(HBĐT) - Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có trên 73 nghìn ha rừng trồng sản xuất, trong đó, khoảng 20 nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, chiếm 27% diện tích rừng trồng hiện có; cung cấp nguyên liệu cho sản xuất, chế biến, khẳng định lợi ích kinh tế từ rừng, góp phần duy trì độ che phủ rừng toàn tỉnh trên 51%.



Người dân xã Tân Vinh (Lương Sơn) chăm sóc rừng keo năm thứ 4. 

Đối với rừng sản xuất, diện tích đất trống, đồi trọc được phủ xanh, thu nhập, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nhưng hầu hết diện tích rừng trồng áp dụng phương thức sản xuất kinh doanh gỗ nhỏ, khai thác rừng non, với chu kỳ từ 5 - 6 năm, theo hình thức quảng canh; năng suất, chất lượng rừng còn thấp (khoảng 65 m3/ha/chu kỳ); sản phẩm khai thác chủ yếu làm nguyên liệu giấy và dăm gỗ. Thu nhập cho một chu kỳ sản xuất chỉ đạt 10,4 triệu đồng/ha/năm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Diện tích rừng quản lý bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC còn ít; quy cách, chất lượng gỗ khai thác không đáp ứng yêu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ, sản xuất đồ mộc trong nước và xuất khẩu.

Do đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế từ trồng rừng theo hướng chuyển đổi mô hình kinh doanh rừng trồng, hướng tới chuyển đổi cơ cấu sản phẩm gỗ khai thác, tăng tỷ lệ diện tích rừng trồng gỗ lớn và cấp chứng chỉ FSC, cần tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giống, thực hiện cách mạng về giống; chuyển dần tập quán sản xuất lâm nghiệp quảng canh sang thâm canh rừng; thay đổi thói quen khai thác rừng non (gỗ nhỏ) sang sản xuất kinh doanh gỗ lớn, phục vụ công nghiệp chế biến gỗ hướng đến xuất khẩu; gắn phát triển rừng sản xuất với việc thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Để tạo đà cho phát triển rừng sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập người trồng rừng, UBND tỉnh đã xây dựng đề án về hỗ trợ phát triển bền vững rừng sản xuất giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2035. Mục tiêu của đề án là nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh, phát triển bền vững rừng sản xuất, trồng rừng trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết từ trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao giá trị tăng thêm ngành lâm nghiệp, khả năng cạnh tranh sản phẩm và phát triển rừng bền vững. Phấn đấu đến năm 2025, trung bình mỗi năm có 3 nghìn ha rừng trồng gỗ nhỏ, được chuyển hóa sang kinh doanh gỗ lớn; 6 nghìn ha rừng trồng mới thâm canh gỗ lớn bằng giống chất lượng cao; 30% diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC; năng suất rừng trồng tăng lên 1,3 lần, sản lượng gỗ đạt trung bình 150 m3/ha/chu kỳ gỗ lớn, giá trị thu được bình quân mỗi năm trên 1 ha đất rừng trồng sản xuất tăng gấp 2,5 lần (khoảng 25 triệu đồng/ha/năm); tỷ trọng ngành lâm nghiệp chiếm 16% tăng trưởng ngành; duy trì độ che phủ rừng hàng năm trên 50%...


Để thực hiện đề án trên, trong giai đoạn từ năm 2020 – 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ trồng rừng thâm canh gỗ lớn bằng cây giống chất lượng cao và phân bón 36.000 ha; chuyển hóa kinh doanh rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng gỗ lớn 18.000 ha; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng FSC 31.500 ha; thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng để đầu tư thâm canh rừng, kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng gỗ lớn... Tổng nhu cầu vốn để thực hiện đề án khoảng 2.600 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác.


Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đề án khi được triển khai thành công sẽ kéo dài chu kỳ kinh doanh gỗ lớn, góp phần duy trì ổn định độ che phủ rừng của tỉnh trên 51%; duy trì, điều tiết nguồn nước, phòng chống lũ lụt, hấp thu các bon, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đề án sẽ mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế, giúp nâng cao giá tiêu thụ sản phẩm gỗ khai thác, thu nhập cho người trồng rừng; thúc đẩy, đem lại lợi ích kinh tế cho các ngành khác như công nghiệp chế biến, nông nghiệp, du lịch… Bên cạnh đó, tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho người trồng rừng, thu hút hàng nghìn lao động nhàn rỗi vào sản xuất lâm nghiệp…, góp phần giảm bớt áp lực về lao động thất nghiệp dịch chuyển từ nông thôn ra thành thị, ổn định cuộc sống ở vùng nông thôn.


Đinh Thắng

Các tin khác


Khởi sắc một vùng quê

(HBĐT) - Cách trung tâm huyện 20 km, An Bình là xã vùng sâu của huyện Lạc Thủy, nhưng lại có bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt trong những năm qua. Đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, nhà cửa khang trang, không khí nhộn nhịp của một vùng quê trù phú, cho thấy nỗ lực không nhỏ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân suốt 5 năm qua.

Lạc Thủy phấn đấu là huyện tốp đầu phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, phóng viên Báo Hòa Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Hải, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy về những kết quả đạt được và những giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế xây dựng Lạc Thủy trở thành huyện có mức phát triển khá của tỉnh.

Huyện Lạc Thủy tái cơ cấu nông nghiệp – động lực xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy đang có nhiều khởi sắc trong diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nếu so với 5 năm trước, hành trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã tiến được một chặng đường dài. Trên chặng đường đó, xuất hiện dấu ấn nổi bật của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp - vốn được xác định là động lực mạnh mẽ để huyện xây dựng NTM thành công.

Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, nộp ngân sách Nhà nước

(HBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND ngày 27/5/2020 về tổ chức phong trào "Thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu, nộp NSNN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2020”. Phong trào nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tổ chức, vận động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT – XH năm 2020 của tỉnh.

Huyện Cao Phong chú trọng phát triển giao thông nông thôn

(HBĐT) - Xác định giao thông nông thôn (GTNT) là đòn bẩy thúc đẩy phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Cao Phong đã quan tâm, tập trung huy động nguồn lực để xây dựng các tuyến đường GTNT, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương. Hàng năm, huyện thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đường sá, cầu cống, phát quang tầm nhìn 2 bên đường, huy động Nhân dân tận dụng vật liệu tại chỗ sửa chữa đường đi, triển khai chiến dịch "Toàn dân tham gia làm đường GTNT”...

CPI tháng 5 giảm 0,03% nhờ chính sách gỡ khó khăn do COVID-19

Sáng 29/5, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 5/2020 giảm 0,03% so với tháng trước, giảm 1,24% so với tháng 12/2019, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước nhờ hàng loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục