Chín tháng năm 2019, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhưng nhờ triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, kinh tế Hà Nội vẫn đạt được những bước phát triển tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,35% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của ngành công thương Thủ đô.


Kinh tế Thủ đô trên đà tăng trưởng

Khách hàng chọn mua rau củ tại siêu thị Big C Thăng Long.

Công nghiệp phục hồi

Theo Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng, năm 2019, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng từ 8,6 đến 8,8% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5 đến 8%; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng từ 9 đến 10%... Ðể hoàn thành và vượt những chỉ tiêu này, ngay từ những tháng đầu năm, ngành công thương Thủ đô đã nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành như công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, xuất khẩu, quản lý năng lượng...

Về công nghiệp, cùng với xu hướng của cả nước, công nghiệp của Hà Nội đang dần chuyển dịch theo hướng phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao và giá trị xuất khẩu lớn. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Mặc dù những tháng đầu năm 2019 ngành công nghiệp có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước, nhưng đã có sự phục hồi mạnh trong quý II và quý III. Tính chung chín tháng năm 2019, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,01% (cao hơn mức tăng 7,72% của cùng kỳ năm 2018), đóng góp 1,66 điểm % vào mức tăng 7,35% của GRDP. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) đã có sự phục hồi mạnh qua từng quý, hiện nay đạt mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ðể có được sự phục hồi này, Sở Công thương Hà Nội đã tích cực xây dựng và triển khai các chương trình phát triển như Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2019 - 2020; Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực... Sở đã tổ chức Hội chợ triển lãm chuyên ngành về công nghệ hỗ trợ, chế tạo tại Hà Nội năm 2019 tại Trung tâm triển lãm Quốc tế I.C.E Hà Nội. Ðồng thời, làm việc với Ban Quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn cung cấp thông tin về chương trình để các doanh nghiệp tiêu biểu tham gia Chương trình xét chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội năm 2019. Ðến nay đã có 30 doanh nghiệp với 39 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình. Ðể trang bị đầy đủ hơn cho các doanh nghiệp, Sở đã tổ chức các lớp tập huấn về nhiều nội dung quan trọng như: Số hóa hoạt động của doanh nghiệp để tiếp cận cách mạng CN 4.0; tiếp cận các tiêu chuẩn quản lý quốc tế (ISO, quy trình 5s…); đào tạo Matching - online; phương pháp quản trị doanh nghiệp hiện đại tại các cụm công nghiệp....

Công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp cũng tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh. Năm 2019, Hà Nội đã thành lập thêm ba cụm công nghiệp trên địa bàn gồm Cụm công nghiệp Dị Nậu, Cụm công nghiệp Chàng Sơn - giai đoạn 2, huyện Thạch Thất, Cụm công nghiệp Cầu Bầu - giai đoạn 2, huyện Ứng Hòa. Ðồng thời, đang tiếp tục xem xét quyết định thành lập 20 cụm công nghiệp khác theo quy hoạch. Ngành công thương Thủ đô sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh tại các cụm công nghiệp này; triển khai xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 và xây dựng Dự thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025...

Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, làng nghề cũng đã có nhiều giải pháp phát huy giá trị của các làng nghề. Năm 2019, Hà Nội tiếp tục công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội” cho ba làng nghề và phê duyệt danh sách các làng nghề và nội dung hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu làng nghề. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác truyền nghề, tập huấn kỹ năng cho các cá nhân, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp làng nghề. Chín tháng vừa qua, Hà Nội đã khai giảng 36 lớp truyền nghề thủ công mỹ nghệ, 17 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn và triển khai đề án hỗ trợ thiết bị và ứng dụng công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất tại các cơ sở công nghiệp nông thôn. Những việc này góp phần giúp cho hoạt động sản xuất tại các làng nghề đi vào chuyên nghiệp, bài bản hơn. Từ đó, thuận lợi tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Năm 2019, Hà Nội đã đẩy mạnh việc hỗ trợ quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề tại các hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Hiện tại, Sở Công thương đang tích cực triển khai công tác tổ chức Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội 2019, Cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2019.

Thương mại phát triển theo hướng hiện đại

Hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn TP Hà Nội chín tháng qua tiếp tục xu hướng tăng khá, sức mua tiêu dùng tiếp tục tăng cao. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,72% so với cùng kỳ năm 2018, đóng góp 4,64 điểm % vào mức tăng 7,35% của GRDP, trong đó một số ngành có tỷ trọng lớn vẫn giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội chín tháng năm 2019 đạt gần 2.036 tỷ đồng, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2018.

Hạ tầng thương mại trên địa bàn Hà Nội đang tiếp tục được hiện đại hóa và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Ðến nay, trên địa bàn đã có 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi; 455 chợ… Trong đó, hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi-ni, chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm… đang hình thành với tốc độ nhanh tại các tuyến phố, ngõ xóm, tòa nhà chung cư…, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng mua sắm và dần dần hình thành nét văn minh thương mại mới.

Ðáng lưu ý, để theo kịp với sự phát triển của thời đại công nghệ số, ngành công thương Thủ đô đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển thương mại điện tử, khuyến khích các hình thức mua sắm, thanh toán mới như tiếp tục vận hành website "Bản đồ mua sắm TP Hà Nội” tại địa chỉ mạng http://bandomuasam.hanoi.gov.vn, cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực… trên địa bàn. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại điện tử đã từng bước đưa mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người dân, nhất là với những người tiêu dùng trẻ. Lũy kế đến tháng 9-2019, Hà Nội có 10.170 website, ứng dụng thương mại điện tử của tổ chức, cá nhân được tiếp nhận và chấp thuận thông báo, đăng ký hoạt động trên địa bàn. Liên tục trong 5 năm gần đây, Hà Nội là một trong hai địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, chỉ sau TP Hồ Chí Minh. Cùng với nền tảng thương mại điện tử, thành phố cũng đang tích cực triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và mạng lưới máy bán hàng tự động.

Với vai trò, vị trí của mình, ngay từ đầu năm, TP Hà Nội đã tích cực triển khai Ðề án Phát triển thị trường trong nước, gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tiếp tục phối hợp các tỉnh, thành phố, đơn vị trong cả nước triển khai hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản các địa phương tại thị trường Hà Nội và giới thiệu các sản phẩm của Hà Nội đi khắp nơi. Như phối hợp tỉnh Sơn La tổ chức các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ nông sản thực phẩm, trái cây tỉnh Sơn La; xuất khẩu sản phẩm xoài sang thị trường Ô-xtrây-li-a, Hoa Kỳ; phối hợp tỉnh Bắc Giang tổ chức các hoạt động xúc tiến, tiêu thụ vải thiều và nông sản tỉnh Bắc Giang… Nhờ khai thác nguồn hàng, liên kết vùng từ khâu sản xuất đến phân phối, nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội đã ngày càng phong phú, đa dạng và cạnh tranh hơn.

Về xuất khẩu, tính chung chín tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn đã đạt 12,4 tỷ USD, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Ðóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng dệt may tăng 22,3%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 26%,... Các thị trường xuất khẩu chính của Hà Nội gồm: Hoa Kỳ (chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 31,5% so cùng kỳ năm trước); Trung Quốc, EU… Ðặc biệt, thời gian qua, lĩnh vực xuất khẩu của Thủ đô đã có điểm sáng mới là mở rộng thị trường sang các nước châu Phi. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này không lớn, nhưng đây là tín hiệu tích cực trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, thời gian tới, ngành công thương Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các nhiệm vụ, kế hoạch, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp từ cải cách hành chính, tiếp cận các nguồn lực về vốn, đất đai… cho tới tiếp cận khách hàng, mở rộng thị trường. Riêng về công nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện và đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Ðồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Về thương mại, Hà Nội sẽ tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường, phát triển, khai thác cả thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng cho các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu lớn. Tập trung triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030; Ðề án "Ðẩy mạnh xuất khẩu của TP Hà Nội thời kỳ hội nhập”; Ðề án "Giải pháp phát triển kinh tế của TP Hà Nội trong bối cảnh thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nhật Bản”… Tăng cường công tác tập huấn, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực thi các cam kết hội nhập, tận dụng những lợi thế của các hiệp định đem lại cho hàng hóa, doanh nghiệp Việt Nam. Ðồng thời, cũng đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động " Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để sản xuất trong nước ngày càng đứng vững trên thị trường, kinh tế Thủ đô ngày càng phát triển.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục