(HBĐT) - Đi chợ Tết - một thú vui không thể thiếu trong những ngày giáp Tết của các gia đình người Việt. Hình ảnh chợ truyền thống đông đúc, náo nhiệt, mua bán tấp nập với những hương vị đặc trưng của dịp Tết, đủ các gam màu rực rỡ tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp khiến ai nấy đều xốn xang, háo hức và mong chờ. Thế nhưng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã làm nhiều người dân có tâm lý lo lắng, e dè khi mua sắm Tết tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị… Trước thực tế đó, để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa tiết kiệm thời gian, công sức, hạn chế tiếp xúc thì hiện nay có nhiều người lựa chọn hình thức mua sắm trực tuyến (online).


Chị Trần Thị Phương Thúy, tổ 6, phường Hữu Nghị (TP Hoà Bình) lựa chọn sản phẩm phục vụ Tết được đăng bán trên một số trang mua sắm trực tuyến.

Khách hàng chỉ việc lựa chọn sản phẩm mà mình cần mua, người giao hàng sẽ vận chuyển hàng đến địa điểm yêu cầu kiểm tra, nhận hàng và thanh toán. Dạo quanh một vòng mạng xã hội Facebook, Zao, ngay từ đầu tháng 12/2021, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán 2022 đã rục rịch đón khách. Trong đó chủ yếu là bánh kẹo, mứt, giỏ quà Tết, đặc sản các vùng miền, rượu, bia, quần áo… và cả thực phẩm handmade như: Một số loại mứt, ô mai, bánh chưng, thịt lợn sấy, kim chi…

Hiện đang làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Hòa Bình, chị Trần Thị Phương Thúy, tổ 6, phường Hữu Nghị bộc bạch: Cứ mỗi dịp cuối năm, công việc lại càng bận rộn hơn nên tôi có rất ít thời gian để đi mua sắm. Nhiều năm trước đây, phải đến những ngày gần sát Tết, tôi mới có thời gian để đi mua sắm đồ Tết như: Cây đào, quất, hoa quả, bánh kẹo, gạo nếp, lá dong, quần áo mới cho các con… nhưng vì mua sắm quá muộn mà nhiều mặt hàng đã hết, rất ít sự lựa chọn. Đặc biệt việc xếp hàng dài chờ đợi thanh toán tại siêu thị hay tay xách nách mang hàng hóa khiến tôi khá ái ngại. Giờ đây, với hình thức mua sắm online, tôi đã giảm bớt được áp lực khi đi chợ Tết. Lên danh sách những sản phẩm cần mua, tranh thủ thời gian nghỉ trưa hoặc khi các con đã ngủ để đặt mua đồ, việc mua sắm đơn giản, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Nắm bắt được tâm lý, nhu cầu của khách hàng, nhiều người đã sử dụng các tài khoản mạng xã hội để bán hàng bằng cách đăng tải sản phẩm hay lựa chọn thời gian phát trực tiếp (live stream) để tăng thu nhập. Linh hoạt bắt nhịp với xu thế mới, chị Bùi Thị Nga, xã Bảo Hiệu (Yên Thủy) đã lựa chọn mạng xã hội Facebook là kênh bán hàng song song với việc bán hàng trực tiếp tại shop quần áo của mình. Năm nay, mặt hàng mà chị hướng đến là những giỏ quà Tết handmade với thiết kế độc đáo, tinh tế. Trên trang cá nhân, chị Nga đăng tải những giỏ quà cùng thông tin cụ thể của từng loại sản phẩm, giá và lời mời chào ngắn gọn. Chị Nga cho biết: "Hiện nay, giỏ quà Tết hầu hết được đóng sẵn hoặc đóng theo yêu cầu của khách hàng, gồm: Mứt, bánh kẹo, rượu, thuốc lá, chè khô… nhưng đa phần hình thức chưa đa dạng hoặc đơn giản chỉ là sắp xếp các mặt hàng vào giỏ. Những giỏ quà Tết mà tôi bán được lựa chọn từ những sản phẩm đảm bảo chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, với các màu chủ đạo như đỏ, xanh, vàng, sắp xếp bắt mắt, trang trí tỉ mỉ, đúng theo yêu cầu của khách hàng. Giá sản phẩm dao động từ 250 nghìn - 2 triệu đồng.

Hiện nay, trên một số kênh, ứng dụng bán hàng trực tuyến cũng đã có những thay đổi nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của khách hàng. Từ giao diện, đồ họa, trang trí Tết đến các chương trình khuyến mại, hỗ trợ phí vận chuyển…

Mặc dù mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả người mua và người bán nhưng hình thức mua sắm online cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Cụ thể như: Sản phẩm nhận được không giống với hình ảnh quảng cáo, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chính sách đổi/trả hàng còn khó khăn… Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi, mọi người cần phải lựa chọn địa chỉ uy tín, đảm bảo để mua hàng, tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, những nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống vẫn phải đáp ứng thì hình thức mua sắm online khá phù hợp với tình hình thực tế. Dù là hình thức mua sắm nào cũng đều có những lợi ích và hạn chế riêng, mỗi người nên lựa chọn cho riêng mình phương án phù hợp nhất để có một cái Tết trọn vẹn ý nghĩa, bình yên, đầm ấm bên gia đình.


Linh Nhật


Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục