(HBĐT) - Sau khi tìm tòi, nghiên cứu, chị Phan Tuyết Nga, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đã đem giống cây măng tây lên vùng đất khó ở thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy). 


Mô hình trồng măng tây của chị Phan Tuyết Nga ở thôn Bến Nghĩa, xã Phú Nghĩa (Lạc Thủy) phát triển hiệu quả, cho lợi nhuận kinh tế cao. 

Với gần 5 năm phát triển, mô hình trồng măng tây của chị Nga đã đem lại hiệu quả, cho thu nhập khá, từng bước được nhân rộng tại các vùng lân cận. 

Đưa măng tây về Lạc Thủy

Chị Nga chia sẻ: "Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc măng tây tại Ninh Thuận, tìm kiếm, khảo sát thực địa, tôi chọn đặt địa điểm vườn tại xã Phú Nghĩa. Nơi đây hội tụ đầy đủ về điều kiện tự nhiên, khí hậu phù hợp; nguồn nước tưới dồi dào từ sông Bôi; hệ thống đường giao thông thuận tiện di chuyển đến các địa phương lân cận như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa… Tận dụng những tiềm năng, lợi thế đó, tôi bắt tay vào trồng 24.000 gốc măng tây trên diện tích khoảng 1,5 ha. Tuy nhiên, quá trình phát triển mô hình, tôi chưa có kinh nhiệm nên gặp nhiều khó khăn do phát sinh chi phí, tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến hơn 1 tỷ đồng. Vừa kiến thiết hạ tầng, xuống giống xong thì trận mưa lũ năm 2016 đã cuốn trôi phần lớn diện tích vườn măng tây, khiến tôi thiệt hại nặng nề về kinh tế”.  

Không nản chí trước những khó khăn, thách thức, chị Nga tiếp tục vay mượn vốn của gia đình, người thân để đầu tư, cải tạo vườn măng tây. Nỗ lực tìm tòi, học hỏi qua sách, báo, internet để trau dồi kiến thức, áp dụng KHKT vào quá trình sản xuất, để nâng cao chất lượng cây và sản lượng thu hoạch.

Theo đó, trung bình mỗi ngày, vườn măng tây của gia đình chị Nga có thể thu về khoảng 70 kg, có ngày thu đến 180 kg. Sản lượng trên 1 ha đạt khoảng 16 tấn măng tây, chu kỳ thu hoạch cứ 3 tháng nghỉ 1 tháng. Hiện nay, măng tây loại 1 có giá khoảng 70.000 đồng/kg, loại 2 là 60.000 đồng/kg. Sản phẩm luôn trong tình trạng cháy hàng, không đủ cung ứng cho tư thương, nhà hàng tại khu vực Hà Nội và các vùng lân cận. Tổng thu hàng năm ước đạt khoảng 1,3 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình chị Nga còn giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 15 lao động địa phương, với mức thu nhập khoảng 6 triệu đồng/người/tháng.

Mở rộng liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các hộ trồng măng tây 

Ấp ủ mong muốn mở rộng, phát triển hiệu quả mô hình trồng măng tây, đến nay, diện tích vườn của gia đình chị Nga đã được mở rộng lên 3 ha, được trồng đúng tiêu chuẩn với tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Chị thường xuyên hướng dẫn công nhân lao động theo dõi quá trình sinh trưởng của cây để kịp thời có những giải pháp đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng.

Để tiếp tục mở rộng quy mô vườn và hỗ trợ các gia đình có nhu cầu phát triển mô hình trồng măng tây, hiện, chị Nga nhận làm cố vấn kỹ thuật cho các vườn tại khu vực tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội với mức phí 10 triệu đồng/vườn. Theo đó, chị Nga sẽ hỗ trợ toàn bộ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các nhà vườn trong quá trình trồng, chăm sóc cây. Mặt khác, sẽ hỗ trợ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của các nhà vườn. Theo thống kê, bình quân mỗi ngày, gia đình chị bao tiêu được khoảng 150 kg măng tây cho các nhà vườn. Ngoài ra, để chủ động nguồn giống, chị Nga lựa chọn mua giống từ bên Mỹ để nghiên cứu, lai tạo giống cây măng tây sinh trưởng tốt, đạt yêu cầu chất lượng. Trung bình mỗi năm, chị xuất bán ra thị trường khoảng 2 vạn cây giống, mức giá bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/cây.

Chị Nga chia sẻ thêm: "Măng tây là loại rau được người dân và các nhà hàng rất ưa chuộng, bởi giàu chất dinh dưỡng, dễ chế biến và dễ ăn. Do nguồn cung không đủ nên sản phẩm của gia đình tôi luôn trong tình trạng cháy hàng. Bởi vậy, tôi luôn nung nấu ý định liên kết với các nhà vườn để mở rộng quy mô, đảm bảo nguồn cung ứng cho người dân, các siêu thị, nhà hàng có nhu cầu”.

 Đức Anh 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục