Xã Trường Sơn, Lương Sơn có 5 trang trại tổng hợp tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 1 triệu đồn/người/tháng.

Xã Trường Sơn, Lương Sơn có 5 trang trại tổng hợp tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân đạt 1 triệu đồn/người/tháng.

(HBĐT) - Phát triển kinh tế nông lâm nghiệp tập trung với quy mô lớn theo hình thức trang trại, cũng có nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra khối lượng hàng hoá lớn. Đồng thời khi làm kinh tế trang trại, người nông dân cũng sẽ phải nhạy bén hơn với thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Đó chính là tiền đề và động lực của một nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Và là cơ sở để tỉnh ta xây dựng đề án phát triển kinh tế trang trại đến năm 2015 theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với nền kinh tế hội nhập.

 

> Bài 1: KTTT xu thế tất yếu của kinh tế hàng hoá

 

Tạo động lực phát triển, còn nhiều khúc mắc

 

Mặc dù hiệu quả đã thấy rõ nhưng hiện nay loại hình KTTT vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế đất đai vốn có. Nhiều trang trại được hình thành và phát triển mang tính tự phát, thiếu quy hoạch; năng lực quản lý, tiếp cận và ứng dụng tiến bộ KHKT còn hạn chế, thủ tục hành chính chưa thông thoáng. Trong tổng số vốn đầu tư của các trang trại hiện nay phần lớn là vốn tự có và vốn vay từ các nguồn khác chứ vốn vay từ ngân hàng là rất thấp. Theo lý giải của ông Sơn, nguyên nhân chính khiến các trang trại không thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ các ngân hàng là do chưa được cấp giấy chứng nhận trang trại mặc dù đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo quy định của Bộ NN&PTNT. Trong khi đó đây lại là những giấy tờ có cơ sở pháp lý mang tính quyết định để trang trại được hưởng các chính sách ưu đãi cũng như dễ dàng hơn trong việc vay vốn phát triển sản xuất. Hoặc có trang trại đã được cấp giấy chứng nhận vẫn không được vay.

 

Qua tìm hiểu một số chủ trang trại ở Lương Sơn được biết, để đủ điều kiện vay vốn, các chủ trang trại phải xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hợp lý và có tài sản thế chấp. Trong khi đó, phần lớn đất phát triển KTTT ở xã đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Ông Đỗ Viết Liêm, Chủ tịch HND huyện Lương Sơn cho rằng, thủ tục hành chính trong vay vốn mất nhiều thời gian, khi lập đề án phải được xã, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện xác nhận. Sau khi đầy đủ thủ tục hồ sơ vay vốn ngân hàng tiếp tục thẩm định xem có khả thi hay không, mỗi công đoạn cũng mất cả tháng. Thời gian từ khi lập đề án đến khi nhận được tiền vay có thuận lợi cũng mất từ 5 đến 6 tháng. Đấy là chưa kể nhiều người lập đề án xong, ngân hàng trả lời chưa có nguồn vốn (tiền), phải tiếp tục đợi.

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng gặp nhiều khó khăn một phần do việc cho vay còn quá nhiều thủ tục, trình tự. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh, giá cả... ảnh hưởng đến việc thu hồi vốn nên các ngân hàng “ngại” cho nông dân vay vốn. Theo ông Đinh Quang Long, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Hoà Bình, phát triển KTTT đang cần một sự "cởi mở" hơn từ phía các ngân hàng trong việc cho nông dân vay vốn. Theo đó, thủ tục cho vay vốn cần được rút ngắn, thời gian cho vay phù hợp với đặc điểm chu kỳ sản xuất, kinh doanh, với từng loại hình kinh tế (trung hạn, dài hạn) mới đáp ứng được nhu cầu phát triển KTTT.

 

Một thực trạng nữa hiện đang diễn ra ở các địa phương, đó là đất đai của phần lớn các trang trại đều là đất tạm giao, ký hợp đồng thầu hoặc cho thuê dài hạn, vì vậy các chủ trang trại chưa thực sự được “đả thông tư tưởng” để yên tâm đầu tư và ổn định sản xuất lâu dài. Đó là chưa kể tới phần lớn chủ trang trại là nông dân, 75% trong số này chưa qua bất kỳ lớp đào tạo chuyên môn nghiệp vụ nào nên hiểu biết về thị trường, KHKT, quản lý còn rất nhiều bỡ ngỡ, vì vậy, gặp nhiều trở lực trong việc xác định phương hướng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra việc phân vùng sản xuất, bố trí cơ cấu sử dụng đất đai, cây trồng, vật nuôi chưa hợp lý, đồng bộ, trọng điểm phù hợp với tiến trình phát triển chung của từng vùng. Việc giao đất chưa căn cứ vào lao động, tiền vốn, khả năng quản lý của chủ trang trại nên giao vượt khả năng của họ, có nơi diện tích giao còn bị chồng chéo gây tranh chấp, sản phẩm của các trang trại sản xuất ra tuy chưa nhiều nhưng đã gặp khó khăn về đầu ra.

 

Theo ông Hà Ngọc Sơn, Chi cục phó Chi cục phát triển nông thôn: Do quy mô trang trại ở Hoà Bình còn phân tán, chưa hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, cơ sở hạ tầng giao thông lại khó khăn nên việc đầu tư các cơ sở chế biến, thu mua sản phẩm của các trang trại và thông thương giữa các vùng hầu như chưa có. Trong khi “nội lực” của các trang trại chưa đủ mạnh thì sự hỗ trợ về “hạ tầng mềm” như chính sách, thủ tục…của các cơ quan chuyên ngành lại chưa đáp ứng kịp để có thể giúp chủ trang trại định hướng phát triển lâu dài. Vì vậy chưa có sự hợp tác, liên kết thành một hiệp hội đủ mạnh để hỗ trợ, giúp đỡ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường tiêu thụ sản phẩm…

 

Những kết quả đạt được của KTTT đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân. Tuy nhiên KTTT nhìn chung phát triển chưa ổn định, thiếu bền vững và đã bộc lộ những yếu kém cần khắc phục.

 

 Để KTTT phát triển bền vững

 

Sự hình thành và phát triển hệ thống trang trại ở Hoà Bình là một hướng đi đúng, đã tận dụng được tiềm năng phát huy nguồn nội lực trong tỉnh. Nhưng kết quả đạt được cũng mới chỉ là bước đầu. Trên thực tế, từ khi thực hiện Nghị quyết 03/CP của Chính phủ, tỉnh ta chưa có một cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển KTTT để tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc có thêm điều kiện thuận lợi chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

 

Thị trường tiêu thụ đang là nỗi lo lớn của các chủ trang trại, cũng là bài toán mà lãnh đạo tỉnh Hoà Bình còn phải tiếp tục tìm lời giải để bảo đảm cho tiến trình phát triển KTTT một cách bền vững. Theo ông Đinh Quang Long, Phó giám đốc Sở NN&PTNT: Để tiếp tục phát triển KTTT theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 7 về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, các địa phương cần xây dựng quy hoạch các vùng phát triển KTTT nhằm phát huy những lợi thế về cây trồng, vật nuôi phù hợp với khí hậu, đất đai để sản xuất ra nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh cao, đồng thời tăng thêm việc làm và nâng cao thu nhập của nông dân, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, hiệu quả thấp, thiếu bền vững của trang trại. Theo đó, quy hoạch phát triển trang trại phải phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp và nông thôn, quy hoạch xây dựng kết cầu hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, xử lý môi trường, cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất cung ứng giống cây, con... Các địa phương cần có những chính sách khuyến khích hộ gia đình, cá nhân tích tụ ruộng đất để phát triển KTTT. Đề nghị Nhà nước miễn thuế thuê đất đối với diện tích đất đai trang trại sử dụng vượt hạn điền ở các vùng đất trống, đồi trọc và vùng có nhiều khó khăn; có những chính sách hỗ trợ về thuế, trợ giá nhập khẩu đối với các loại vật tư đầu vào cho sản xuất của trang trại, như giống, vốn, kỹ thuật... đồng thời cung cấp cho chủ trang trại những thông tin thị trường, những dự báo và khuyến cáo về thị trường tiêu thụ nông, thủy sản trong nước và quốc tế; tạo điều kiện cho chủ trang trại tham gia các chương trình, dự án hợp tác, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước... Các địa phương phối hợp với các cơ sở dạy nghề đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản lý, tay nghề cho chủ trang trại và người lao động; đẩy nhanh việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất cho các trang trại thông qua các hoạt động khuyến nông, khuyên ngư, khuyến lâm... Hiện, Chi cục Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án qui hoạch phát triển KTTT đến năm 2015. Năm 2010, Chi cục PTNT có kế hoạch hỗ trợ 550 triệu đồng để xây dựng 11 mô hình trang trại điểm phù hợp cho từng vùng. Đồng thời dành kinh phí 300 triệu đồng tổ chức 2 lớp tập huấn quản lý KTTT cho các chủ trang trại. Đây được coi là tín hiệu khả quan cho phát triển KTTT của tỉnh.

 

Phát triển kinh tế hộ nông dân theo quy mô trang trại là một hình thức chuyển dịch cơ cấu kinh tế tất yếu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Nhưng làm thế nào để KTTT thực sự là hình thức phát triển cao của kinh tế hộ, trở thành động lực trong thực hiện chính sách “Tam nông” hiện nay? Theo ông Sơn, đây là một câu hỏi lớn mà câu trả lời xác đáng nhất đang đợi từ những chính sách từ vĩ mô đến vi mô, từ việc triển khai thực hiện của các cấp trung ương đến cơ sở, từ chính sách quản lý điều hành của Nhà nước đến việc chủ động phát huy nội lực của các chủ trang trại./.

 

                                                                                    Đinh Thắng

 

Các tin khác


Thẩm định mô hình, điển hình tiên tiến tại huyện Kim Bôi, Cao Phong

Ngày 2/5, đoàn công tác do lãnh đạo Ban Thi đua - Khen thưởng (Sở Nội vụ) làm trưởng đoàn đã tổ chức thẩm tra các mô hình, điển hình tiên tiến năm 2024 trên địa bàn huyện Kim Bôi và Cao Phong.

Xử lý nghiêm tập thể, cá nhân làm chậm tiến độ triển khai dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu

Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, chuyển mục đích sử dụng rừng, cắm mốc, trích đo, giải phóng mặt bằng (GPMB)...

Công khai người nộp thuế nợ thuế đến ngày 31/3/2024

Ngày 25/4, Cục Thuế tỉnh có Công văn số 1991/CTHBI-QLN về việc công khai người nộp thuế nợ thuế.

Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế cạnh tranh để phát triển

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận số 179/TB-VPCP, ngày 23/4/2024 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ngày 13/4/2024.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu bột sắn dây Nhuận Trạch

Cuối năm 2023, sản phẩm tinh bột sắn dây của Hợp tác xã (HTX) liên kết dịch vụ nông nghiệp và chế biến tinh bột Nhuận Trạch ở thôn Đồng Sẽ, xã Nhuận Trạch (Lương Sơn) được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đối với người dân địa phương, sắn dây từng là cây trồng giúp bà con cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Việc chứng nhận tinh bột sắn dây đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao là tiền đề để các hộ tiếp tục giữ gìn và phát triển, đưa sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục