(HBĐT) -Theo tiến độ đề ra, chỉ còn 1 năm 6 tháng nữa là đến thời hạn hoàn thành Chương trình "Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn Ngân hàng Thế giới (sau đây viết tắt là Chương trình). Là 1 trong 21 tỉnh thực hiện, Hòa Bình vẫn còn loay hoay với nút thắt chưa được tháo gỡ nên tiến độ đang chậm so với yêu cầu cũng như so với các địa phương khác.


Với tổng nguồn vốn trên 187 tỷ đồng, ngành NN&PTNT được giao làm chủ đầu tư 10 công trình cấp nước sạch ở các xã khó khăn. Ảnh: Người dân sử dụng nguồn nước sạch từ công trình nước xóm Khộp, xã Ngọc Lâu (Lạc Sơn). 

Nút thắt quan trọng nhất chính là đặc thù của Chương trình. Lần đầu tiên, tỉnh ta triển khai một chương trình với đặc thù là dựa trên kết quả. Tức là Chương trình chỉ tiến hành giải ngân nguồn vốn căn cứ vào khối lượng công việc các địa phương đã hoàn thành thay vì được phân bổ vốn ngay từ đầu như nhiều chương trình, dự án khác. Theo cơ chế tài chính đã quy định, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình bao gồm vốn vay WB và vốn đối ứng của địa phương. Trong đó, chỉ tạm ứng 25% số vốn kế hoạch hàng năm, số vốn còn lại sẽ được giải ngân dựa vào kết quả thực hiện của các đơn vị. Đây thực sự là thách thức lớn đối với tỉnh trong bối cảnh nội lực còn hạn chế và khó huy động các nguồn ngoại lực.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành Chương trình trao đổi: Theo kế hoạch, Chương trình thực hiện trên địa bàn tỉnh có tổng nhu cầu vốn trong cả giai đoạn 2016 - 2020 là 279.695 triệu đồng, bao gồm 257.026 triệu đồng vốn vay WB và 22.669 triệu đồng vốn đối ứng ngân sách địa phương. Chương trình gồm 3 hợp phần: cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực, truyền thông, giám sát và đánh giá. Mỗi hợp phần sẽ được chia thành các tiểu hợp phần đan xen, giao cụ thể cho các đơn vị để cùng thực hiện. Với đặc thù là dựa trên kết quả, Chương trình đòi hỏi chủ đầu tư phải có tính chủ động cao, linh hoạt cân đối nguồn lực để triển khai các hoạt động, nhất là các hoạt động về đầu tư phát triển. Đây cũng chính là nút thắt cơ bản chưa được tháo gỡ nên tiến độ thực hiện Chương trình đang rất chậm so với kế hoạch đề ra.

Trên thực tế, chính vì chưa tháo gỡ được nút thắt lớn nhất là khả năng huy động vốn nên các ngành trực tiếp tham gia là NN&PTNT, GD&ĐT, Y tế vẫn đang lúng túng sau gần 3 năm triển khai. Theo Sở NN&PTNT - cơ quan thường trực Chương trình, từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, tổng số vốn đã chuyển về tài khoản của các đơn vị là 35.421 triệu đồng; tổng số vốn điều chuyển năm 2018 sang năm 2019 khoảng 29.137 triệu đồng; lũy kế số vốn đã giải ngân tính đến ngày 28/5/2019 khoảng 30.787 triệu đồng.

Riêng đối với ngành NN&PTNT, tổng số vốn đã phân bổ từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình đến nay là 29.240 triệu đồng. Trong khi đó, ngành được giao thực hiện tiểu hợp phần 1 về cấp nước cho cộng đồng dân cư và một phần liên quan thuộc hợp phần 3 về việc nâng cao năng lực, truyền thông thay đổi hành vi sử dụng các công trình cấp nước cho cộng đồng dân cư được hưởng lợi. Riêng tiểu hợp phần 1 đã có tổng mức đầu tư là 187.083 triệu đồng. Trong tình hình tài chính khó khăn, các đơn vị thuộc ngành NN&PTNT đang nỗ lực vượt qua thách thức để chủ động triển khai các gói thầu xây lắp, cố gắng đảm bảo tiến độ các hạng mục đầu tư xây dựng, bao gồm: mở rộng quy mô 2 công trình, xây dựng mới 3 công trình và nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 5 công trình cấp nước cho cộng đồng dân cư với tổng số 13.800 đấu nối. Đến cuối tháng 5/2019, 7 công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng quy mô đã có khối lượng thi công đạt 25 – 33% tổng giá trị hợp đồng; 3 công trình dự kiến xây dựng mới đang gấp rút hoàn thành các công đoạn lập dự án và lựa chọn nhà thầu. Với tiến độ này, từ nay đến cuối năm 2020, các dự án đều phải tăng tốc mới có thể hoàn thành đúng tiến độ.    

Tăng tốc cũng là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với các hoạt động khác thuộc khuôn khổ Chương trình. Bởi vì tiến độ đang rất chậm so với yêu cầu, hầu hết các nội dung đều mới dừng ở bước khởi động trong khi thời hạn hoàn thành chỉ còn năm 2020 và gần 6 tháng còn lại của năm 2019. Để tăng tốc cho Chương trình, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1092/QĐ-UBND, ngày 28/5/2019 về việc kiện toàn Ban điều hành. Theo đó, chỉ đạo trong thời gian tới, các sở, ngành là thành viên Ban điều hành sẽ cùng vào cuộc, phối hợp với 3 ngành trực tiếp là NN&PTNT, GD&ĐT, Y tế để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.  

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành nhấn mạnh: Thời gian không còn nhiều đồng nghĩa với việc chúng ta phải tăng tốc để về đích. Ngay trong các tháng cuối năm 2019, đề nghị các thành viên Ban điều hành nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ vướng mắc để phối hợp đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình. Trong đó, 3 Sở làm chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục chuẩn bị, sẵn sàng khởi công các hạng mục đầu tư phát triển mới, đồng thời chủ động cân đối nguồn lực để ưu tiên hoàn thành các hạng mục đang thi công. Mặt khác, Ban điều hành cũng đề nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo cân đối các nguồn lực của chương trình, dự án khác để bổ sung hỗ trợ, phấn đấu tăng tốc cho Chương trình từ nay đến cuối năm 2020.

                                                                                                                T.T

Các tin khác


Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương 2021 - 2025

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 312/QĐ-TTg về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 cho các dự án trong nội bộ của bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục