(HBĐT) - Những năm gần đây, bộ mặt nông thôn của tỉnh đã được "thay áo mới”; nhiều thôn, xóm trở thành miền quê tươi đẹp với hệ thống kết cấu hạ tầng được xây dựng đồng bộ, khang trang; nhiều mô hình sản xuất quy mô, bài bản, mang lại giá trị kinh tế cao được hình thành, nhân rộng… Kết quả này có sự đóng góp tích cực khi vai trò nòng cốt của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (XDNTM) được khơi dậy, phát huy.


Nhiều hộ ở xóm Hổ 1, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) quy hoạch vườn bài bản, đầu tư trồng bưởi Diễn mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trên tuyến đường rộng rãi, bằng phẳng, rợp sắc hoa của xóm Hổ 1, xã Ngọc Lương (Yên Thủy) thể hiện rõ sức sống mới ở vùng đất khó. Bí thư chi bộ Đinh Thị Hoàn chia sẻ: "Trước đây, đường giao thông của xóm nhiều đoạn lầy lội; đường nội đồng chưa được khai thông; hệ thống tưới tiêu còn nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình XDNTM và phong trào xây dựng khu dân cư (KDC) NTM kiểu mẫu được bà con đồng thuận cao. Xóm đã triển khai bê tông hóa, cứng hóa các trục đường, hệ thống kênh mương. Vận động các gia đình dồn điền, đổi thửa, quy hoạch ruộng vườn không còn manh mún để hình thành các mô hình sản xuất hiệu quả”. Được biết, trong giai đoạn 2018 - 2020, xóm Hổ 1 đã huy động nguồn lực xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu trên 710 triệu đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp tổng giá trị khoảng 640 triệu đồng; hiến hơn 200 m2 đất. Các gia đình năng động phát triển kinh tế đã nâng thu nhập bình quân năm 2020 lên 49,5 triệu đồng/người. Xóm không còn hộ nghèo, trở thành KDC NTM kiểu mẫu tiêu biểu của tỉnh.

Cũng như xóm Hổ 1, những năm gần đây, từ sự vận dụng sáng tạo sức dân mà hàng trăm KDC trong tỉnh được "thay da đổi thịt”. Cán bộ, hội viên nông dân đã tích cực tham gia hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng các công trình cộng đồng, cơ sở hạ tầng nông thôn; nhiệt tình thực hiện chương trình XDNTM cũng như hưởng ứng phong trào xây dựng KDC NTM kiểu mẫu, vườn mẫu. Theo đó, năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã vận động hội viên đóng góp được 11,209 tỷ đồng; gần 125.250 ngày công lao động; hiến 115.130 m2 đất; làm mới, sửa chữa trên 490 km đường giao thông nội đồng; nạo vét, phát dọn, tu sửa gần 910 km kênh mương nội đồng; làm mới, sửa chữa 70 cầu, cống… Toàn tỉnh duy trì 326 mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn và mô hình "Thu gom, xử lý rác thải, trồng hoa”.

Bên cạnh đó, các cấp HND đẩy mạnh vận động hội viên thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SX-KD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Năm 2020, toàn tỉnh có 71.200 hộ đăng ký, có 35.600 hộ đạt SX-KD giỏi các cấp. Gần 103.500 hộ đăng ký SX-KD nông sản thực phẩm đảm bảo ATVSTP. 

Theo đồng chí Nguyễn Thị Hương Hải, Phó Chủ tịch HND tỉnh, một trong những hoạt động được chú trọng là các cấp Hội đã tăng cường hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, thay đổi nhận thức, tư duy sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa; định hướng từ sản xuất hộ sang sản xuất theo chuỗi giá trị, mở rộng liên kết; từ sản xuất chú trọng năng suất chuyển hướng sang giá trị gia tăng; tăng cường áp dụng KHKT, công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả SX-KD của các hộ thành viên, tạo việc làm theo hình thức xây dựng các mô hình liên kết.

Hiện tại, trong tỉnh có nhiều mô hình liên kết hiệu quả như: Trồng rau hữu cơ ở huyện Lương Sơn, Tân Lạc; trồng cây có múi quy trình VietGAP, hữu cơ ở huyện Cao Phong; nuôi gà, cá lồng tại các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Đà Bắc, TP Hòa Bình; mô hình trồng bưởi ở Tân Lạc, Yên Thủy… Các địa phương cũng hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, nhóm đồng sở thích, liên nhóm sản xuất để đồng hành, trợ giúp nhau trong sản xuất.

Song song với đó, các cấp Hội chú trọng hỗ trợ nông dân thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Giúp hội viên có vốn, kiến thức sản xuất, năm qua, tăng trưởng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân tỉnh đạt 2.919 triệu đồng, nâng tổng số nguồn quỹ lên 36,284 tỷ đồng. HND tỉnh đã giải ngân 34 dự án, số tiền 12.420 triệu đồng, giúp 389 hộ vay vốn. Hội tín chấp nguồn ủy thác các ngân hàng cho hội viên, đến nay, dư nợ đạt trên 3.506 tỷ đồng. Đồng thời, HND các cấp phối hợp tổ chức 54 lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho hơn 1.600 hội viên; tổ chức tư vấn, giới thiệu cho 2.050 hội viên nông dân được học nghề, có việc làm với thu nhập từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng... 

Từ những hoạt động thiết thực, bám sát nhu cầu thực tế đã góp phần đắc lực giúp nông dân có điều kiện phát triển kinh tế hộ, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đặc biệt là sản xuất nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng tăng về chất lượng, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo bước chuyển tích cực trong nông nghiệp, nông thôn.


Thu Hiền



Các tin khác


Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Triển vọng nghề nuôi dê núi ở vùng cao Đà Bắc

Tận dụng tiềm năng, lợi thế về bãi chăn thả, nguồn thức ăn, những năm qua, người dân trên địa bàn huyện Đà Bắc chú trọng chuyển đổi từ nuôi trâu, bò sang nuôi dê. Với ưu điểm "chỉ ăn cỏ, uống nước lã”, nuôi dê trở thành hướng đi đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục