Nông dân huyện Lương Sơn đang hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch

Nông dân huyện Lương Sơn đang hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch

(HBĐT) - Phương pháp canh tác an toàn, cho năng suất khá, nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu, mức thu nhập lý tưởng từ 140 đến 180 triệu đồng/ha diện tích là điều mà nông dân huyện Lương Sơn được thấy khi tham gia vào dây truyền sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ngần ấy thôi đã thuyết phục họ vững tin rằng đây chính là chiếc “chìa khoá” mở ra “cánh đồng” no ấm.

 

Làm quen với phương pháp canh tác hữu cơ

 

Dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ ADDA - VNFU đã giới thiệu ý tưởng PGS (hệ thống đảm bảo có sự tham gia) cho một loạt các nhà sản xuất, thương lái, người tiêu dùng. 10/2008, các đối tác đã đồng thuận chấp nhận thực hiện hệ thống PGS làm hệ thống đảm bảo cho sản phẩm hữu cơ. Cũng từ đó đến nay, nông dân huyện Lương Sơn chính thức được ADDA lựa chọn trực tiếp tham gia vào chuỗi cung cấp hữu cơ. Với phương pháp canh tác này, hàng trăm nông dân trong huyện đã cam kết cung cấp cho người tiêu dùng sự đảm bảo tin cậy về sản phẩm, đồng thời giúp tạo ra sự kết nối trực tiếp giữa người mua và người bán.

 

Với sự hỗ trợ tập huấn, đào tạo, thành lập nhóm của tổ chức ADDA (Đan Mạch), toàn huyện đã mở được gần 30 lớp Nông nghiệp hữu cơ, bình quân mỗi lớp có 30 học viên là nông dân theo học. Mỗi khoá học kéo dài 17 tuần lễ đã giúp họ tiếp cận các nguyên tắc, phương pháp canh tác hữu cơ và tiêu chuẩn PGS, tham gia tích cực vào mọi các hoạt động của nhóm, hoàn thành kế hoạch quản lý trang trại và thường xuyên cập nhật, nghiệm ngặt tuân thủ các cam kết và cung cấp đảm bảo chất lượng sản phẩm hữu cơ. Đặc biệt là chỉ sau gần 2 năm, toàn huyện đã thành lập và duy trì được 12 nhóm sở thích về nông nghiệp hữu cơ trên cây rau, cây bưởi và cây nhãn với tổng số 125 thành viên là nông dân tiêu biểu.

 

Ông Bùi Văn Niên - Trưởng nhóm sở thích về Nông nghiệp hữu cơ trên cây Bưởi xã Hoà Sơn bày tỏ: Khi làm quen với phương pháp canh tác đạt tiêu chuẩn PGS, chúng tôi được làm thí nghiệm đối chứng ngay trên đồng ruộng giúp phân biệt giữa việc sử dụng và tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có hoá chất, các loại phân bón hoá học, các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng và phun thuốc trong canh tác. Trên cơ sở đó, nhóm sở thích về nông nghiệp hữu cơ trên cây bưởi của xã đã được thành lập với 12 thành viên, diện tích canh tác 5 ha. Với việc tuân thủ các cam kết, sản phẩm làm ra của nhóm đảm bảo các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, số lượng quả ổn định, giá bán cao hơn khoảng 30% giá thị thường mà vẫn không đủ cung ứng.

 

Trong số 22 tiêu chuẩn Quốc gia về sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ, tiêu chuẩn không sử dụng thuốc, các loại phân bón hoá học được nhà nông trong huyện tham gia vào chuỗi cung cấp hữu cơ tuân thủ nghiêm ngặt. Bên cạnh đó là tuân thủ việc sử dụng nguồn nước tưới sạch, khu vực sản xuất hữu cơ cách ly các nguồn ô nhiễm và bao quanh diện tích bắt buộc trồng tập trung của nhóm  phải có vùng đệm ngăn cản sự xâm nhiễm của các chất hoá học từ ruộng bên cạnh.   

         

Xây “cánh đồng” no ấm

 

Các nhóm sở thích về nông nghiệp hữu cơ đã và đang tiếp tục duy trì và nhân rộng với tổng diện tích canh tác xấp xỉ 9 ha. Ông Đỗ Viết Liêm - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lương Sơn cho biết: Đã có thêm 7 đơn đăng ký thành lập nhóm PGS của nông dân các xã Thành Lập, Hợp Hoà, Tân Thành, Hợp Châu, Trung Sơn đang chờ hoàn tất thủ tục và triển khai trong năm 2010. Thấy rõ lợi ích từ việc tham gia vào chuỗi cung cấp hữu cơ, nhiều nhà nông trong huyện tích cực theo học và bày tỏ nguyện vọng sớm trở thành thành viên của các nhóm này.

 

Đúng như tên gọi “Đồng tâm” được đặt lúc ban đầu thành lập, nhóm sở thích nông nghiệp hữu cơ trên cây rau ở xóm Đầm Đa 2, xã Hợp Hoà gồm 10 cô gái đã đồng tâm hiệp lực xây dựng thành công mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Trên diện tích 3.600 m2 đất bãi mái bạc màu, các cô đã kiên trì cải tạo đất, trồng vào đó các loại rau màu. Hoàng Thị Luyến -  cô gái trẻ nhất trong số 10 thành viên chia sẻ: Hồi mới bắt tay vào làm, ít người tin là có thể chuyển hoá diện tích trồng mía thoái hoá này thành cánh đồng rau phì nhiêu, tơi xốp như giờ. Trên quan điểm “nuôi đất để đất nuôi cây”, nỗ lực của các cô đã được đền bù cho bõ những tháng ngày dày công chăm sóc. Trên diện tích chia đều 360m2/thành viên, chị Hoàng Thị Tư là người có thu nhập cao nhất nhóm với hơn 3 triệu đồng/vụ, người thu nhập ít nhất cũng có hơn 2 triệu đồng/vụ từ việc trồng cây cà chua rau đậu, củ, quả. 

 

Thu nhập, sức mua lớn hơn hẳn so với phương pháp canh tác thông thường nhưng việc áp dụng phương pháp hữu cơ đòi hỏi ở nhà nông tính bền bỉ, kiên trì và thứ không thể thiếu chính là tâm huyết. Ông Nguyễn Văn Sơn - Trưởng nhóm nông nghiệp hữu cơ trên cây rau xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch tâm sự: Lo ngại  nhất là vì không được sử dụng thuốc hoá chất nên sâu bệnh phát triển nhiều, nhất là trâu trấu. Có nhiều lúc bà con phải huy động sức người dùng tay bắt sâu, trâu trấu không cho hại rau màu. Để khắc phục, các nhóm trồng cỏ voi trong vùng đệm để ngăn chặn bụi phun xâm nhiễm, trồng xen luống các loại cây có tác dụng dẫn dụ và xua đuổi côn trùng như cây cúc vạn thọ, hướng dương, mùi, húng... Ngoài ra có thể dùng một số thuốc tự chiết xuất từ dinh dưỡng thảo mộc như ớt, gừng, tỏi, đậu tương, lá chuối, lá đu đủ để phun trên lá ngăn ngừa sâu bệnh.

 

Làm nông nghiệp hữu cơ vất vả hơn song đổi lại, nhà nông thực sự yên tâm về năng suất, “đầu ra” và thu nhập. Bởi vậy nên dẫu khó khăn đến đâu, thành viên các nhóm vẫn quyết “đeo đuổi” cách làm này. Ngoài 3 công ty có trụ sở tại Hà Nội hợp đồng đặt hàng thường xuyên gồm SCS khu tập thể Mỹ Đình, ECOMACR đường Hoàng Quốc Việt, AVNN khu tập thể Trung Tự, tại huyện còn có một cửa hàng bán và giới thiệu nông sản hữu cơ. Gần đây, một số siêu thị lớn ở Hà Nội đã đến đặt vấn đề trở thành khách hàng chính thức tiêu thụ các loại rau, củ, quả sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ tuy nhiên việc cung ứng sản phẩm của nông dân là không xuể.

 

Ông Chủ tịch Hội Nông dân huyện khẳng định: Mô hình nông nghiệp hữu cơ đang từng bước thành công và nhân rộng đã mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Lương Sơn. Không đơn thuần là tạo ra những cánh đồng cho thu nhập cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng và chính nhà sản xuất. Huyện đang tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm này làm căn cứ vững chắc để xây nên những “cánh đồng” no ấm.

 

                                                                                               Lạc Bình   

 

Các tin khác


Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Lương Sơn vùng đất anh hùng

Viết tiếp truyền thống vẻ vang trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lương Sơn luôn đoàn kết, năng động, sáng tạo dựng xây quê hương ngày một đổi mới.

Sức vươn Lạc Thuỷ

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lạc Thuỷ không ngừng nỗ lực, đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, tạo môi trường thu hút nguồn lực đầu tư phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục