(HBĐT) - "Chưa năm nào giá rẻ mà lại khó bán như vậy". Đó là câu nói đầy ngao ngán của nhiều người trồng cam, bưởi trong tỉnh khi đang phải trải qua một vụ thu hoạch khó khăn.


Nhiều bà con chào mời khách mua cam với giá bán bình quân 7 - 8 nghìn đồng/kg. Ảnh chụp tại chợ Bảm, xã Tây Phong (Cao Phong).

Dọc quốc lộ 12B đoạn qua địa phận huyện Tân Lạc, đâu cũng thấy sạp bưởi đỏ. Những trái bưởi màu sắc vàng óng rất bắt mắt, hương bưởi tỏa ra thơm ngát. Chỉ có điều, gương mặt người bán lại khá đăm chiêu, khi giá bưởi đã rẻ lại vắng người mua. Suốt từ buổi sáng đến gần 15h, chị Bùi Thị Yến, xóm Cụ, xã Thanh Hối mới bán được hơn 20 quả bưởi đỏ loại từ 0,8 - 1,2 kg/quả, giá chỉ từ 8 - 10 nghìn đồng/quả, hiếm lắm mới bán được giá 12 nghìn đồng/quả. Chị Yến cho biết: Hai năm nay, bà con trồng bưởi trong xóm đã làm sạp để bán bưởi cho khách đi qua đường. Nhưng vụ bưởi này nhiều sạp nhất, vì ít khách đến mua tận vườn. "Nhà tôi có 80 gốc bưởi hơn 10 năm tuổi, những năm được mùa, được giá, thu được trên 100 triệu đồng mỗi vụ. So với những vụ trước, vụ này nhiều vườn bưởi không đậu quả, nhưng lại rất khó bán mà giá rẻ lắm” - chị Yến thở dài. 

Cách sạp bưởi của chị Yến chừng 5 m là sạp bưởi của chị Bùi Thị Thứ, cùng xóm Cụ, xã Thanh Hối. "Loại này, năm ngoái rẻ nhất cũng phải từ 15 nghìn đồng trở lên. Năm nay thì… chán lắm! Em mua đi, chị bán 10 nghìn đồng 1 quả thôi” - chị Thứ mời chúng tôi mua bưởi loại 1 (trên 1 kg/quả). Còn đối với bưởi loại 2, loại 3 (dưới 0,8 kg/quả) thì chỉ vài nghìn đồng. "Do khó bán nên mới phải mang ra ngoài này. Thực trạng chung, ngay cả xóm Tân Hương, những năm trước bưởi bán được giá cao, nhưng năm nay cũng gặp nhiều khó khăn” - chị Thứ cho biết thêm.

Giá rẻ, tính ra chỉ với 100 nghìn đồng đã mua được một tải bưởi đỏ, chất lượng thơm ngon để thưởng thức. Đến với "vựa” bưởi đỏ Đông Lai, người dân đang khẩn trương tiêu thụ bưởi khi các vườn đã chín rộ. Đồng chí Bùi Văn Sư, Chủ tịch UBND xã cho biết: Đông Lai có hơn 220 ha bưởi, trong đó, 70% diện tích đã cho thu thoạch. Đầu vụ, tư thương thu mua với giá khoảng 10 nghìn đồng/quả loại 1, hiện giảm xuống chỉ 7 - 8 nghìn đồng/quả. Về các xã vùng sâu của huyện Tân Lạc như Gia Mô, Lỗ Sơn, giá bưởi thậm chí còn rẻ hơn. Với loại bưởi bi (dưới 0,5 kg/quả), nhiều tư thương mua theo tải, mỗi tải bưởi từ 80 - 100 nghìn đồng, tính ra chỉ 3 - 4 nghìn đồng/quả.

Bưởi sụt giá, cam, quýt cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Hình ảnh cam, quýt được bày bán la liệt ở chợ Bảm, xã Tây Phong (Cao Phong) những ngày này đã nói lên thực trạng đó. Mỗi ngày, dọc quốc lộ 6 ở khu chợ Bảm, hàng chục hàng cam san sát nhau kéo dài cả trăm mét. Theo chia sẻ của chị Nhung, một người trồng cam ở xã Tây Phong, do không có tư thương đến thu mua, chị phải cắt cam chở ra bán ở chợ Bảm. Hiện, cam ở vườn vẫn còn nhiều, chị Nhung đang khá đau đầu vì cam đã bán chậm, giá rẻ mà còn bị rụng khá nhiều. Quan sát thực tế có thể thấy, chất lượng, mẫu mã cam được bày bán khá đa dạng nên giá bán cũng khác nhau. Những quả cam, quýt mã đẹp giá trên 10 nghìn đồng/kg, loại xấu mã hơn giá dưới 10 nghìn đồng/kg, thậm chí 15 nghìn đồng/2 kg cam. Thế nhưng, thực tế, cam, quýt được bày bán tại đây có mẫu mã chưa thực sự bắt mắt, nhiều bà con thừa nhận, vụ năm nay, do các yếu tố như thời tiết, việc chăm bón chưa tốt nên chất lượng cam chưa cao. Đối với những loại cam mẫu mã đẹp, có thương hiệu, hiện vẫn được bán với giá từ 20 - 30 nghìn đồng/kg. 

Câu chuyện về chất lượng của cam, bưởi khi mà diện tích trồng các loại cây này tăng gấp nhiều lần so với trước đây cũng là vấn đề được nhiều người đặt ra, nhất là trong bối cảnh giá bán của những loại quả này đang chạm đáy. Huyện Tân Lạc hiện có tổng diện tích bưởi 1.105 ha, 900 ha đã cho thu hoạch. Con số này đã tăng 546,6 ha so với diện tích bưởi trên toàn huyện năm 2015, vượt 555 ha so với mục tiêu nghị quyết đề ra của huyện. Đồng chí Vũ Mạnh Thắng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc cho biết: Vụ này, giá bưởi thấp hơn so với mọi năm, nhưng đối với bưởi đã có thương hiệu, sản xuất theo quy trình VietGAP, hay được chứng nhận sản phẩm OCOP thì bán được giá cao hơn. Đánh giá về nguyên nhân khiến việc tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp như hiện nay, đồng chí Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho rằng, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến thị trường; bưởi Tân Lạc cũng đang phải chịu sự cạnh tranh với bưởi của nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh. 

Để giải quyết vấn đề này, đồng chí Thắng nhấn mạnh sự cần thiết của việc đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại. Đó cũng là mong mỏi của nhiều người trồng cam, trồng bưởi trên địa bàn tỉnh. Nhưng, "vụ này, bưởi bị ong châm nhiều nên vỏ không đẹp. Cam bị ruồi đục nên quả xấu hơn”, những chia sẻ đó cho thấy vấn đề ở khâu sản xuất. Thiết nghĩ, song song với đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, việc đầu tư, chăm sóc để nâng cao chất lượng quả cam, quả bưởi là rất quan trọng. 

Viết Đào

Các tin khác


Tháo gỡ vướng mắc đường liên kết vùng

Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh, khi hoàn thành mở ra cơ hội rất lớn kết nối thông thương, khai thác tiềm năng, lợi thế, phát triển đô thị, dịch vụ. Với ý nghĩa quan trọng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), chuyển đổi đất rừng, đất lúa, đẩy nhanh tiến độ triển khai.

Hiệu quả từ tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện

Sử dụng tiết kiệm điện đem lại lợi ích "kép”, giúp giảm áp lực cấp điện trong bối cảnh cung cấp điện gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt giúp chúng ta giảm chi phí sử dụng điện, nhất là trong mùa nắng nóng khi nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến.

Giá vàng sáng 19/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 19/4, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 82,1 - 84,12 triệu đồng/lượng (mua vào- bán ra). Giá vàng nhẫn công ty này niêm yết ở mức 74,7 -76,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Xã Đồng Ruộng tìm hướng thoát nghèo từ nuôi dê

Thực hiện công tác giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thời gian qua, nhiều hộ trên địa bàn xã Đồng Ruộng (Đà Bắc) đã phát triển, nhân rộng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập đáng kể, giải quyết việc làm, mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục