(HBĐT) - Từ sự lãnh đạo, định hướng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với nhiều cơ chế, chính sách đúng và trúng được triển khai thực hiện đã giúp lĩnh vực xuất khẩu của tỉnh đạt được kết quả đáng kể. Kim ngạch xuất, nhập khẩu năm sau cao hơn năm trước, giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 28,5%. Song trên thực tế, kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Tỉnh đang kỳ vọng về một sự bứt phá với những mặt hàng chủ lực, mang tính đặc trưng, từ đó tạo đà mạnh mẽ góp phần xoay chuyển cục diện phát triển kinh tế của tỉnh.
Bài 2 - Kỳ vọng về sự bứt phá hàng xuất khẩu 

>> Bài 1 - Tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy xuất khẩu

Năm 2020, sản phẩm nhãn Sơn Thủy (xã Xuân Thủy - Kim Bôi) đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho nông sản của tỉnh.

Nếu như năm 2016, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mới đạt 340 triệu USD, đến năm 2018 tăng lên 616,15 triệu USD, đặc biệt trong năm 2020, mặc dù gặp vô vàn khó khăn, trở ngại nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt được con số ấn tượng là 1.032 triệu USD. Nhờ vậy, đưa tốc độ tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu đạt 30%/năm. Cùng với đó, kim ngạch nhập khẩu của tỉnh năm 2020 ước đạt 875 triệu USD; qua đó kéo tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ước đạt 1.907 triệu USD, gấp 3,5 lần so với năm 2015.

Đến năm 2020, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện tử ước đạt 577 triệu USD, nhóm dệt may ước đạt 332 triệu USD, nhóm hàng kim loại ước đạt 43,1 USD, nhóm hàng nông sản ước đạt 9,7 triệu USD và nhóm hàng hóa khác ước đạt 25 triệu USD. Nhóm hàng điện tử, dệt may đóng góp chính vào tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh. Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Hiện đã mở rộng thêm một số thị trường mới mà Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do như: Các nước thành viên của Hiệp định CPTPP; Hiệp định EU, thị trường Canada, Ấn Độ... Năm 2020, Hiệp định EVFTA được ký kết, cho phép các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nói chung và DN trên địa bàn tỉnh nói riêng tham gia vào các chuỗi giá trị sản xuất, góp phần mở rộng thị trường xuất nhập khẩu trong thời gian tới.

Từ kết quả đạt được cho thấy, hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tập trung chủ yếu ở nhóm hàng linh kiện điện tử, gia công may mặc. Nhóm hàng nông sản có tăng trưởng trong thị phần về mặt hàng xuất khẩu song còn ít, giá trị thấp, chủ yếu tập trung vào mặt hàng chế biến lâm sản. Các sản phẩm nông sản của tỉnh chưa có sản phẩm chế biến chất lượng cao, giá thành sản xuất cao dẫn đến cạnh tranh kém, bị ép giá trên thị trường. Xuất khẩu vẫn tập trung vào thị trường truyền thống. Vì vậy, khi thị trường các nước có biến động mạnh dẫn đến sự ảnh hưởng, gây thiệt hại không nhỏ cho các DN của tỉnh. Sự liên kết giữa các DN còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu...

Bà Lê Thị Vân, Giám đốc Công ty CP INCA Việt Nam, phường Kỳ Sơn (TP Hòa Bình) cho biết: Công ty chuyên sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây sachi. Chúng tôi có vùng nguyên liệu khoảng 250 ha ở 14 tỉnh, thành phố, riêng trong tỉnh Hòa Bình có 150 ha. Công ty bước đầu hướng tới hàng xuất khẩu, nhưng mới dừng ở mặt hàng thô như hạt, nhân và dầu sachi. Qua tìm hiểu thị trường các nước, chúng tôi thấy họ có nhu cầu khá lớn về các mặt hàng này. Tuy nhiên, do nguyên liệu sản xuất chưa nhiều, cùng với hệ thống thiết bị, máy móc chưa được đầu tư, đổi mới công nghệ nên công ty chưa đủ lượng hàng để cung cấp cho thị trường nhiều nước. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn có đủ trang, thiết bị hiện đại nâng cấp sản phẩm tinh để xuất khẩu ra nước ngoài. Trước mắt, trong năm 2021, công ty dự định đầu tư một số mặt hàng xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Trao đổi về công tác xuất khẩu, đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2020, giá trị xuất khẩu của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD, nhưng chủ yếu vẫn ở các mặt hàng lắp ráp điện tử, liên quan đến may mặc, kết cấu thép. Tuy tỉnh có nhiều nông sản chủ lực, thế mạnh nhưng giá trị xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất thấp. Đây là vấn đề đặt ra đối với tỉnh, chính vì vậy, năm qua, ngành Công Thương đã chủ động tham mưu với tỉnh ban hành một đề án hết sức quan trọng là nâng cao các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có sự tính toán để trước mắt tiêu thụ trong nước thật tốt và hướng tới xuất khẩu. Việc xuất khẩu đòi hỏi các tiêu chí rất khắt khe, đặc biệt với thị trường châu Âu. Đây là vấn đề lớn đặt ra đối với ngành Công Thương, do vậy cần có sự phối hợp tích cực giữa các ngành, nhất là ngành NN&PTNT, Hội Nông dân, Liên minh HTX, các huyện, thành phố để thực hiện tốt đề án này. Muốn vậy, thứ nhất cần làm tốt công tác quy hoạch vùng. Thứ hai là tất cả các tiêu chuẩn phải đặt lên mức độ cao nhất thì nông sản của tỉnh mới vào được các thị trường khó tính trên thế giới.

Đồng chí Giám đốc Sở Công Thương cũng bày tỏ: Mong muốn rất lớn của ngành là tham mưu với tỉnh làm sao thu hút được các DN chế biến vào đầu tư. Hiện nay, sản lượng nông sản của tỉnh khá lớn, có nhiều nguồn cung, như cam Cao Phong, bưởi Tân Lạc, cá, tôm sông Đà và một số sản phẩm đặc trưng khác. Song chúng ta mới chỉ bán thô, còn việc chế biến phục vụ xuất khẩu chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra trong thời gian tới là song song với thực hiện hiệu quả đề án thì phải tìm được đối tác có kinh nghiệm xuất khẩu, nhất là lĩnh vực chế biến. Tỉnh phải mở ra được con đường này mới thực sự nâng cao được chất lượng, năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu. Do vậy, mong muốn trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ Bộ Công Thương, tỉnh sẽ thu hút các DN lớn, tiềm năng vào đầu tư để làm sao tạo lực đẩy thay đổi được cục diện lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng như xuất khẩu của tỉnh.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã, đang sát sao chỉ đạo việc duy trì, mở rộng ngành hàng, lĩnh vực tại các thị trường truyền thống; phát triển thị trường tiềm năng mới; đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường nhất định, góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm.

Tỉnh cũng chủ trương đẩy mạnh hỗ trợ DN đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, hợp tác làm ăn với các đối tác nước ngoài. Mở rộng quan hệ với các tỉnh, thành phố của nước ngoài, đặc biệt là những tỉnh, thành phố đã có quan hệ chính thức. Đồng thời, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cần đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ DN xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu cho một số ngành hàng chủ lực và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng phù hợp với từng thị trường, năng lực của DN. Áp dụng tiến bộ KHKT, tập trung tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và thị trường. Xác định rõ nhóm hàng, danh mục hàng hóa và thị trường xuất khẩu chủ yếu. Đánh giá cụ thể sức cạnh tranh của từng loại sản phẩm chủ yếu để có biện pháp khắc phục những yếu kém, bảo đảm sản phẩm của địa phương chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn mạnh ra thị trường quốc tế...


Hoàng Nga


Các tin khác


Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục