(HBĐT) - Tại tỉnh ta, mía là một trong những cây trồng được chú trọng đầu tư phát triển. Không chỉ là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, mía còn được biết đến là cây nông sản nổi tiếng của tỉnh. Những năm qua, cùng với cam, bưởi, cây mía đã giúp nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, tạo thu nhập ổn định. Để nâng tầm giá trị của loại nông sản này, ngành NN&PTNT tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn triển khai nhiều giải pháp; trước mắt hình thành vùng nguyên liệu mía tươi bền vững cung cấp, đáp ứng đủ sản lượng phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.


Công nhân Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) đóng gói mía tươi trước khi đưa vào kho lạnh bảo quản để xuất khẩu. 

Những nỗ lực mang lại tín hiệu vui 

Từ năm 2010 đến nay, ngành KH&CN tỉnh đã đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các đề tài, giải pháp nhằm phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía ăn tươi, phục vụ chế biến. Bắt đầu từ xây dựng nhãn hiệu tập thể (NHTT) đến khâu chế biến, bảo tồn gen và nghiên cứu tạo giống từ nuôi cấy mô tế bào thực vật. Trong đó phải kể đến các đề tài: "Xây dựng, quản lý và phát triển NHTT "Mía tím Hòa Bình” (MTHB) do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp thực hiện năm 2011 - 2013; "Bảo tồn, phục tráng và phát triển giống MTHB” thực hiện năm 2012 - 2013; "Nghiên cứu công nghệ sản xuất nước mía giải khát từ cây MTHB” do trường Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện năm 2013 - 2014; "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống mía trắng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật và đề xuất giải pháp thay thế giống mía trắng hiện có tại tỉnh Hòa Bình” do Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ thực hiện...

Năm 2013, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp NHTT cho sản phẩm MTHB. Việc xây dựng NHTT đã thúc đẩy sản xuất mía thành vùng hàng hóa. Từ đó giúp nông dân tổ chức sản xuất, thương mại hóa sản phẩm theo hướng lấy chất lượng làm mục tiêu chính. Sản phẩm cũng thường xuyên xuất hiện tại các hội chợ, triển lãm nông nghiệp, thương mại trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm. Ngày 19/5/2016, Chủ tịch UBND tỉnh ký quyết định phê duyệt Đề án thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh Hòa Bình. Diện tích sản xuất mía đã áp dụng cơ giới trong đào rãnh, vun luống khoảng 70% đối với mía trồng trên đất bằng và 10% đối với mía trồng trên đồi.



Đầu vụ, mía tím trồng tại địa bàn xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) được tư thương cọc tiền, đặt mua với giá cao. 

Những nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị, ngành chuyên môn đã mở ra hướng phát triển mới cho cây mía Hòa Bình. Đề án thay thế giống mía tím bằng phương pháp nuôi cấy mô tại tỉnh tiếp tục được thực hiện có hiệu quả về kinh tế cho người trồng mía. Năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp hơn so với giống mía cũ tại chỗ đã thoái hóa. 1 ha trồng mía tím bằng giống nuôi cấy mô cho lợi nhuận cao hơn phương pháp trồng mía bằng giống truyền thống từ 50 - 70 triệu đồng. Theo thống kê năm 2021, tổng diện tích canh tác mía toàn tỉnh có 7.130ha, năng suất bình quân 72 tấn/ha, tổng sản lượng 513.185 tấn. Trong đó, diện tích mía ăn tươi trên 6.000ha. Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, diện tích mía ăn tươi hàng năm khá ổn định, từ 6.000 - 6.500ha, tuân thủ đúng quy hoạch sản xuất mía do UBND tỉnh phê duyệt. Trong tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất mía ăn tươi chủ lực, có chất lượng tốt và thương hiệu trên địa bàn các huyện: Cao Phong, Tân Lạc, Lạc Sơn,    Kim Bôi... Niên vụ 2020 - 2021, 2021 - 2022, giá mía thương phẩm khá ổn định và ở mức cao, thu nhập bình quân từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Sản phẩm mía tím bắt đầu xuất khẩu từ năm 2019. Niên vụ 2021 - 2022, dù chịu tác động bất lợi của đại dịch Covid-19, song đã có 87 tấn mía trắng xuất khẩu sang thị trường EU, Hàn Quốc. Dự kiến trong những tháng cuối năm nay tiếp tục xuất khẩu khoảng 300 tấn.

Mở ra cơ hội đồng nghĩa đối mặt nhiều thách thức

Việc đẩy mạnh xuất khẩu nông sản của tỉnh, trong đó có sản phẩm mía là mục tiêu trọng tâm của ngành NN&PTNT, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 9/9/2021 của Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2040. Tuy nhiên, để xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía ăn tươi bền vững phục vụ hoạt động chế biến, xuất khẩu của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh, ngành NN&PTNT còn phải đối mặt với nhiều thách thức. 

Công ty CP nông nghiệp hữu cơ FUSA (Hải Dương) là đơn vị đã đồng hành với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) xuất khẩu mía cấp đông sang thị trường EU. Ông Phạm Ngọc Thức, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc công ty cho biết: Năm 2021, Công ty FUSA phối hợp với Công ty Tiến Ngân xuất khẩu sang Đức để chào hàng; năm 2022 xuất khẩu 1 lô sản phẩm mía sang thị trường Hà Lan. Tuy nhiên, trong thời gian cách nhau 6 tháng đã có thể nhận thấy chất lượng mía không đồng đều; giống có sự thoái hóa và việc chăm sóc mía của nông dân chưa đạt quy chuẩn. Bên cạnh đó, sản phẩm mía trắng trên thị trường chưa có thương hiệu, công ty phải giới thiệu sản phẩm sang thị trường châu Âu bằng đường vòng. Vì vậy, để mía trắng xây dựng được thương hiệu cần có chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này, đặc biệt phải có diện tích kho lạnh đảm bảo đủ để dự trữ nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. 

HTX nông nghiệp Tùng Dương, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) là đơn vị sản xuất mía lâu năm. HTX vẫn luôn trăn trở để cây mía có hướng đi bền vững nhất, ngày càng phát triển cả về chất và lượng. Ông  Đinh Long Dương, Giám đốc HTX cho biết: HTX có 21 nông hộ tham gia trồng mía nguyên liệu với tổng diện tích hơn 50 ha, gồm cả mía trắng và mía tím. Để gìn giữ và phát triển cây trồng truyền thống của địa phương, năm vừa qua, HTX đã làm hồ sơ gửi đơn vị chuyên môn cấp trên, mong muốn sớm được cấp mã số vùng trồng. Chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ xây dựng, hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ, đảm bảo đầu ra để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như quy trình sản xuất. 

Tại các vùng trồng mía trên địa bàn tỉnh hiện nay, thực tế cho thấy còn nhiều hạn chế như: Chất lượng giống mía thấp; đại đa số diện tích canh tác hàng năm vẫn phụ thuộc nguồn nước tự nhiên, diện tích được tưới chủ động rất thấp; thị trường tiêu thụ trong nước chưa ổn định; chưa có nhà đầu tư trong hoạt động chế biến nước mía đóng hộp, dù đây là sản phẩm rất tiềm năng đối với cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, thị trường trong nước ngày càng có nhiều sản phẩm hoa quả tươi, sản phẩm chế biến khác làm tăng sức ép cạnh tranh với sản phẩm mía truyền thống, trong khi hình thức sơ chế, tiêu thụ mía chưa có nhiều thay đổi, chưa đáp ứng được tính tiện lợi cho người tiêu dùng...

Cần thiết xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững 

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy đề ra phương châm phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xanh - xanh hơn và xanh hơn nữa. Trong đó, nông nghiệp được xác định là nền tảng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các loại cây, con bản địa để cung cấp lương thực, thực phẩm cho thị trường các tỉnh, thành phố, nhất là vùng Thủ đô và vươn tới xuất khẩu. Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, ngày 17/8/2020, UBND tỉnh có Văn bản số 1380/UBND-NNTN về việc giao các ngành, địa phương triển khai các giải pháp phát triển sản xuất mía bền vững. Trung tâm Ứng dụng thông tin khoa học, công nghệ tỉnh là đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống mía trắng bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật và đề xuất giải pháp thay thế giống mía trắng hiện có tại tỉnh Hòa Bình”. Đến nay, quy trình nhân giống mía trắng bằng công nghệ nuôi cấy mô đã hoàn thiện, cung ứng cho 2 xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) và Nam Phong (Cao Phong) 44.000 cây giống. 

Đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để nâng cao giá trị của cây mía, tăng thu nhập cho nông dân và phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía ăn tươi của tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ và sự phân công của tỉnh, các sở, ngành, đơn vị cần tăng cường phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, HTX thực hiện hiệu quả các giải pháp. Trong đó, trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất hàng vụ, định hướng rõ vùng trồng, cơ cấu, giống mía để giữ vững diện tích. Cân đối giữa diện tích mía tím và mía trắng để phục vụ thị trường, nghiên cứu kỹ thuật để trồng rải vụ; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX trong liên kết, tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi mở rộng thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề tài nuôi cấy mô với cây mía trắng; đề xuất thay thế toàn bộ giống mía tím nuôi cấy mô trên tất cả diện tích mía trong tỉnh. Huy động nguồn lực đầu tư cơ sở chế biến, sơ chế, cấp đông mía để sản xuất nước mía đóng hộp; chủ động trong việc kết nối, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp sản xuất mía mở rộng thị trường cũng như xây dựng, triển khai các nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu mía ăn tươi...

                                                                           Thu Hằng


NHÓM Ý KIẾN

* Cần liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để phát triển bền vững

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho nông dân. Hình thức này bảo đảm cho các thành phần kinh tế tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, để phát triển bền vững vùng nguyên liệu mía ăn tươi cần có sự liên kết theo chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó không chỉ nâng cao giá trị sản xuất của cây mía mà còn từng bước hình thành sự chủ động, tư duy sản xuất hiện đại, mang tính thị trường cho nông dân.

Bùi Hoài Nhi
Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong


* Đồng hành tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp

Là doanh nghiệp chuyên sản xuất, sơ chế, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân còn nhiều hạn chế như: dây chuyền sản xuất thô sơ, năng suất thấp, diện tích nhà xưởng không đủ để sản xuất số lượng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ngoài ra, công ty còn gặp áp lực tài chính khi đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng quy mô lớn để sản xuất. Do đó, chúng tôi mong muốn được tỉnh, các ngành, đơn vị đồng hành cùng doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn về mặt bằng xây dựng nhà xưởng, tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi để phát triển. Mong được các địa phương tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân kịp thời. 

Nguyễn Lê Điệp
Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (thành phố Hòa Bình)


* Mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để duy trì nguồn giống mía

Đã nhiều năm, mía là cây trồng chủ lực của nông dân xã Mỹ Hòa (Tân Lạc). Những năm gần đây, dù giá mía cao nhưng chủ yếu bà con vẫn tiêu thụ nhỏ lẻ, giá cả phụ thuộc vào tư thương. Vì vậy, bản thân tôi cũng như bà con trong xã luôn mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành để duy trì nguồn giống, cũng như hỗ trợ các chính sách để chuyển hình thức canh tác như hiện nay sang trồng mía hữu cơ. Từ đó có thể nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm tiêu thụ tại các siêu thị và xuất khẩu. 

Bùi Hoàng Long
 Xóm Đon, xã Mỹ Hòa (Tân Lạc)

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục