Ông Ba mọi giới thiệu vườn nho được trồng theo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao.

Ông Ba mọi giới thiệu vườn nho được trồng theo quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao.

(HBĐT) - Trong chuyến đi công tác vào các tỉnh phía Nam, chúng tôi dừng chân ở nhiều nơi, khám phá được nhiều điều mới mẻ, thú vị. Đi qua những cánh đồng, những miệt vườn trù phú ai cũng muốn một lần ghé thăm để thưởng thức hoa thơm, trái ngọt và học hỏi cách làm giàu. Và chúng tôi đã may mắn được gặp gỡ chuỵên trò với những "lão nông chi điền" thời internet và hiểu giá trị của từ thương hiệu sản phẩm.

 

Về Vĩnh Long vui thú điền viên

 

Vượt qua chặng đường dài mải miết, chúng tôi ai nấy đều thấm mệt. Nhưng khi những người bạn đồng nghiệp ở Báo Vĩnh Long gợi ý tổ chức một chuyến du ngoạn về miệt vườn để hít thở không khí trong lành, nếm thử trái cây và thưởng thức đờn ca tài tử tất cả đều háo hức.

 

Khi ghe thuyền rời bến xuôi dòng CChiên, Phó tổng Biên tập Báo Vĩnh Long- Nguyễn Hữu Khánh mới "bật mí" cho chúng tôi: Mùa này trái cây chưa nhiều, đoàn ta sẽ đến thăm vườn cây ông Tám Hổ, hay còn gọi là vườn cây giống chất lượng cao ISLAND. Đến đây, các bạn sẽ được ngắm khu vườn tuyệt đẹp, thưởng thức trái cây vườn nhà, nghe đờn ca tài tử và uống rượu đào tiên, rượu trùm ruột do chính tay ông Tám Hổ ngâm.

 

Dạo một vòng quanh khu vườn, ai nấy đều trầm trồ xuýt xoa: Đẹp quá, mê quá! giá được về đây luôn để nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng... Đi tới trung tâm khu vườn nơi có những ngôi nhà nhỏ dành cho khách du lịch nghỉ chân, mọi người lại ồ lên thích thú khi chiêm ngưỡng bức ảnh ông Tám Hổ rắn rỏi, quắc thước nói cười hồn nhiên đang giới thiệu sản phẩm cây trái với khách du lịch. Anh Hà Ngọc Tráng, phóng viên Báo Vĩnh Long cho chúng tôi biết thêm: Khách "tây" họ mê ông Tám Hổ lắm. Có lẽ họ thấy ở ông hội tụ đủ những nét đặc trưng của người dân Nam bộ, luôn thân thiện cởi mở với nét cười hào sảng.

 

Tiếc rằng lần này đến đây, chúng tôi không được gặp ông Tám Hổ vì ông cũng đang có chuyến du lịch của riêng mình. Tiếp chúng tôi là  anh Nguyễn Trí Nghiệp, người con trai thứ 3 và cũng là người kế nghiệp vườn cây của ông Tám Hổ. Mời chúng tôi thưởng thức trái cây vườn nhà với nhãn tiêu da bò, bưởi da xanh, ổi xá lị không hạt, mít nghệ cao sản... anh Nghiệp giới thiệu: Đây  là những trái cây được lai tạo giống và trồng ở vườn nhà. Vườn cây được cha anh ( ông Tám Hổ) gây dựng đã hoạt động ổn định từ năm 1985 đến nay. Đam mê theo nghiệp của cha, anh Nghiệp vừa làm, vừa học để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm và cho đến nay anh đã có 3 bằng đại học.  Khi đã trang bị cho mình đầy đủ kiến thức, anh Nghiệp cùng cha mở rộng lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: sản xuất và cung cấp giống cây ăn trái chất lượng cao; tư vấn, thiết kế, lập vườn chuyên canh, trang trại; cây cảnh trang trí nội thất và công trình đô thị; cung cấp tài liệu hỗ trợ, kỹ thuật viên trồng, chăm sóc và nhân giống vô tính; dịch vụ du lịch văn hoá sinh thái... Cho đến nay, cái tên Nông trang ISLAND, hay vườn cây giống chất lượng cao ISLAND có địa chỉ tại số 77 Bình Thuận 1- Hoà Ninh- Long Hồ- Vĩnh Long đã được nhiều đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh và khách du lịch trong và ngoài nước biết đến. Miệt mài nghiên cứu để có những sản phẩm ưng ý nhất, trong những năm qua, vườn cây của cha con ông Tám Hổ đã đạt được nhiều giải thưởng cao quý như: 'Trâu vàng đất Việt", "Thương hiệu vàng chất lượng", "Bạn nhà nông Việt Nam", vườm ươm đạt chất lượng "địa chỉ xanh", giải thưởng "Bông lúa vàng Việt Nam" và chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao- phù hợp tiêu chuẩn... 

 

Nghỉ chân trong căn nhà đơn sơ được ông Tám Hổ thiết kế để du khách ngắm cảnh, đón gió trời thả hồn cùng thiên nhiên, chúng tôi như cảm nhận được mùi vị trái cây thật ngon và thật lạ. Cùng nhấp chén rượu nồng, đàn ông uống rượu đào tiên, phụ nữ cụng ly trùm ruột, ai nấy đều có cảm giác phiêu diêu. Biết dân xứ Bắc chúng tôi mong muốn được nghe đờn ca tài tử, không kịp tập trung đội văn nghệ, anh Nghiệp đã tìm ngay một “anh hai” đang mải miết với công việc làm vườn. Khoác vội lên mình chiếc áo hoa văn lãng tử, gật đầu cười duyên chào khách, người làm vườn có tên Hữu Triệu cầm đàn ghi ta hướng cặp mắt mơ màng về phía khu vườn rộng cất lên những ca từ đằm thắm trong bài ca "Tình anh bán chiếu". Sau tiếng vỗ tay ràn rạt tán thưởng, anh Nghiệp cho chúng tôi hay: Người ca đờn ca tài tử cứ mời là vô (vào) ca thôi, bởi trong vườn nhà chúng tôi ai cũng biết làm vườn và ai cũng có thể làm nghệ sỹ...

 

Kết hợp nét văn hoá đặc trưng bản địa và không khí miệt vườn, cha con ông Tám Hổ đã làm nên tiếng tăm của riêng mình.Vì thế thương hiệu vườn cây ông Tám Hổ cứ mãi bay cao bay xa. Du khách mỗi lần đến rồi đi lại mong có ngày được trở lại

 

Đến Ninh thuận thăm vườn nho “Ba Mọi”

 

Chúng tôi đến thăm cơ sở sản xuất nho Ba Mọi tại thôn Hiệp Hoà, xã Phước Thuận huyện Ninh Phước- Ninh Thuận khi bóng nắng đã trùm lên đỉnh đầu. Cái nắng chói trang của miền Nam trung bộ làm cho mọi người có cảm giác khát khô cổ họng. Bước vào căn phòng giới thiệu sản phẩm của ông “vua nho” Ba Mọi, không khí như được thanh lọc mát mẻ lạ thường.

 

Ông, bà Ba Mọi nở nụ cười thân thiện, rót rượu vang, si rô nho và những đĩa nho tươi căng mọng mời khách. Ông Mọi cho chúng tôi biết: Lứa nho mới vừa được thu hoạch xong trong ngày hôm qua và đã được đưa gọn tới các siêu thị ở thành phố Hồ Chí Minh rồi. Vừa mời khách thưởng thức nho tươi, ông vừa giới thiệu: đây là giống nho Black Queen dùng đề ăn tuơi, kia là nho đen có tên Cabernet Sauvignon, nho Red Star, nho Syrall dùng để làm rượu vang đỏ, nho xanh để làm rượu vang trắng… Chúng tôi thưởng thức những trái nho tươi và  nhâm nhi ly nước màu tím sẫm mà ông Mọi gọi là si rô nho hay nước nho lên men với cảm giác thư thái đã cảm nhận hết hương vị ngọt ngào của nó. Có lẽ chưa khi nào chúng tôi được ăn nho một cách ngon lành như vậy, bởi là dân xứ Bắc ăn mỗi trái nho mua ở chợ hay siêu thị cũng đều lo sợ bị ngộ độc vì thuốc bảo quản. Nghe chúng tôi trần tình như vậy ông “vua nho” cười khảng khái: Vậy các bạn cứ thưởng thức nho cho đã. Nho của gia đình tôi được trồng theo phương pháp hữu cơ sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi thu hoạch nho, chúng tôi sử dụng dung dịch Anolyte (muối điện phân) để tẩy rửa và không sử dụng chất bảo quản. Với cách làm này, từ năm 2006, thương hiệu nho Ba Mọi đã được Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận sản phẩm vì sức khoẻ cộng đồng. Giấy thông hành này giúp ông và gia đình gắn bó hơn với nghề trồng nho và chế biến các sản phẩm từ nho để phục vụ cho cộng đồng người Việt. Cho đến nay, thương hiệu nho Ba Mọi đã nổi tiếng khắp đất Bắc, Trung, Nam.

 

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cũng như lời kể của những đồng nghiệp ở Báo Ninh Thuận, chúng tôi được biết: Để có được những chùm nho sạch, hương vị ngọt ngào, ông Ba Mọi đã dày công ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Có một điều may mắn là ông đã được các nhà khoa học ở Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam) nhận làm “bà đỡ” để đưa chế phẩm sinh học vào sản xuất nho an toàn, không để lại dư lượng hoá chất sau khi thu hoạch. Nhìn những trái nho căng mọng với cái nhìn ấm áp nâng niu, ông chia sẻ tâm tình: Giống nho này vốn đỏng đảnh lắm, trời cho nắng cả năm thì không sao nhưng chỉ cần úng, ẩm 1 tháng là nho sẽ chết, chưa kể các loại bệnh hại cây, hại quả. Bởi vậy, từ hồi trồng nho tới giờ, tôi không dám đi đâu mà bỏ ruộng nho quá 3 ngày, vì sợ thiếu vắng bàn tay tôi vườn nho cũng bỏ tôi mà đi mất.

 

Để tìm chỗ đứng cho sản phẩm nho của mình, ngày làm vườn, đêm ông cắp sách về thành phố Phan Rang để học tin học. Khi đã sử dụng thành thạo, ông mua máy tính nối mạng Internet để lưu lại những thông tin cần thiết cho nghề trồng nho. Ngoài ra ông còn sắm một chiếc máy ảnh để chụp ảnh mẫu nấm bệnh rồi lưu vào máy tính làm cơ sở dữ liệu xử lý quy trình sản xuất nho an toàn. Ông Mọi là nông dân đầu tiên ở Ninh Thuận áp dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào quy trình trồng nho an toàn chất lượng cao. Ông và con trai đã cùng tìm tòi để xây dựng nên trang web “Ba Moi.com” để giới thiệu sản phẩm nho Ninh Thuận đến với thị trường trong và ngoài nước.

 

Hướng dẫn khách lắc ly rượu vang sóng sánh để kiểm tra chất lượng, ông Ba Mọi bộc bạch: Xưa mình đâu có trồng được nho, nay đã gây dựng được thủ phủ của nho rồi, cha con tôi lại trăn trở tại sao mình lại không học cách làm rượu vang…? Nghĩ là làm, cha con ông bắt tay vào thực hiện. Học hỏi công thức chế biến, ngâm ủ, rồi ông cho đào hầm rượu sâu dưới lòng đất khoảng hơn 10m. Kết hợp giữa công nghệ chế biến truyền thống và hiện đại, ông Ba Mọi đã chiết xuất từ những quả nho giống Syrac để có những có chai rượu vang đặc trưng mà ông đặt tên là rượu vang Phan Rang. Mỗi chai rượu vang do gia đình ông Ba Mọi sản xuất được bán ra thị trường với giá từ 70-90.000 đồng.  Ông nói: Có thể hiện tại rượu nho Phan Rang của Ba Mọi tôi chưa được nhiều người biết đến nhưng tôi tin tưởng rằng với quy trình sản xuất khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm, trọng chữ tín, giá cả lại phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, rượu vang của ông sẽ có cơ hội để đứng chân trong thị trường. Trong quá trình trồng nho, ông Ba Mọi đã phấn đấu để xây dựng quy trình sản xuất trái cây ngon theo tiêu chuẩn Eurep Gap của Thuỵ Sỹ và hy vọng rằng trong thời gian không xa, nho và rượu nho Ninh Thuận sẽ lội ngược dòng để trở lại thị trường Âu-Mỹ.

 

Chia tay ông Ba Mọi ngay tại vườn nho xanh mướt với những chùm quả chĩu chịt giữa cái nắng chói trang, chúng tôi nhớ mãi nụ cười thân thiện và lời nói đầy triết lý và sự tự tin của ông rằng: Cuộc đời con người có đi khắc đến, phải có thất bại thì mới vươn tới thành công… Và chúng tôi tin rằng  những lời nói, ước mơ của ông sẽ sớm trở thành hiện thực.

 

                                                                                         Thúy Hằng

 

Các tin khác


Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục