Lạng Sơn được coi là “điểm nóng” mà từ lâu, hàng nhập nhiều dạng của Trung Quốc áp đảo. Nhìn thực tế thị trường, biết mạng lưới hàng Việt rất mỏng, người tiêu dùng quen xài hàng Tàu và doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng bám trụ nơi này… Trong 4 ngày, từ 22 đến 25-4, 30 doanh nghiệp hàng Việt sẽ có mặt tại Lạng Sơn để giới thiệu chất lượng hàng Việt với người tiêu dùng tại 2 huyện Bắc Sơn và Văn Quan của tỉnh Lạng Sơn.

 

Tự tin vào chất lượng

Lạng Sơn - nơi địa đầu hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc ồ ạt tràn vào Việt Nam qua cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng và cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị cũng đang là cửa ải khó vượt trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Và lần này, đưa hàng Việt về nơi ngụ cư lâu đời của hàng Trung Quốc do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức sẽ có 10 doanh nghiệp miền Bắc và 20 doanh nghiệp hàng Việt ra từ miền Nam. Trong đó, có những doanh nghiệp đi bán hàng nông thôn lần đầu tiên như: văn phòng phẩm Hồng Hà, pin Hà Nội, Dệt may Hà Nội. Các doanh nghiệp sẵn sàng vào cuộc với sự phấn chấn đặc biệt của mình khi nghĩ đến tương lai Lạng Sơn sẽ có nhiều hàng Việt hơn hàng Trung Quốc. 

“Thị trường Lạng Sơn vốn được xem là đất dụng võ của hàng Trung Quốc, nhưng không phải vì thế mà chúng ta cứ cam chịu”, giám đốc Công ty Mỹ Hảo nói thế và anh quyết mang hàng Việt Nam lội ngược dòng. Sau khi quan sát tại nhiều điểm bán sỉ tại Lạng Sơn và thấy rằng hàng Việt Nam có chất lượng tốt vẫn có khả năng trụ được tại đây. Và Mỹ Hảo đã làm được việc mà nhiều doanh nghiệp Việt muốn làm và đang quyết tâm làm - xuất ngược sản phẩm nước rửa chén, nước xả vải qua Trung Quốc. Lần này, cùng với việc mang hàng của mình đến Lạng Sơn, Mỹ Hảo còn tìm cách tổ chức lại mạng lưới phân phối để hàng của mình trụ được vùng biên giới này.

Giám đốc kinh doanh của Công ty nhôm Kim Hằng thì tự tin khẳng định: hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ không ngán hàng ngoại không nhãn mác hay hàng nhập có chất lượng thấp. Bởi hàng Trung Quốc cũng có nhiều loại, hàng “thật xịn” thì giá cũng không rẻ, do vậy doanh nghiệp Việt Nam phải mạnh dạn có mặt tại địa bàn nóng này, dần dần thay đổi thói quen tiêu dùng ở đây.

Tại khu vực thương mại vùng biên này, hàng may mặc là mặt hàng bị cạnh tranh quyết liệt nhất. Mặc dù đang ở thế yếu trong cuộc cạnh tranh với các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc nhưng các công ty kinh doanh hàng thời trang Việt Nam vẫn quyết mang sản phẩm của mình đi Lạng Sơn bởi đây là dịp để các thương hiệu dệt may tận mắt các khó khăn và cơ hội của mình ở thị trường này. Nhận thấy những khó khăn của doanh nghiệp hàng may mặc Việt và để tạo cơ hội cho hàng Việt, Vinatexmart sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong các hoạt động khuyến mãi.

Nhiều khó khăn trước mắt

Nhưng điều mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét là kênh phân phối hàng hóa của mình chưa thật tốt. Nhiều doanh nghiệp đã thừa nhận việc xây dựng kênh phân phối ở thị trường miền Bắc rất phức tạp dù chất lượng sản phẩm của mình tốt hơn hàng Trung Quốc.

Bà con người dân tộc thiểu số ở vùng cao thích thú với hàng Việt. Ảnh: TH.HƯƠNG

Một thực tế mà các doanh nghiệp từng có mặt tại Lạng Sơn thừa nhận đó là sẽ rất tốn công, tốn tiền, tốn sức mà không chắc đạt được hiệu quả nếu chỉ có một mình một chợ tại đây. Việc tổ chức cho các doanh nghiệp Việt “ra quân đồng loạt” sẽ tiếp sức cho doanh nghiệp xây dựng kênh phân phối đường dài, nhất là ở địa bàn trọng điểm của hàng Trung Quốc như Lạng Sơn.

Chiếm “trận địa” trong vài ngày thì dễ, nhưng để giữ trận địa cần sự kiên trì và có sự hợp lực, chung lưng. Và, với sự có mặt của 30 doanh nghiệp Việt Nam trong chuyến đưa hàng Việt về Lạng Sơn của Trung tâm BSA lần này có nhiều điều để bàn.

Đầu tiên là phương thức tiếp cận thích hợp với người tiêu dùng. Mỗi doanh nghiệp lần này đến Lạng Sơn phải tự tìm ra được phương thức thích hợp để sản phẩm của mình gắn bó lâu dài với người tiêu dùng. Một điều quan trọng khác đó là tìm cho được nhà phân phối tốt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người miền Bắc. Thói quen kinh doanh của người dân hai miền Bắc, Nam khác nhau, đó cũng là điểm khó cho doanh nghiệp phía Nam. Doanh nghiệp phải nỗ lực làm thị trường, phải tìm đủ “chiêu” đủ cách thuyết phục nhà phân phối và đại lý để họ an tâm chấp nhận hợp tác, đưa hàng mình đi xa hơn.

“Hiểu được người tiêu dùng địa phương và hiểu luôn cả đặc điểm kinh doanh của từng vùng miền mới là điều cơ bản để doanh nghiệp trụ được lâu dài. Thắng - thua nhau là ở chỗ có kiên trì không?”, giám đốc kinh doanh một doanh nghiệp miền Bắc đã bộc bạch thế. Và như thế, kênh phân phối là điều mà các doanh nghiệp Việt cần quan tâm hơn nữa để giữ thị phần mình có.

Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương):

Đã gọi là chương trình hàng Việt Nam về nông thôn, thì mặc nhiên nơi nào là nông thôn thì chương trình sẽ đến. Tuy nhiên đối với Lạng Sơn, là điểm nóng đặc biệt, tôi biết doanh nghiệp đã đầu tư và quan tâm nhiều hơn nơi khác. Đây không phải là chuyến bán hàng có doanh số tốt hay không tốt mà chính là chuyến thực nghiệm, để làm phép thử, phép đo của doanh nghiệp đối với đại lý, các nhà phân phối, và đối với người tiêu dùng nông thôn giữa hàng Việt và hàng ngoại.

Để hàng Việt có thể đi đến các thôn, bản, làng… cần phải tạo sự ổn định cho hệ thống phân phối trên cái nền thương mại nông thôn phát triển.

Những chương trình mà BCT đang triển khai, chỉ mang tính hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho họ tiếp cận và thâm nhập thị trường như một cách tạo ra phản ứng dây chuyền tích cực.

Bên cạnh đó cần có sự hỗ trợ từ các ban ngành, chính quyền địa phương cùng thực hiện cuộc vận động lớn của Bộ Chính trị “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đòi hỏi các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng cùng chia sẻ, cùng hợp lực; không phải chỉ là một hay hai năm mà phải là trường kỳ.

 

                                                                                   Theo SGGP

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục