Với những chính sách quan trọng nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, hiện, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt trên 51%. Kinh tế rừng đóng góp tỷ trọng tương đối lớn trong kinh tế của tỉnh.


Nhằm nâng cao chất lượng rừng trồng sản xuất, người dân xã Tử Nê, huyện Tân Lạc xây dựng mô hình 
vườn ươm khép kín cung cấp giống cây trồng cho các hộ dân. Ảnh: p.v

Theo báo cáo của UBND tỉnh, toàn tỉnh có 237.299,32 ha rừng (rừng tự nhiên 141.614,03 ha, rừng trồng 95.685,29 ha); 60.713,68 ha đất mới trồng rừng. Tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 51,69%; trong đó, diện tích có rừng sản xuất 132.817,79 ha (bao gồm 28.256,99 ha rừng tự nhiên; 78.531,69 ha rừng trồng; 26.029,11 ha rừng mới trồng chưa thành rừng); đất chưa có rừng 16.611,22 ha. 

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh trồng được trên 21.470 ha rừng, bình quân mỗi năm trồng gần 7.157 ha, trong đó trên 95% rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, nguồn gốc rõ ràng, được mua hoặc sản xuất từ các nguồn giống, vật liệu giống được công nhận. Diện tích này có điều kiện quan trọng tiên quyết để trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Diện tích chuyển hóa từ cây gỗ nhỏ sang rừng cây gỗ lớn ngày càng tăng. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2022, diện tích rừng sản xuất là rừng trồng trên 78.531 ha (không bao gồm diện tích rừng trồng từ năm 2020 - 2022 do chưa đủ tiêu chí thành rừng), trong đó, rừng trồng đã chuyển hóa thành rừng gỗ lớn 10.019 ha (diện tích rừng từ 8 năm tuổi trở lên, có đường kính và chiều dài đảm bảo quy định là gỗ lớn theo tiêu chuẩn Việt Nam). Mặt khác, có 68.512 ha rừng trồng (từ tuổi 3 - 7), gồm: 54.810 ha (chiếm 80%) rừng trồng được sử dụng giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng, được mua hoặc sản xuất từ các nguồn giống, vật liệu giống được công nhận, đây là diện tích rừng có tiềm năng để áp dụng kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng và các biện pháp kỹ thuật, thâm canh sẽ trở thành rừng trồng kinh doanh gỗ lớn trong tương lai; còn lại 13.702 ha (chiếm 20%) rừng trồng do người dân tự sản xuất giống hoặc mua giống trôi nổi từ các tỉnh, không rõ nguồn gốc, thực hiện biện pháp trồng rừng kinh doanh gỗ nhỏ. Hiện tượng khai thác rừng non được giảm dần qua các năm.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, đạt được kết quả trên là do tỉnh đã triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm  phát triển tài nguyên rừng, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 27-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân và các chủ rừng sử dụng giống chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng đưa vào trồng rừng, đồng thời áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng, nuôi dưỡng tỉa thưa rừng.

Để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị sản phẩm gỗ, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, các doanh nghiệp đã chủ động liên kết với chủ rừng, người dân để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, bền vững phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Các sở, ngành, các huyện, thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp trong triển khai xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có trên 16.000 ha rừng trồng đã được cấp chứng chỉ FSC tập trung tại Công ty Lâm nghiệp Hòa Bình, Công ty TNHH Sơn Thủy, Công ty BVN Hòa Bình. Diện tích rừng sản xuất là rừng trồng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 53%. 

Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân về phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh rừng trồng gỗ lớn có sự chuyển biến tích cực. Một số huyện, thành phố sử dụng kinh phí địa phương để xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn, đã lan tỏa, nhân rộng trong nhân dân như: mô hình trồng cây Tông dù ở huyện Mai Châu;trồng keo tai tượng Úc ở các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Tân Lạc... Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh doanh rừng gỗ lớn chu kỳ 10 - 12 năm, sản lượng đạt 150 -200  m3/ha cho thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha; lợi nhuận thu về cao hơn nhiều rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ. Năng suất rừng trồng từ năm 2020 trở về trước bình quân đạt 12  m3/ha/năm, đến năm 2022 bình quân đạt 16  m3/ha/năm, tăng 4  m3/ha/năm; sản lượng gỗ bình quân năm 2022 là 80 m3/ha/chu kỳ 5 năm; giá trị thu được bình quân trên 1 ha tăng 1,33 lần so với năm 2020. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập, người dân vươn lên làm giàu từ kinh doanh rừng gỗ lớn, điều này có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào các dân tộc ít người vùng sâu, vùng xa của tỉnh có đời sống còn nhiều khó khăn. Tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp trong ngành NN&PTNT năm 2020 là 9,37% và tăng lên 11,11% năm 2022.

Mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 16% và đến năm 2030 đóng góp 20% tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh ta xác định tiếp tục khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; thành lập các hợp tác xã lâm nghiệp, tập trung xây dựng, hình thành chuỗi liên kết giá trị lâm nghiệp; liên doanh liên kết, trao đổi, chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng rừng, đất rừng, thực hiện dồn điền đổi thửa, tích tụ đất lâm nghiệp, tạo ra các vùng sản xuất có quy mô lớn. Thực hiện hiệu quả chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng, tham gia tích cực vào thị trường cacbon, phát triển du lịch sinh thái, ứng dụng hiệu quả các mô hình nông lâm kết hợp, phát triển kinh tế dưới tán rừng, lâm sản ngoài gỗ để tăng nguồn thu cho lâm nghiệp có điều kiện đầu tư phát triển rừng. 

Đinh Hòa


Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục