Liệu việc Trung Quốc mở cửa toàn diện cho các nhà đầu tư ngoại sớm hơn lịch trình dự kiến 1 năm có ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN?


Các nhà đầu tư ngoại tìm hiểu thị trường VN tại một hội thảo đầu tư Ảnh: Đức Hương

Trung Quốc rộng cửa cho vốn ngoại

Sau một năm kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế (GDP) của Trung Quốc đang giảm đến mức thấp nhất trong gần 30 năm trở lại đây khi quý 2 vừa qua chỉ đạt 6,2% so với 6,4% trong quý 1/2019. Để giải quyết các vấn đề kinh tế hiện tại, Trung Quốc quyết định dỡ bỏ một số giới hạn về đầu tư nước ngoài ở mảng tài chính, giới hạn về sở hữu cổ phần của người nước ngoài đối với chứng khoán, bảo hiểm và các công ty quản lý quỹ đầu tư vào năm 2020, sớm hơn một năm so với dự định. Các nhà đầu tư nước ngoài được khuyến khích tham gia thành lập công ty quản lý quỹ, môi giới tiền tệ, quản lý lương hưu, công ty phân tích tín dụng của nước ngoài được phép đánh giá nhiều loại trái phiếu, cổ phiếu hơn…

Theo ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế T.Ư, việc Trung Quốc mở cửa rộng hơn đối với thị trường tài chính nhằm thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến thị trường tài chính VN. Bởi mục tiêu chính của việc này là muốn giữ lại những nguồn vốn đang có chứ không phải thu hút thêm vốn mới. Những con số thống kê dòng vốn chảy vào các thị trường trên toàn cầu quý 2 cho thấy vốn đi vào khu vực châu Á không nhiều. Riêng trong tháng 6, dòng vốn quốc tế đổ vào các nước Mỹ, Nhật, châu Âu lại tăng so với các thị trường mới nổi. Bên cạnh đó, dòng vốn tập trung vào thị trường trái phiếu cũng phản ánh sự lo lắng của nhà đầu tư nên có xu hướng chung là bỏ tiền vào các tài sản an toàn nhiều hơn. Đặc biệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc tác động đến nền kinh tế thế giới trong thời gian tới, cho nên các nước đều nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc cũng từng bước thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ chứ không phải chỉ thực hiện gần đây.

Chuyên gia ngân hàng - TS Cấn Văn Lực đánh giá, dòng vốn ngoại rút dần ra khỏi Trung Quốc chủ yếu do tác động của thương chiến Mỹ - Trung. Các chính sách hiện tại không đủ hấp dẫn để thu hút thêm vốn mới vì có lẽ không nhà đầu tư ngoại nào lại mạo hiểm rót vốn vào nước này khi vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy chiến tranh thương mại sẽ kết thúc. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp hay gián tiếp, vẫn chảy vào VN nên có thể nói, chính sách của Trung Quốc tác động không đáng kể đến thị trường VN.

Vốn đầu tư vào VN vẫn thuận lợi

Ngày 16.7 vừa qua, Công ty đầu tư Premia Partners tại Hồng Kông công bố thành lập Quỹ ETF nhằm tiếp cận cơ hội đầu tư tại VN với tên gọi Premia MSCI Vietnam ETF, với số vốn 21 triệu USD. VN được chọn bởi 5 lý do: tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, FDI và thương mại tích cực; tăng trưởng tiêu dùng mạnh mẽ; điều kiện kinh tế vĩ mô cải thiện; cuối cùng là yếu tố mở cửa, nâng cấp thị trường vốn. Dù quy mô tài sản ròng khá nhỏ so với những quỹ ETF tham gia vào thị trường chứng khoán VN, nhưng quỹ này được kỳ vọng sẽ dẫn dòng vốn lớn từ châu Á, đặc biệt là Trung Quốc vào thị trường trong thời gian tới.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính, Bộ Tài chính), nhận định VN đang có nhiều lợi thế để thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lẫn vốn gián tiếp. Đặc biệt, các cơ hội này gia tăng nhờ vào những lợi thế sau khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do VN - EU.

"Tôi vẫn chưa thấy có mối liên hệ giữa các chính sách tiền tệ của Trung Quốc với dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN, kể cả vốn gián tiếp. Bởi nguồn vốn gián tiếp luôn bị thu hút bởi các yếu tố như định giá cổ phiếu hay giá trị các doanh nghiệp (DN) cao hay thấp? VN vẫn giữ được tăng trưởng kinh tế tốt, mức độ lạm phát và tỷ giá ổn định là những điều kiện cơ bản để nhà đầu tư nước ngoài đặt kỳ vọng. Thêm vào đó, các lợi thế từ những hiệp định thương mại mới đây sẽ giúp nhiều DN được hưởng lợi. Từ đó cũng sẽ thu hút thêm vốn ngoại rót vào mua cổ phiếu DN tại VN”, TS Nguyễn Đức Độ chia sẻ.

TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM, cũng cho rằng sắp tới dòng vốn ngoại vào VN dù ở hình thức nào cũng sẽ khá thuận lợi. Bởi sau khi chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra, những lợi thế về xuất khẩu của các DN Trung Quốc đã không còn và có thể nhiều "đối thủ” lớn của VN cũng tụt hạng. Ngược lại, các DN VN được kỳ vọng sẽ mở rộng được thị trường xuất khẩu, tăng doanh thu và lợi nhuận nên sẽ thu hút nhiều hơn dòng vốn đầu tư, nhất là gom mua cổ phiếu trên sàn để tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại.


Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục