(HBĐT) - Theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) được hỗ trợ 2%/năm lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Tổng quy mô nguồn vốn hỗ trợ 40.000 tỷ đồng, trong đó, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất đáp ứng các điều kiện vay vốn thông thường, được ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 1/1/2022 - 31/12/2023, sử dụng vốn đúng mục đích, chưa được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước (NSNN) theo các chính sách khác.



Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH dệt kim Hoà Bình Koyuseni, khu công nghiệp bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình). 

Đối tượng được hỗ trợ là DN, HTX, HKD trong các ngành hàng không, vận tải kho bãi, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo, nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, xuất bản phần mềm, lập trình vi tính và hoạt động liên quan, dịch vụ thông tin, DN thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân…

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh, triển khai gói hỗ trợ theo Nghị định số 31 của Chính phủ, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã ban hành các quy trình, quy định nội bộ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất đến khách hàng, tuyên truyền chính sách, điều kiện hỗ trợ... Tuy nhiên, từ khi triển khai chương trình đến nay, trên toàn tỉnh mới đạt hơn 26,4 tỷ đồng với 7 khách hàng, số tiền đã hỗ trợ lãi suất 17,59 triệu đồng. Đây là con số khá ít ỏi so với hàng loạt các DN hoạt động thuộc các ngành nghề theo quy định tại Nghị định số 31 gặp phải khó khăn thời gian qua.
Nguyên nhân được đánh giá là quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bởi đây là nguồn NSNN nên các NHTM rất thận trọng; khách hàng e dè vay vốn vì ngại thủ tục thanh tra, hậu kiểm; nhiều DN hoạt động đa ngành nghề, lĩnh vực và quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng nên việc bóc tách dư nợ gặp khó khăn.
Ngoài ra, thời gian được hỗ trợ lãi suất bắt đầu từ ngày 1/1/2022, là khoảng thời gian vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên nhiều DN chưa phát sinh vốn vay. Mặt khác, thủ tục phức tạp cũng là nguyên nhân dẫn đến không ít DN gặp khó khăn có nhu cầu mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh (SX-KD) chưa mặn mà với chủ trương hỗ trợ lãi suất.
Theo ông Hà Trung Nguyên, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN tỉnh, hiện nay, hầu hết các DN hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào nguồn vốn vay ngân hàng. Chính vì vậy, mỗi động thái từ Chính phủ cũng như ngân hàng trong hỗ trợ lãi suất vay vốn cho DN đều hết sức trân trọng và đáng quý, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Mặc dù vậy, để các DN, HTX, HKD tiếp cận được với chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ rất cần có sự vào cuộc hơn nữa của các đơn vị có liên quan. Theo đó, cần làm rõ chi tiết các danh mục ngành nghề được hưởng lợi từ Nghị định số 31 một cách dễ hiểu, từ đó các DN, HKD đủ điều kiện căn cứ soi chiếu với các ngành nghề hoạt động của đơn vị triển khai các thủ tục nhằm được hưởng giảm lãi suất từ gói hỗ trợ. Bên cạnh đó, nhiều DN hiện nay thực sự khó khăn, có nhu cầu phục hồi và phát triển SX-KD, nhưng không thuộc các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị định số 31 của Chính phủ.

Được biết, NHNN chi nhánh tỉnh thời gian qua đã chủ động trong công tác chỉ đạo, giám sát, phối hợp các sở, ngành, các ngân hàng triển khai chương trình gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Động thái gần đây nhất, NHNN tỉnh vừa tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - DN thúc đẩy triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31 của Chính phủ. Tham dự có đại diện 8 chi nhánh ngân hàng, Hiệp hội DN tỉnh, Hội DN trẻ tỉnh cùng một số DN, HTX trên địa bàn.
Tại hội nghị, NHNN đã chủ động lấy ý kiến từ các đơn vị về những khó khăn trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất, đồng thời giải đáp các vấn đề quan tâm như: xác định đối tượng được hỗ trợ, điều kiện, thủ tục hỗ trợ, vướng mắc khi tham gia chương trình. Với những vấn đề vượt thẩm quyền như mở rộng đối tượng hỗ trợ, NHNN tỉnh sẽ phản ánh thực trạng cũng như đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tới NHNN Việt Nam trong thời gian sớm nhất.   
 

Theo đồng chí Ngô Quang Lợi, Phó Giám đốc phụ trách NHNN tỉnh, dự báo trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều DN phát sinh vay vốn ngân hàng sau ngày 1/1/2022 nằm trong diện được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31. Chính vì vậy, để chính sách của Đảng, Nhà nước có hiệu quả cao, đi vào cuộc sống, NHNN tỉnh đã yêu cầu các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, đảm bảo các DN, HTX, HKD nắm rõ khung pháp lý của Nghị định số 31 và chủ động hơn trong phối hợp triển khai thực hiện.
Ngoài ra, thông qua đường dây nóng, NHNN chi nhánh tỉnh luôn lắng nghe ý kiến từ phía DN, HKD, người dân phản ánh những vướng mắc, khó khăn phát sinh, cũng như chấn chỉnh kịp thời các tổ chức tín dụng chưa quyết liệt hoặc gây khó khăn trong triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất của Chính phủ.
Hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sự đồng hành, chung sức của các bộ, ngành T.Ư, NHNN tỉnh cùng các NHTM trên địa bàn, chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ sẽ đạt mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh Hoà Bình nói riêng trong thời gian sớm nhất.  

Hồng Trung

Các tin khác


Doanh nghiệp trong xu thế kinh tế xanh

Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.

Huyện Lạc Sơn khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội

(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới. Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.

Giữ đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khó khăn

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.

UBND tỉnh làm việc với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc

(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.

Nông dân lao đao vì giá lợn hơi sụt giảm

(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...

 Đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng nông sản

(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục