Người dân Cao Phong vui mừng vì vụ cam được mùa, được giá

Người dân Cao Phong vui mừng vì vụ cam được mùa, được giá

(HBĐT) - Không còn vàng rực ven đường, cho đến thời điểm này cam Cao Phong đã tiêu thụ gần hết. Vụ vừa qua, người trồng cam “thắng lớn”. Chất lượng, sản lượng cam đều tăng hơn vụ trước. Cam Cao Phong đã lập nên “ kỷ lục” mới với giá bán cao nhất trong trong vòng vài năm trở lại đây. Thế nhưng phía những mùa vụ tới, người trồng cam vẫn thấp thỏm trong âu lo.

 

 

Được mùa, được giá

 

Cao Phong luôn chứng minh là mảnh đất của cây cam. Trước đây, Cao Phong là vùng đất trồng và xuất khẩu cam nhiều nhất tỉnh. Hiện nay, Cam Cao Phong đang được thị trường chấp nhận. Chúng tôi đến Cao Phong khi người dân đang bước vào một vụ cam mới. Không ít bà con vẫn chưa hết vui mừng sau một vụ cam bội thu lại được giá như năm vừa qua.  

 

Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó phòng NN& PTNT huyện Cao Phong cho biết: Hiện nay, diện tích trồng cam của huyện đạt xấp xỉ 530 ha, với các giống cam chủ yếu như: xã Đoài, lòng vàng, cam canh, quýt ngọt, quýt Ôn Châu và cam V2. Riêng vụ vừa qua, sản lượng cam thu hoạch được lên đến 8.000 tấn. Điều này khẳng định sản lượng và chất lạng cam Cao Phong ngày càng được nâng lên. Bên cạnh đó, vụ vừa qua còn ghi dấu thắng lợi lớn với giá cam đạt cao nhất so với những năm gần đây. Đầu vụ, cam chỉ có giá 5.000 đồng/kg, càng về sau cam càng được giá, vào thời điểm chính vụ, giá cam có lúc là 8.000- 10.000 đồng/kg, cam Canh lên đến 20.000 đồng/kg. Đến cuối vụ, giá cam lại càng tăng cao, cam xã Đoài từ 10- 12.000 đồng/kg, cam canh 20- 22.000 đồng/kg. Sản phẩm cam V2 chín muộn mới đưa vào kinh doanh nhưng đã khẳng định được ưu thế về chất lượng, quả mọng nước, ngọt mát, ít hạt, giá bán luôn đạt 20- 22.000 đồng/kg. Nhiều hộ gia đình có tiền tỷ, tiền trăm triệu sau mỗi vụ cam.

 

Được mùa, được giá, người trồng cam không dấu nổi tâm trạng vui mừng, phấn khởi. Ông Tạ Đình Đào (khu 5B- thị trấn Cao Phong) cho biết: Hiện nay, diện tích trồng cam của gia đình là 5 ha, trong đó diện tích đã được đưa vào kinh doanh là 3 ha. Năm vừa qua, sản lượng cam của gia đình đạt trên 100 tấn cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Cam chưa bao giờ được giá đến thế. Trong những năm tiếp theo, gia đình tôi sẽ tiếp tục chú trọng cải tiến, nâng cao chất lượng cam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường.

 

Là đơn vị có diện tích trồng cam lớn nhất toàn huyện với tổng diện tích lên đến 413 ha, ông Nguyễn Văn Ánh, Phó Giám đốc Công ty Rau quả nông sản Cao Phong cho biết: Vụ vừa qua, tổng sản lượng cam của nông trường đạt 7.065 tấn, nâng mức tổng giá trị sản xuất thực tế lên xấp xỉ 70 tỉ đồng, bằng 199% so với năm 2008. Chúng tôi khuyến khích bà con mở rộng thêm diện tích trồng cam trong những năm tới. Đồng thời, công ty chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác quảng bá sản phẩm, tăng cường đầu tư, chăm sóc, mở rộng thị trường nhằm phát triển hơn nữa thương hiệu cam Cao Phong.

 

Vừa qua, cam Cao Phong đã đạt huy chương vàng Agro Việt về sản phẩm sạch do Cục ATVSTP công nhận và vượt qua hơn 1.000 doanh nghiệp trong cả nước đạt huy chương thương hiệu Việt. Không chỉ là sự ghi nhận, những giải thưởng đã đạt được còn góp phần không nhỏ nâng cao uy tín của thương hiệu cam Cao Phong trên thị trường cả nước.

 

Vẫn còn những lo âu

 

Đánh giá về thắng lợi của vụ cam vừa qua, ông Nguyễn Văn Ánh khẳng định: Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là do chất lượng cam Cao Phong ngày càng được nâng lên đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cam các giống cam khác đã hết chu kỳ khai thác và mất mùa nên Cam Cao Phong ít bị cạnh tranh trên thị trường. Song điều quan trong nhất là chất lượng “ thương hiệu” của Cam sạch Cao Phong đã được khẳng định trong lòng người tiêu dùng. Đó là ưu thế lớn nhất của cam Cao Phong đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay vấn đề VSATTP vẫn còn không ít nỗi lo.   

 

Bao lâu nay, việc tìm kiếm thương hiệu cho sản phẩm cam Cao Phong  luôn đặt ra nhiều thách thức. Trong nhiều năm, cam Cao Phong không đủ sức cạnh tranh với cam Vinh, cam Trung Quốc. Tuy nhiên, bằng việc đẩy mạnh quảng cáo, sự đầu tư, cải tạo giống và quản lý chặt chẽ việc sử dụng thuốc BVTV nhằm đem đến những sản phẩm sạch, cam Cao Phong đã được người tiêu dùng đón nhận. Bên cạnh đó,  kể từ tháng 11/2007, cục sở hữu trí tuệ đã chính thức công nhận lôgô nhãn hiệu hàng hoá cam Cao Phong. Đây được coi là động thái tích cực, là sự đảm bảo giúp người tiêu dùng nhận biết chính xác về sản phẩm hàng hoá mình lựa chọn.

 

Xây dựng được thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó khăn gấp bội. Ông Nguyễn Văn Ánh chia sẻ: Lợi dụng giá cam tăng cao, vào cuối vụ khi cam Cao Phong đã hết, một bộ phận nhỏ người dân đã nhập cam xuất xứ Trung Quốc trà trộn vào sản phẩm cam sạch Cao Phong. Chúng tôi đã có nhiều biện pháp tích cực như dán tem, sản xuất thùng ca tông riêng cho sản phẩm nhưng chưa thể giải quyết triệt để hiện tượng này. Tuy chỉ diễn ra vào cuối vụ và tập trung ở một số cửa hàng cung cấp cam tư nhân, nhỏ lẻ muốn đầu cơ trục lợi song nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu cam Cao Phong khi vừa được xây dựng. Vấn đề này rất cần sự vào cuộc của các ban ngành chức năng tại địa phương. Bên cạnh đó, cần khẩn trương xây dựng những đại lý chính thức cho sản phẩm cam Cao Phong nhằm đảm bảo sản phẩm chính hãng đến được tay người tiêu dùng.

 

Vụ cam năm 2010, được nhận định là vụ sản xuất có nhiều khó khăn đối với nhân dân trồng cam, đặc biệt là tình trạng hán hán trên diện rộng. Thực tế cho thấy, ngoài yếu tố đầu tư thâm canh, thì nước đóng vai trò quyết định đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Tỷ phú trồng cam Tạ Đình Đào (Khu 5B- Thị trấn Cao Phong) cho biết: Vừa qua, gia đình tôi đã đầu tư hơn 80 triệu đồng làm một đường ống dẫn nước tưới để chuẩn bị đối phó với tình trạng thiếu nước trong năm nay. Hi vọng việc sản xuất diễn ra thuận lợi. Cam Cao Phong đang đứng trước những cơ hội lớn. Cần có sự điều tiết hợp lý những thuận lợi, khó khăn trên để người dân lại được đón một mùa vụ thắng lợi. 

 

                                                                         Hải Yến

 

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục