa bà đến thành công. Hơn 400 con lợn trong chuồng hiện tại đã có địa chỉ đặt hàng. Làm được như vậy điều đầu tiên phải là người có tâm với nghề, có tâm với tiêu dùng.


Sản phẩm ngô, đậu tương, cá, thóc được bà Nguyễn Thị Tâm cho vào máy nghiền nhỏ trước khi đem ủ.

 Giống lợn 3 dòng máu

Học xong Đại học Nông nghiệp ngành trồng trọt, bà Nguyễn Thị Tâm quyết định về Hoà Bình lập nghiệp. Sau những năm công tác ở cơ quan Nhà nước, bà về nghỉ chế độ và thành lập Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh giống cây trồng Phương Huyền với ngành nghề chính là sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như cây ăn quả, cây lâm nghiệp, giống lợn rừng, giống chè Shan tuyết và chế biến chè xanh với mong muốn tiếp tục cống hiến cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Năm 2009, khi mở rộng sang chăn nuôi lợn rừng, thiếu vốn, bà kêu gọi người góp vốn nhập giống lợn rừng Thái Lan. Thời điểm đó người tiêu dùng chuộng giống lợn này, giá thành phẩm cũng khá cao, dao động từ 300.000 - 400.000 đồng/kg. Sẵn có kiến thức, kinh nghiệm nên việc chăn nuôi lợn rừng không mấy khó khăn với bà. Trong vài năm, việc chăn nuôi, kinh doanh lợn rừng có nhiều thuận lợi.

Năm 2016, giá lợn hơi xuống thấp, giá lợn rừng cũng xuống theo. Việc tiêu thụ rất chậm, giá bán chỉ được 50.000 đồng/kg. Lúc đó, đàn lợn của bà có hàng trăm con trong chuồng. Không nản chí, bà tiếp tục nuôi và tìm hướng đi cho riêng mình.

Sau cơn bão giá, bà Tâm suy nghĩ: Con lợn với người Việt bao đời nay không thể thay thế được. Dù đắt hay rẻ thì người tiêu dùng vẫn sử dụng. Chỉ có sở thích thay đổi theo nhu cầu của cuộc sống. Ngày xưa khi kinh tế khó khăn thì thịt lợn là thứ xa xỉ. Chỉ lúc nào gia đình có công việc hoặc dịp lễ, Tết mới được ăn nên thịt lợn có như nào vẫnbán được. Tuy nhiên ngày nay, thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng đã thay đổi nhiều. Những giống lợn thịt nhiều nạc, nhiều mỡ, thịt mềm không còn được ưa chuộng.

Với suy nghĩ như vậy, bà Nguyễn Thị Tâm đã tìm hiểu và biết được bây giờ nhu cầu người tiêu dùng sản phẩm thịt lợn là nhiều nạc, ít mỡ và thịt giòn. Tuy nhiên, 3 giống lợn trên thị trường là lợn rừng, lợn địa phương và lợn siêu nạc, mỗi giống đều có ưu, nhược điểm. Đối với lợn rừng thịt nhiều nạc, khô. Lợn bản địa tuy thơm ngon nhưng nhiều mỡ. Lợn thịt siêu nạc thì mềm. Do vậy, bà lựa chọn gen tốt trong 3 giống bằng cách lai tạo. Sau thời gian lai tạo, tuyển lựa gen tốt, bà đã chọn được con giống ưu việt nhất: lai tạo giữa 3 dòng máu. Giống lợn này có ưu điểm khoẻ mạnh, ít bệnh, phàm ăn, thịt nhiều nạc, ăn giòn, nhất là bì.

Không có chữ "Tâm" đừng làm nông nghiệp

Trang trại lợn của bà Tâm nằm lưng chừng đồi thuộc phường Hữu Nghị, TP Hoà Bình. Hiện tại, trang trại có hơn 400 con lợn thương phẩm, 39 con lợn giống. Bà sử dụng thức ăn là ngô, lúa, đậu tương, cá khô nghiền rồi ủ men, kết hợp với cây chuối, bèo tây, cỏ VA06… nghiền nát trộn với thức ăn ủ men. Với nhiều công chăm sóc nhưng giống lợn 3 dòng máu của bà mỗi tháng chỉ lên được 3-5 kg. Để có sản phẩm ngon, đủ trọng lượng xuất chuồng khoảng 30 kg trở lên phải nuôi từ 8-12 tháng. Vận hành trang trại, gia đình bà thuê 2 người chuyên chăn nuôi lợn và một người chuyên đi lấy cây chuối, bèo tây, cỏ.

Để có sản phẩm sạch, an toàn nhất cho người tiêu dùng, bà Tâm tự đi chọn mua ngô ở vùng cao Hòa Bình; lúa, đậu tương ở Ninh Bình; cá tép khô trên vùng lòng hồ. Một trong những thức ăn dễ nhiễm khuẩn nhất là bèo tây. Đây là giống sống ở ao bùn nên có nhiều vi khuẩn, giun, sán. Để khử trùng, trừ giun sán, bà xây bể ngâm bèo với nước vôi trước khi mang xay. Nước uống sử dụng nước máy. Với sự cẩn thận trong chăn nuôi nên nhiều năm nay đàn lợn của bà ít bị bệnh.

Điều cảm nhận đầu tiên của tôi khi đến thăm quan trang trại là không thấy mùi phân lợn. Bà Tâm cho biết: Nuôi lợn là có mùi. Khi xây dựng chuồng trại, điều đầu tiên là phải xử lý nguồn phân, nước thải tốt thì môi trường xung quanh mới không bị ảnh hưởng, lợn không bị bệnh việc làm ăn mới bền vững. Do vậy, gia đình đã xây dựng chuồng trại theo hình thức khép kín. Phân, nước thải được xử lý qua bể bioga rồi tiếp tục xử lý lại bằng men vi sinh để tưới cây hoặc thải ra ngoài.

Thấy tôi băn khoăn về bài toán kinh tế do đầu tư nhiều, thời gian nuôi dài, mất công sức, giá không cao rất khó có lãi thì bà Tâm chia sẻ: Trông quy mô như này nhưng mỗi năm trừ chi phí cũng chỉ lãi được từ 50-100 triệu đồng, 2 năm vừa rồi thì lỗ. Nếu như nuôi lợn trắng được giá như thời điểm này thì lãi hơn gấp nhiều lần.

Qua câu chuyện tôi hỏi đùa: Sao cô không cho lợn ăn cám thẳng để nhanh lớn, lãi nhiều. Bà giải thích: Nếu cho lợn lớn nhanh cũng được nhưng thịt không ngon. Tôi muốn nuôi theo giống và công thức nuôi của riêng mình để mang lại sản phẩm ngon, sạch nhất đến với tiêu dùng.

Tạm biệt bà, tôi không quên được câu nói: "Kiếm tiền trong nông nghiệp rất khó, để giữ cái tâm trong làm nông nghiệp càng khó hơn bởi nó liên quan đến sinh mạng con người. Chỉ cần "bẩn” một khâu nhỏ là cả sản phẩm bị "bẩn”. Người tiêu dùng không thể biết nhưng người sản xuất biết. Nhiều lúc tôi muốn bỏ chuồng nhưng nghĩ đây là cái nghiệp của mình để giữ cho tâm bình an, cho đời con, đời cháu học theo. Đó cũng là cái tên mà cha mẹ muốn nhắn nhủ khi sinh ra tôi".

                                                                                                          Việt Lâm

Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục