Năm 2009 tiếp tục đánh dấu thêm một bước phát triển vượt bậc của PVI. Ðây là năm đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển, PVI đã vượt qua mốc doanh thu 3.000 tỷ đồng và cán đích với tổng doanh thu đạt hơn 3.300 tỷ đồng (vượt 10% so với kế hoạch năm), đồng thời hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm là 220 tỷ đồng.

Kết quả này càng đáng khích lệ khi được thực hiện trong bối cảnh suy thoái kinh tế trầm trọng trên toàn cầu, nền kinh tế và thị trường bảo hiểm trong nước cũng bị ảnh hưởng lớn theo chiều hướng tiêu cực. Hiện tại, PVI là một trong hai doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam có doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, vượt xa so với nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác. Tổng Giám đốc Bùi Vạn Thuận cho biết: "Với tốc độ tăng trưởng doanh thu là 31%, PVI tiếp tục là doanh nghiệp bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong top ba doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu Việt Nam.


Ðạt được thành quả này là nhờ sự giúp đỡ to lớn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, sự chỉ đạo sát sao và kịp thời của lãnh đạo Tập đoàn, Ðảng ủy, Hội đồng quản trị, sự điều hành quyết liệt của Ban Tổng Giám đốc PVI, sự nỗ lực không mệt mỏi của toàn thể cán bộ nhân viên của PVI".


Lường hết khó khăn


Ngay từ cuối năm 2008, lãnh đạo PVI đã nhìn nhận năm 2009-2010 là giai đoạn "thử lửa" đối với sự tăng trưởng và phát triển của PVI. Bởi trong năm 2009, nền kinh tế nước ta có khả năng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, xuất khẩu đình trệ, tiêu dùng trong nước sụt giảm, hoạt động đầu tư sút kém. Tăng trưởng GDP được dự báo ở mức thấp khoảng 4-5%. Tình hình cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm sẽ càng thêm gay gắt, một số doanh nghiệp bảo hiểm mới thành lập muốn tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn sẽ đẩy mạnh việc cạnh tranh không lành mạnh thông qua hạ phí bảo hiểm dưới mức chi phí cơ bản, mở rộng phạm vi bảo hiểm, làm suy giảm hiệu quả kinh doanh bảo hiểm. Ðồng thời, năm 2009 cũng là năm diễn ra sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo của PVI. Theo Tổng Giám đốc Tập đoàn: "Lãnh đạo của Tổng Công ty CP Bảo hiểm dầu khí vừa trẻ hơn, có trình độ hơn và năng động hơn".


Khi triển khai chương trình công tác năm 2009, lãnh đạo Tập đoàn đã họp với tập thể PVI bàn về giải pháp triển khai kế hoạch kinh doanh 2009. Ban lãnh đạo của PVI cũng đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu nội tại, các cơ hội và thách thức và đề ra các giải pháp duy trì sự phát triển, nâng cao hiệu quả kinh doanh đó là:


Tiếp tục chuyển định hướng kinh doanh từ "Quy mô" sang "Hiệu quả" bằng cách lựa chọn khách hàng, lựa chọn rủi ro được bảo hiểm, chống trục lợi và xóa bỏ các phòng kinh doanh khu vực hoạt động kém hiệu quả, miễn nhiệm lãnh đạo đơn vị không đủ năng lực điều hành, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.


Giữ vững vị thế là nhà bảo hiểm công nghiệp số 1 tại Việt Nam thông qua việc phát triển thị trường ra ngoài ngành dầu khí và cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho các công trình, dự án lớn của các Tập đoàn kinh tế lớn trong nước như: Ðiện lực, Hàng không, Viễn thông.


Ðẩy mạnh phát triển hoạt động bán lẻ, nhất là tại các địa bàn có tiềm năng lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, song song với việc hoàn thiện công tác quản lý theo hướng tin học hóa từ khâu cấp đơn bảo hiểm tới khâu theo dõi, đánh giá hiệu quả; đồng thời kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh giản và bố trí đúng người đúng việc.


Nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư bằng cách cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm tỷ trọng đầu tư dài hạn, tăng cường các hoạt động đầu tư ngắn hạn bảo đảm  tính thanh khoản cao và tỷ suất lợi nhuận cao.


Xây dựng văn hóa doanh nghiệp đoàn kết và chia sẻ các giá trị. Tinh thần đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh tập thể, giúp PVI vượt qua thời khắc khó khăn.


Với sự định hướng, chỉ đạo đúng đắn của Ðảng ủy, Hội đồng quản trị, sự điều hành linh hoạt của Ban Tổng Giám đốc và nỗ lực thực hiện các nhóm giải pháp trên của toàn hệ thống, PVI đã đạt được các kết quả kinh doanh ấn tượng:


Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả cao và toàn diện


Tổng doanh thu của Tổng Công ty đạt: 3.308 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch, tăng trưởng 123% so với năm 2008, trong đó:


- Doanh thu bảo hiểm gốc đạt: 2.608 tỷ đồng, tăng trưởng 131% (doanh thu từ kinh doanh bán lẻ đạt: 1.268 tỷ đồng tăng trưởng 129%).


- Doanh thu tái bảo hiểm đạt: 280 tỷ đồng tăng trưởng 136%.


- Doanh thu đầu tư tài chính đạt: 420 tỷ đồng.


Lợi nhuận đạt: 220 tỷ đồng tăng trưởng 128% so với năm 2008.


Dự kiến chia cổ tức cho các cổ đông: 12% (kế hoạch đầu năm là 10%).


Thu nhập cán bộ công nhân viên đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng (bằng 137% so với 2008).


Nộp ngân sách Nhà nước 240 tỷ đồng, hoàn thành 114% kế hoạch năm (tăng trưởng 162% so với năm 2008).


Những thành quả đạt được trong năm 2009 không chỉ thể hiện ở các con số mà trên thực tế PVI đã thực hiện được một số bước chuyển biến về chất và đã hoàn thành một số công việc có ý nghĩa lớn cho sự phát triển bền vững trong tương lai: Ðối với chuyên ngành bảo hiểm dầu khí, PVI đã xây dựng các chương trình bảo hiểm an toàn và cạnh tranh cho các công trình, tài sản của ngành dầu khí, điển hình là thu xếp thành công chương trình bảo hiểm tài sản cho PVD mà phía PVD không cần dùng môi giới bảo hiểm như năm 2008 giúp khách hàng tiết kiệm chi phí thuê môi giới (gần hai tỷ đồng); thu xếp thành công chương trình bảo hiểm trọn gói cho Cửu Long JOC với phí bảo hiểm giảm gần 20% so với phí thị trường (tương đương khoảng 15 tỷ đồng).


PVI đã cung cấp dịch vụ bảo hiểm ra nước ngoài cho các dự án, công trình mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đầu tư ở nước ngoài. Ðối với các đơn vị ngoài ngành dầu khí, PVI đã mở rộng hợp tác với các Tập đoàn kinh tế lớn và được chọn làm nhà bảo hiểm gốc cho chương trình bảo hiểm hàng không của Vietnam Airlines; các công trình thủy điện, nhiệt điện của Tập đoàn Ðiện; cung cấp dịch vụ bảo hiểm phóng vệ tinh Vinasat, bảo hiểm cho hệ thống cáp quang trên biển của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam,...


PVI đã xây dựng xong Hợp đồng tái bảo hiểm mở trên bờ với các đơn vị trong ngành dầu khí giới hạn trách nhiệm lên tới 1,5 tỷ USD.


Hoàn thiện về cơ bản công tác đánh giá hạng mức tín nhiệm theo tiêu chuẩn của AMBest...


Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và điều hành (các hoạt động cấp đơn bảo hiểm, đánh giá hiệu quả kinh doanh được thực hiện trên một hệ thống phần mềm).


Ðang triển khai việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài và tăng vốn điều lệ; chuẩn bị lựa chọn đối tác tư vấn chiến lược và tái cấu trúc.


Không chủ quan - thỏa mãn


Tuy nhiên, tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên PVI không tự bằng lòng với những kết quả đã đạt được mà vẫn nghiêm túc nhìn nhận một số điểm tồn tại trong hoạt động của Tổng Công ty thời gian qua, đó là:


Hệ thống bán lẻ mặc dù phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng cao hơn thị trường nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của PVI. Chất lượng dịch vụ khách hàng vẫn chưa đồng nhất trên toàn hệ thống.


Một số khâu phục vụ kinh doanh hoạt động chưa tốt, thí dụ: thiếu về số lượng các ấn phẩm phục vụ kinh doanh, đặc biệt là công tác tuyên truyền quảng bá thương hiệu của PVI. Chất lượng của các ấn phẩm quảng cáo, dịch vụ quảng cáo chưa cao, chưa phản ánh hết được thế mạnh của PVI tới khách hàng và các đối tác...


Công tác đầu tư tài chính chưa phát huy hiệu quả cao (tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp). Ðiều này một phần là do thị trường suy thoái, vốn đầu tư nằm trong các Dự án đầu tư của Tập đoàn chưa tạo ra doanh thu, một phần là do còn thiếu đội ngũ nhân sự đầu tư tài chính chuyên nghiệp có trình độ cao.


Chưa hoàn thành được việc tìm đối tác chiến lược và tăng vốn do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh nên PVI đã chủ động dừng chương trình tăng vốn, được Tập đoàn phê duyệt.


Khẳng định thương hiệu


Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu (các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài có quyền hiện diện tại thị trường Việt Nam và có thể cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tới các doanh nghiệp Việt Nam), Tổng Giám đốc PVI Bùi Vạn Thuận cho biết: "Trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, và cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước, PVI chấp nhận những thử thách, nhằm hoàn thiện cơ chế vận hành các loại hình dịch vụ bảo hiểm với chất lượng cao nhất, thỏa mãn những yêu cầu của khách hàng, phấn đấu đưa PVI trở thành doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu của Việt Nam, từng bước vươn ra khu vực và thế giới".


THỊNH HƯNG


5 sự kiện quan trọng nhất trong năm 2009 của PVI

Sự kiện 1:  Vượt qua mốc doanh thu 3.000 tỷ đồng.

Sự kiện 2:  Xây dựng thành công Hợp đồng tái bảo hiểm mở trên bờ với giới hạn trách nhiệm hơn 1,5 tỷ USD.

Sự kiện 3:  Chính thức trở thành nhà bảo hiểm hàng không trên thị trường Việt Nam và là nhà bảo hiểm duy nhất ở Việt Nam cung cấp tất cả các loại hình bảo hiểm phi nhân thọ.

Sự kiện 4:  Hoàn thành việc tin học hóa công tác cấp đơn bảo hiểm, quản lý và đánh giá hiệu quả kinh doanh.

Sự kiện 5:  Ra mắt bốn Công ty thành viên (PVI Finance, PVI Invest, PSI, PV Media) và thành lập Công ty Bảo hiểm phía nam.

Với các kết quả đạt được như trên, PVI đã vinh dự nhận giải Sao Vàng Ðất Việt dành cho thương hiệu và nhãn hiệu nổi tiếng năm thứ ba liên tiếp.

Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2010

Tổng doanh thu:   3.850 tỷ đồng, trong đó:

+ Doanh thu bảo hiểm gốc:     3.000 tỷ đồng

+ Doanh thu từ tái bảo hiểm:  350 tỷ đồng

+ Doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính:      500 tỷ đồng

Lợi nhuận:  330 tỷ đồng (150% LN 2009)

Tỷ lệ chia cổ tức:      15% (dự kiến 2009 là 12%)

Thu nhập bình quân của một cán bộ nhân viên:    11 triệu đồng/tháng

Thuế và các khoản nộp ngân sách Nhà nước: 300 tỷ đồng.

Công tác xã hội - từ thiện

Trong năm 2009, Công đoàn PVI đã thực hiện tốt công tác từ thiện, an sinh xã hội với tổng số tiền hơn 3,6 tỷ đồng, trong đó xây dựng nhà đại đoàn kết cho tỉnh Quảng Ngãi, đền liệt sĩ huyện Giao Thủy Nam Ðịnh và Ðài tưởng niệm đồng chí Nguyễn Ðức Cảnh hơn 2,5 tỷ đồng; ủng hộ đồng bào miền trung - Tây Nguyên trong đợt lũ quét tháng 9-2009, gần 500 triệu đồng... Ngoài ra, PVI còn là nhà tài trợ chính cho giải bóng chuyền nữ châu Á, bóng đá Master 2009,...

 

                                                                             Theo ND

Các tin khác


Sáng 6/5, giá vàng SJC vượt 86 triệu đồng/lượng

Sáng 6/5, trong khi Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC vượt mốc 86 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra thì các công ty vàng bạc khác giá vàng cũng gần chạm mốc này.

Xã Xuân Thủy dồn sức về đích nông thôn mới

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, xã Xuân Thủy, huyện Kim Bôi hoàn thành được 12/19 tiêu chí. Trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành 7 tiêu chí về giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, nghèo đa chiều, lao động việc làm, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng - an ninh.

Đánh thức tiềm năng vùng đất “chén vàng”

Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Huyện Kim Bôi đã hoàn thành được đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2040; lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng 14 xã; 3 đồ án quy hoạch phân khu; 9 đồ án quy hoạch chi tiết các điểm dân cư nông thôn. Huyện cũng tích cực triển khai khoảng 25 đồ án quy hoạch khác làm cơ sở để quản lý xây dựng, thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển và huy động các nguồn lực, đảm bảo phát triển trong dài hạn.

Bộ Tài chính thúc 6 địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân của 6 địa phương này cơ bản thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung của cả nước.

Kiểm tra tiến độ dự án đường liên kết vùng

Sáng 4/5, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 

Tiếp tục giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ đề xuất: gia hạn thêm thời gian thực hiện Thông tư 02, về việc cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ thêm 6 tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục