(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng nên thơ như thác nước, hang động huyền ảo, hệ thống sông, hồ, núi non trùng điệp, đặc biệt là nguồn nước khoáng quý hiếm, trong lành, mát mẻ, Mường Động - Kim Bôi sở hữu đầy đủ tiềm năng. Những năm gần đây, tiềm năng ấy đã được khơi dậy tạo sự bứt phá về du lịch, dịch vụ và giờ đây Kim Bôi đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương.


Du khách thả mình dưới làn nước trong xanh tại Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng An Lạc Ecofam.

Sinh ra và lớn lên ở Mường Động, từ thuở nhỏ, tôi đã được ủ ấm trong không gian văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc Mường (dân tộc chiếm trên 82% dân số của huyện Kim Bôi). Đó là những lời hát ru êm ái, tiếng chiêng ngân trong các ngày lễ, Tết và các trò chơi dân gian ném còn, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo. Lớn hơn một chút, tôi theo chân những cô, bác cùng chòm xóm đến với xã Vĩnh Đồng để tham dự lễ hội Chùa Động (Lễ hội Mường Động ngày nay). Đây là lễ hội lớn nhất trong vùng, được tổ chức 2 năm 1 lần vào ngày mồng 7 tháng hai theo lịch Mường và mỗi lần tổ chức thu hút hàng nghìn lượt người về dự hội.

Mong tìm hiểu sâu về nét văn hoá của nguồn cội, tôi len lỏi, chen chân trong "rừng người” để được tận mắt xem những nghi thức mang tính tâm linh được tổ chức trong lễ hội, đó là: lễ rước kiệu đón Phật (vua Dịt Dàng trong sử thi "Đẻ đất, Đẻ nước” ) từ Chùa Động về Đình. Khiêng kiệu là 4 thanh niên khỏe mạnh, mặc áo hai cánh, đội mũ. Cùng rước kiệu là trai tráng trong làng vác cờ cái, cờ quân, tấu sáo, nhị đi về phía đình làng. Xong phần hành lễ, già trẻ, gái trai tản ra sân đình xem đánh đu, đánh mảng, ném còn, rước kiệu, thi bắn nỏ, bắn súng kíp, hát ví, rằng thường, bộ mẹng…

Không chỉ nổi bật với không gian văn hóa đặc trưng, Mường Động còn là nơi hội tụ của cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, đó là: hệ thống hang động phong phú, những ngọn núi, cánh rừng già, thác nước thiên tạo. Cách trung tâm thị trấn Bo chừng 5 - 7 km (xóm Vó Khang, xã Kim Tiến) có một dòng thác thiên tạo được gọi tên "Thác Mặt trời”. Nơi đây bốn mùa mây phủ, không khí trong lành, mát mẻ có thể phát triển thành khu du lịch dã ngoại, khám phá thiên nhiên tươi đẹp. Đi xa hơn về phía thành phố Hòa Bình, khu vực xóm Củ, xã Tú Sơn có 9 ngọn thác mỹ miều được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Đặc biệt hơn cả là nguồn nước khoáng thiên nhiên được các nhà khoa học nghiên cứu, đánh giá là tốt nhất Đông Nam Á. Suối khoáng Kim Bôi thuộc xóm Mớ Đá, xã Hạ Bì, khoáng được xuất lộ ra từ vỉa đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, khi lộ thiên nước có nhiệt độ 34 - 36oC. Qua kiểm nghiệm, nước khoáng Kim Bôi được sử dụng để phục hồi sức khỏe, đóng chai làm nước giải khát. Tại xã Vĩnh Đồng cũng có một mó nước khoáng được khai thác từ thời kỳ Pháp thuộc. Qua khảo nghiệm và phân tích khoa học, nước khoáng ở mỏ Vĩnh Đồng có hàm lượng khoáng hòa tan cân bằng ở mức 309 mg/lít. Theo các nhà khoa học, với hàm lượng khoáng chất này, nước khoáng tuyệt đối an toàn đối với người sử dụng (kể cả với trẻ sơ sinh). Ngoài ra, ở khu vực xã Vĩnh Tiến, Sào Báy… cũng có những mỏ nước khoáng thiên nhiên vô cùng giá trị.

Xác định rõ những tiềm năng, lợi thế, ngay từ rất sớm, huyện Kim Bôi đã nghiên cứu, khai thác để phát triển ngành "công nghiệp không khói”- du lịch, dịch vụ. Từ đây những khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng với những cái tên mỹ miều lần lượt mọc lên đó là: Suối khoáng Kim Bôi, thác Bạc Long Cung (nay là Cửu thác Tú Sơn), Vĩnh Tiến resort, Serena resort Kim Bôi, An Lạc Ecofarm …

Thật vui và tự hào khi được biết Kim Bôi - Mường Động hôm nay đã có tới 33 cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, trong đó có 6 khách sạn, 27 nhà nghỉ với gần 700 phòng phục vụ du khách. Gần 400 lao động địa phương trực tiếp kinh doanh lĩnh vực du lịch. Nhờ chủ trương trải thảm đỏ để phát triển du lịch, Kim Bôi đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách. Năm 2018, có 212.865 lượt khách du lịch đến với Kim Bôi, trong đó có 12.031 khách quốc tế. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 137 tỷ đồng.

Trở về Kim Bôi trong mùa xuân mới, giữa muôn hoa đâm chồi, nảy lộc, thu vào tầm nhìn tất cả những nét duyên của Mường Động, ký ức tôi vang lên câu hát của ca sĩ Đinh Kiều Dung, giọng "oanh vàng” Mường Động: "Anh ơi, anh hãy về Kim Bôi quê mẹ giữa mùa hoa mơ trắng ríu rít phiên chợ Bo/ Anh ơi anh hãy về Mường Động quê cha giữa màu xanh ngô lúa nghe nhịp cồng ngân nga/ Kim Bôi chén vàng xưa đong đầy nước mắt/ Suối Khoáng trong nhưng đời vẩn đục/Kim Bôi chén vàng nay đong đầy no ấm/ Suối Khoáng trong soi đời đẹp giàu…”. Câu hát xưa hòa cùng cảnh sắc hiện tại đã cho tôi nguồn cảm xúc dâng tràn, hướng trọn trái tim về Mường Động.

                                                                                        LAM NGUYỆT 



Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục