Công nghiệp nền tảng là những ngành tạo dựng cơ sở vật chất cho kinh tế-xã hội, đóng vai trò cung cấp đầu vào, công cụ máy móc, tư liệu sản xuất cho các ngành công nghiệp khác.


Công nhân kiểm tra xe điện trước khi xuất xưởng tại nhà máy Vinfast Hải Phòng. (Ảnh HOÀNG NGỌC)

Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đưa ra chủ trương lớn khi phân tách riêng hai lớp ngành công nghiệp gồm nền tảng và mũi nhọn để từ đó có những chính sách ưu tiên riêng biệt nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nền tảng vốn được ví như "máy cái” của ngành công nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khoảng 10 năm trở lại đây, một số sản phẩm ngành công nghiệp nền tảng của nước ta như luyện kim, cơ khí chế tạo, ô-tô,… không chỉ khẳng định vị thế tại thị trường nội địa mà còn đủ năng lực xuất khẩu. Đạt được kết quả này, không thể thiếu vai trò chủ đạo của Nhà nước trong xây dựng cơ chế, chính sách định hướng, khuyến khích cũng như bảo hộ thị trường.

Vươn tầm thế giới

Người hâm mộ bóng đá có lẽ đều biết đến Sân vận động 974, con số mang ý nghĩa mã vùng quốc tế của nước chủ nhà Qatar, nơi đang diễn ra Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup 2022). Tuy nhiên, ít người biết rằng, toàn bộ kết cấu thép xây dựng sân vận động này do một doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam cung cấp.

Đại diện Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng cho biết, công ty được tham gia với vai trò cung ứng cấu kiện thép xây dựng sân vận động 974 là niềm tự hào, nhưng cũng là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực vượt bậc. Trước khi Đại Dũng trúng gói thầu này, đã có một doanh nghiệp sản xuất cấu kiện thép tiếp quản dự án nhưng gặp trục trặc cho nên không triển khai được.

Bằng việc chứng minh nguồn lực trình độ nhân sự và trang thiết bị đủ sức đảm nhiệm dự án, công ty đã thuyết phục đối tác quốc tế tin tưởng và trúng thầu thành công. Điều đáng nói, ngoài cung ứng kết cấu thép cho sân vận động 974, Đại Dũng còn tham gia cung ứng một phần cấu kiện thép xây dựng sân vận động Lusail sức chứa 80.000 người - nơi diễn ra trận chung kết World Cup 2022 ngày 18/12.

Tháng 12 này, cũng ghi dấu mốc tròn một năm Tập đoàn Thaco ký hợp đồng xuất khẩu sơ-mi rơ-moóc sang thị trường Mỹ, trị giá tới 565 triệu USD với Tập đoàn PITTS Enterprises-một trong 15 nhà sản xuất sơ-mi rơ-moóc lớn nhất khu vực Bắc Mỹ. Để đáp ứng sản lượng xuất khẩu rất lớn này, Thaco đã đầu tư xây dựng mới Nhà máy sơ-mi rơ-moóc và cấu kiện nặng, công suất 20 nghìn sản phẩm/năm với công nghệ hiện đại, dây chuyền khép kín gồm: Hàn rô-bốt, sơn nhúng tĩnh điện ED với chiều dài đến 18m; sơn hoàn thiện tĩnh điện bột, dây chuyền lắp ráp, kiểm định,…

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá: Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp Việt Nam, Thaco không chỉ khẳng định vị thế ở trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới, từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành công nghiệp đất nước. Các doanh nghiệp như Thaco, Đại Dũng là minh chứng khẳng định ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đủ năng lực bước ra sân chơi toàn cầu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long, từ năm 2000 trở lại đây, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp sản xuất nền tảng đáp ứng thị trường nội địa.

Trong lĩnh vực luyện kim, sau Formosa, hiện nay Hòa Phát cũng đã sản xuất được thép cuộn cán nóng. Ở mảng sản xuất ô-tô, hàng loạt dự án lớn của Ford, Huyndai Thành Công, Vinfast hay Thaco đều được mở rộng liên tục từ năm 2018 đến nay. Trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đủ năng lực tham gia làm tổng thầu nhiều dự án trọng điểm, trong đó có dự án nhà máy nhiệt điện trị giá hàng tỷ USD.

Việt Nam đã hình thành một số doanh nghiệp tư nhân quy mô lớn trong các lĩnh vực công nghiệp mới, phức tạp, hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, để đánh giá thực chất và khách quan, những bước chuyển này còn chậm, chưa như kỳ vọng; bước đầu đã tự lực, tự chủ trong sản xuất, nhưng để với tới mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 29-NQ/TW thì khoảng cách vẫn còn rất xa. Chỉ đến gần đây, Việt Nam mới sản xuất và đáp ứng được một phần nhu cầu thép cuộn cán nóng, còn các loại thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, quốc phòng, an ninh,… vẫn chưa sản xuất được.

Doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được ô-tô, nhưng tỷ lệ nội địa hóa thấp, những sản phẩm chủ chốt, có kỹ thuật cao như động cơ, hộp số đều phải nhập khẩu. Ngành công nghiệp đang đòi hỏi có sự đột phá mạnh mẽ hơn, nhưng tiền đề để đột phá là đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (R&D) và công nghiệp hỗ trợ đang rất thiếu và yếu. Thúc đẩy phát triển những lĩnh vực này yêu cầu nguồn lực rất lớn cho nên ngoài hỗ trợ về cơ chế, chính sách của Nhà nước, còn cần sự hợp lực cũng như quyết tâm cao độ từ phía doanh nghiệp.

Tạo nguồn thị trường

Đặc thù của ngành công nghiệp là "lợi thế kinh tế theo quy mô”, có nghĩa phải sản xuất ở quy mô đủ lớn mới có thể đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, giúp giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh, tích lũy đủ nguồn lực để quay lại đầu tư nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên, vấn đề khó nảy sinh là muốn sản xuất lớn phải có thị trường, do đó, các chính sách phát triển công nghiệp trong thời gian tới dứt khoát cần tập trung vào việc tạo thị trường cho doanh nghiệp. Một vấn đề đáng lo ngại khác là kể cả có việc làm, đơn hàng, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn bị "bào mòn” sức khỏe do áp lực nợ đọng xây dựng cơ bản.

Thí dụ, dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, công suất 1.200MW do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, lần đầu do Lilama làm Tổng thầu EPC, giá trị EPC 1,174 tỷ USD, đã hoàn thành đưa vào khai thác từ tháng 9/2015. Nếu so một số dự án nhiệt điện khác do doanh nghiệp nước ngoài làm Tổng thầu như Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 (công suất 600MW) giá trị EPC 981 triệu USD thì giá trị EPC của Vũng Áng 1 khá thấp.

Thời điểm hiện tại, Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã chính thức vận hành được 7 năm, đóng góp cho ngân sách mỗi năm hàng trăm tỷ đồng, nhưng các nhà thầu tại dự án cũng bị nợ đọng khoảng 1.400 tỷ đồng do vướng một số thủ tục. Cũng chính vì lẽ đó, ngay tại lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bên liên quan đẩy nhanh việc thanh quyết toán công trình Nhiệt điện Vũng Áng 1, không để tồn đọng kéo dài.

Để tạo sự đột phá cho ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng, còn cần "bàn tay” của Nhà nước điều tiết, can thiệp hợp lý, đúng thời điểm, tạo cơ chế bình đẳng, minh bạch cho tất cả loại hình doanh nghiệp phát triển.

Nhà nước triển khai các công trình hạ tầng đầu mối nhằm tạo nguồn việc gối đầu cho các doanh nghiệp một cách công khai thông qua đấu thầu phần công việc mà doanh nghiệp trong nước có thể đảm nhận được, góp phần hình thành thị trường việc làm đối với tất cả doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia, đúng theo tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW: "Tăng cường chính sách đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất, chính sách mua sắm công theo hướng ưu tiên sử dụng hàng hóa trong nước, nâng cao giá trị gia tăng và tỷ lệ nội địa hóa”.

Theo tính toán của VAMI, tổng nhu cầu đầu tư Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, các nhà máy điện khí hóa lỏng, hệ thống đường sắt đô thị cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh lên tới 114,2 tỷ USD. Nếu xây dựng chiến lược, lộ trình hợp lý để nhận chuyển giao công nghệ kết hợp đầu tư, các doanh nghiệp trong nước có thể cung cấp gần một nửa giá trị máy móc, thiết bị, dịch vụ (khoảng 45 tỷ USD). Đây sẽ là nguồn lực to lớn phát triển công nghiệp cơ khí, mang lại nhiều việc làm, giúp tăng tính tự chủ, giảm giá thành đầu tư.

Ông Đào Phan Long đánh giá, nhiều gói thầu tại các dự án công nghiệp, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn đủ năng lực triển khai, nhưng do một số quy định đấu thầu có hướng "khuyến khích người ngoài” cho nên đã rơi vào tay nhà thầu quốc tế, vô hình trung, hiệu quả dự án không được phát huy tối đa.

Một số nước như Thái Lan, Brunei,... quy định về lao động được siết rất chặt, các dự án nước ngoài đầu tư đều phải sử dụng ít nhất 10% lao động bản địa. Thậm chí Trung Quốc còn buộc các đối tác đầu tư sau mỗi dự án phải chuyển giao công nghệ khoảng 20% và khi công trình hoàn thành, nhà thầu Trung Quốc được "bật đèn xanh” đảm đương hầu hết công đoạn xây dựng dự án công nghiệp đầu mối, ngoại trừ các thiết bị chính, phức tạp thuộc "lõi” bí quyết công nghệ.

Từ thực tế này, VAMI kiến nghị Nhà nước có cơ chế đấu thầu trong nước hướng đến ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước những phần việc tự làm được, giúp tạo thị trường ổn định để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư chiều sâu, giữ được nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, thị trường Việt Nam với 100 triệu dân và đầu tư công đang được đẩy mạnh chính là tài nguyên dồi dào, cần được tận dụng và khai thác triệt để. Nhà nước cần có chính sách giảm thiểu tình trạng doanh nghiệp Việt Nam làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài ngay trên chính quê hương, đất nước mình.

Các chính sách phát triển công nghiệp không thể chỉ dừng ở ngành công nghiệp mà phải có sự tổng hòa của chính sách vĩ mô, bao gồm cơ chế về đào tạo nguồn nhân lực, tài chính và tín dụng, chính sách thu hút FDI hay khuyến khích các thành phần doanh nghiệp mở rộng, đầu tư sản xuất,… Nghị quyết số 29-NQ/TW tuy trọng tâm xoay quanh nhiệm vụ ưu tiên phát triển công nghiệp, nhưng 10 nhóm giải pháp chủ yếu lại bao trùm, phủ kín hầu hết lĩnh vực của kinh tế-xã hội với kỳ vọng tổng hợp mọi nguồn lực nhằm khơi thông, đột phá mạnh mẽ cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn mới.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,39% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh ước đạt 160,596 triệu USD, tăng 0,65% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 477,568 triệu USD, tăng 36,39% so với cùng kỳ, thực hiện 23,88% kế hoạch năm.

Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục